Lời kể day dứt của người phụ nữ đưa đón trẻ trường Gateway
Sáng 10/8, gần 4 ngày kể từ khi bé trai Lê Hoàng L. (6 tuổi, học sinh trường Gateway) qua đời dư luận vẫn chưa hết bàng hoàng. Trở về nhà sau hơn hai ngày làm việc với cơ quan công an, bà Nguyễn Bích Quy (55 tuổi, ở phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy) - người đưa đón học sinh trên chuyến xe định mệnh vẫn luôn day dứt. Ngôi nhà rộng khoảng hơn 20m2 chật hẹp là nơi sinh sống của cả gia đình bà Quy.
Suốt quá trình trò chuyện, bà Quy liên tục rơi nước mắt. Bà Quy kể, sáng ngày 6/8 có mặt ở cổng trường quốc tế Gateway, quận Cầu Giấy, Hà Nội để cùng ông Doãn Quý Phiến (SN 1966) lái xe bắt đầu đi đón học sinh tới lớp. Xe ô tô di chuyển qua các điểm Nguyễn Chí Thanh - Huỳnh Thúc Kháng - Nguyên Hồng - số 1 Trung Yên để đón đón cháu Lê Hoàng L.
Sau khi đợi ít phút thì bà Quy đón cháu L. từ người giúp việc của gia đình. “Cháu L. hôm đó mặc áo phông màu đỏ, quần màu tối, đi dép lê màu kẻ sọc đỏ. Lên xe, cháu L. tự ngồi vào góc trong cùng, cạnh cửa sổ của hàng ghế thứ hai tính từ cuối xe. Sau đó, xe tiếp tục đi đón thêm một, hai điểm rồi mới tới trường”, bà Quy nhớ lại.
Chiếc xe ô tô lần lượt đón và chở 13 học sinh dừng lại ở cổng trường lúc gần 7h30. Trong số các cháu được đón, có hai bạn học sinh nữ tên Giang và An mới đi học buổi đầu tiên của lớp 1 nên khóc liên tục từ nhà đến trường. Người phụ nữ đưa đón này đã dỗ dành cho hai cháu xuống xe và giục các cháu khác xuống xe để xếp hàng để vào trường.
Nữ giúp việc kể lại sự việc.
“Vì vướng hai bạn Giang và An đang quấy khóc nên tôi chỉ kịp nhìn lướt qua phía bên trong xe, thấy không còn ai nên chủ quan nghĩ các cháu đã xuống hết, tôi kéo cánh cửa lại để đưa các cháu vào trong trường”, bà Quy chia sẻ.
Khi vào trường, bà Quy đưa các cháu về lớp bàn giao lại cho cô giáo đứng lớp và kí sổ điểm danh, kết thúc buổi làm việc sáng. Khi kết thúc công việc xong bà tiếp tục sang đường Trung Kính, quận Cầu Giấy làm tạp vụ cho một toà nhà. Đến hơn 15h thì bà Quy tiếp tục sang trường để chuẩn bị nhận đón các cháu về nhà.
“Khi kiểm đếm các cháu, tôi đã nhận ra thiếu cháu L. nên đã báo cho cô The (người trực tiếp quản lý kiểm đếm giờ giấc, số học sinh các xe đưa đón) và nhà trường để đi tìm cháu. Trong lúc đó tôi đưa các cháu ra xe trước để ổn định, nhưng khi vừa đẩy cánh cửa hông xe ô tô ra, các cháu đã phát hiện ra L. nằm thẳng dưới sàn phía sau ghế của lái xe và lập tức đã hô lớn. Tôi nhìn vào thấy đầu cháu L. hướng ra ngoài cửa xe, chân hướng vào phía thùng xe”, bà Quy đau xót kể.
Vừa làm được 2 ngày chưa ký hợp đồng gì với công ty thì xảy ra chuyện
Ngay lập tức một người đã nhanh chóng bế cháu L. vào phòng y tế của nhà trường để cấp cứu. Lúc đó môi cháu L. đã tím ngắt. Bà Quy lúc bấy giờ như chết lặng người. Mọi người bảo bà tiếp tục đưa các cháu về nhà sau đó quay lại trường. Còn các thầy cô nhanh chóng đưa bé L. đi cấp cứu.
Bà Quy cho biết, theo quy định trường quốc tế Gateway, người phụ trách đón - trả các bạn học sinh sẽ được cung cấp một danh sách họ tên các cháu cần đón, gồm có: thời gian, địa điểm, số điện thoại liên lạc với phụ huynh. Việc Đón - trả được cháu nào, bà phải chấm hoặc đánh dấu tích vào ô đã hoàn thành. Danh sách dự kiến được bàn giao cho văn phòng Nhà trường một lần/tuần.
“Quá trình đưa các cháu khác về nhà tôi chỉ biết khóc. Tôi bảo với tài xế là cầu trời khấn phật cháu L. không bị làm sao. Nếu bị sao chắc chúng tôi phải chịu tội. Ông Phiến bảo tôi đừng nói nữa để ông ấy tránh bị phân tâm khi lái xe. Thế nhưng phép màu đã không xảy ra. Hôm đó cháu L. ngủ ở ghế cuối cùng nên tôi không phát hiện ra cháu. Nghĩ lại tôi thấy đau lòng vô cùng”, bà Quy kể.
Điều khiến bà Quy khó hiểu đó là lúc lên xe cháu L. mặc áo màu đỏ nhưng khi xuống xe cháu lại mặc áo sáng màu. “Tôi hôm đó cũng không biết cháu có được bố mẹ bỏ quần áo vào cặp không. Không biết cháu tự thay áo hay ai đã thay áo cho cháu. Tôi đã trình báo chuyện này với công an”, bà Quy đặt ra câu hỏi.
Sau khi làm việc với cơ quan công an hơn 2 ngày thì rạng sáng 9/8, bà Quy được chồng ký giấy bảo lãnh về nhà. Suốt hơn một ngày qua, bà luôn đóng cửa ở trong phòng.
“Tôi day dứt, đau lòng lắm. Cũng vì cuộc sống muốn kiếm đồng lương lo cho gia đình lại yêu quý trẻ nhỏ nên tôi đi làm công việc đưa đón trẻ. Vừa làm được 2 ngày chưa ký hợp đồng gì với công ty thì xảy ra chuyện này. Tôi mong một ngày gần nhất sẽ được đến để thắp cho cháu L. một nén hương. Nhưng tôi lo sợ gia đình cháu L. nhìn thấy chỉ khiến họ bức xúc thêm và không kìm chế được nỗi đau”, người phụ nữ này trải lòng.