Đi nhiều nơi, từ vùng thị thành đến nơi địa đầu tổ quốc, tôi phải thừa nhận rằng Hà Nội vẫn là mảnh đất tuyệt vời nhất để sống và thưởng thức thời gian. Ở nơi đó, cuộc sống vừa nhanh, vừa chậm. 2 yếu tố ấy đan cài, xen trộn lẫn nhau một cách vô cùng tinh tế khiến không phải ai cũng đủ khả năng nhận ra.
Thủ đô có lúc ồn ào, lộn xộn thật đó nhưng vẫn luôn tồn tại những khoảng không dành cho người thích sống chậm. Một trong những điểm hẹn như thế chính là quán cafe ở xóm đường tàu khu phố Điện Biên Phủ, Trần Phú.
Giống như một phố huyện không tên trong truyện ngắn “Hai đứa trẻ” của Thạch Lam, cuộc sống ở phố nhỏ nơi những ngôi nhà ăn ra sát mép đường tàu (cách đường ray chỉ 0,4m) gắn liền với ánh sáng, tiếng động cơ xe lửa. Hàng ngày những chuyến tàu thường chạy vào buổi đêm và rạng sáng. Cuối tuần, tàu chạy nhiều chuyến hơn, phân bổ các khoảng giữa ngày. Du khách thường thích ghé đến đây vào lúc cuối tuần, xem tàu chạy, thưởng thức cảm giác đối mặt với tử thần và tìm những khoảng không yên tĩnh lúc vắng vẻ.
Người ta nói, chỉ có ở xóm đường tàu bạn mới có thể trải nghiệm cách sống nhanh, chậm đan cài chỉ trong vòng tích tắc.
Đó có thể cũng là lý do khiến những quán cafe nằm dọc phố đường tàu lúc nào cũng đông nghẹt khách khứa. Nhiều người chưa đến đây bao giờ thường tự hỏi, uống cafe sát đường tàu thì có gì hay? Hay lắm chứ, vừa nguy hiểm, vừa thú vị, an yên và thăng hoa đến lạ lùng.
Buổi sáng chủ nhật, khách Tây ngồi ở đây rất đông. Có người chụp ảnh, người ngồi uống cafe. Tất cả đều tỏ ra thích thú. Rồi một chiếc tàu sắp chạy qua, tất cả thực khách ôm ghế, đồ uống nép sát vào cửa quán. Khoảnh khắc nhìn con tàu sắt khổng lồ chạy xình xịch qua sát mặt, nhiều người chưa quen không nén nổi tiếng thở, nhịp tim đập dồn dập, sợ hãi. Khi còn tàu đi qua, nhiều cặp đôi đã hôn nhau để chia sẻ cảm giác kỳ lạ vừa trải qua và mừng rằng họ vẫn đứng đó, an toàn như chưa từng nhìn thấy tử thần.
Con tàu vừa đi khuất, âm thanh của nó vội tắt bặt nhường chỗ cho tiếng thực khách rôm rả chuyện trò. Mọi thứ diễn ra chóng vánh chỉ trong vài phút. Đó dường như cũng là quãng thời gian ồn ào, huyên náo nhất ở xóm đường tàu. Khi không có còi tàu, cuộc sống và không gian ở đây rất hiền lành, rất yên bình, mộc mạc y như vùng ngoại ô.
Chỉ cần bỏ một số tiền không lớn, thực khách có thể nán lại những quán cafe đường tàu ấy lâu thật lâu. Chỗ ngồi trên vỉa hè hoặc ăn ra sát mép đường ray khiến họ quan sát trọn vẹn không gian và cuộc sống sinh hoạt của mọi người xung quanh. Lần đầu tiên, khách nước ngoài được chứng kiến cảnh người dân biến đường ray thành đường đi, nơi tụ họp, nấu ăn, làm việc… Còn đối với khách trong nước, họ đã quá quen với những điều ấy nhưng vẫn muốn đi tìm một khoảng lặng ở nơi vốn tưởng là ồn ào, nguy hiểm.
Dù cho người dân nơi đây không hề sống bám vào những chuyến tàu nhưng rõ ràng, họ đã khởi đầu một ý tưởng kinh doanh đầy sáng tạo, biến những bất lợi trong sinh hoạt hàng ngày thành một lợi thế để đem lại thu nhập. Có người phản đối cách kinh doanh ấy vì cho là nó quá nguy hiểm nhưng với những tấm giấy dán rõ lịch trình tàu và sự ý thức về tính mạng, cafe đường tàu có lẽ cũng không phải là một ý tưởng quá tệ.
Nếu bạn muốn biết 2 nhịp sống nhanh, chậm ở Hà Nội đan xen như thế nào, muốn thử một lần đối diện với tử thần để biết mình mạnh mẽ cỡ nào thì có thể tham khảo địa chỉ cafe đường tàu này nhé!