Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sắc màu cuộc sống

TP. HCM vượt mốc hơn 2.000 ca nhiễm Covid- 19

Tính đến hiện tại kể từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát (27/4), số ca nhiễm tại TP HCM đã tăng lên 2.100, trở thành một trong những "điểm nóng" nhất cả nước về tình hình dịch Covid- 19.

Sáng nay, Bộ Y tế công bố 37 bệnh nhân Covid-19 do lây nhiễm trong nước và 5 ca nhập cảnh. TP.HCM là địa phương có số người mắc nhiều nhất với 26 ca.

Như vậy, tính đến hiện tại, số ca nhiễm tại TP HCM đã tăng lên 2.100, trở thành một trong những "điểm nóng" nhất cả nước về tình hình dịch Covid- 19.

Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM, tính đến ngày 23/6, quận Bình Tân ghi nhận nhiều ca nhiễm nhất TP HCM với 309 ca; tiếp đó là Hóc Môn, Gò Vấp, quận 12, TP Thủ Đức, quận 8 với số ca nhiễm lần lượt là 205, 168, 130, 123, 118. Hai địa phương ít ca nhiễm nhất là huyện Cần Giờ 2 ca và quận 4 với 9 ca.

Ngoài ổ dịch lớn nhất tại điểm nhóm Hội thánh truyền giáo Phục hưng ở Gò Vấp với 587 ca nhiễm, TP HCM đang ghi nhận một số ổ dịch lớn khác gồm: chung cư Ehome 3, quận Bình Tân (196 ca); Công ty Kim Minh, phường 13, quận 5 (100 ca); Hnam Mobile (70 ca); xưởng cơ khí Hóc Môn (70 ca); chung cư Phú Thọ, quận 11 (48 ca); vựa ve chai Đề Thám, quận 1 (29 ca); nhân viên UBND quận 7 (28 ca)...

TP. HCM vượt mốc hơn 2.000 ca nhiễm Covid- 19 Ảnh 1
Ảnh minh họa

Trong công văn gửi UBND TP HCM ngày 23/6, Bộ Y tế cho rằng TP HCM tiếp nhận hơn 870.000 liều vaccine Covid-19, song đến nay mới tiêm được hơn 50.000 liều là chậm. Do đó, Bộ Y tế đề nghị thành phố khẩn trương, triển khai tiêm chủng ngay số vaccine được cấp.

Sau TP.HCM, Bình Dương được xem là "điểm nóng" tiếp theo về tình hình dịch Covid- 19. Số ca mắc hiện nay trên địa bàn tỉnh đã tiệm cận cấp độ 4, do đó cần nâng mức độ cảnh báo dịch lên mức cao nhất để chuẩn bị tinh thần, thái độ, biện pháp và nguồn lực kịp thời chống dịch.

Ngoài ổ dịch xuất phát từ BN10584- Chủ quán trà sữa Cô Chủ Nhỏ ở phường Phú Mỹ (TP Thủ Dầu Một)., ngành y tế Bình Dương cũng ghi nhận nhiều điểm có dịch khác như: Khu phố Bình Quới B, phường Bình Chuẩn (hai nữ sinh viên liên quan đến nhóm truyền giáo Phục Hưng ở TP.HCM), Công ty sản xuất – thương mại Phúc Đạt (TP Dĩ An), Chung cư Ehome 4 (phường Vĩnh Phú, TP Thuận An), Công ty TNHH Puku Việt Nam (KCN Đồng An, TP Thuận An), phường Bình Thắng (TP Dĩ An), phường Bình Nhâm, TP. Thuận An (liên quan Chợ đầu mối Hóc Môn - TP.HCM).

Ngành Y tế nhận định, ổ dịch tại phường Tân Phước Khánh, TX. Tân Uyên và công ty tại phường Bình Chuẩn, TP. Thuận An rất đáng lo ngại; với biến chủng virus từ Ấn Độ có tốc độ lây lan rất nhanh. Ca bệnh đã xâm nhập vào nhiều công ty, lây lan ra các khu nhà trọ công nhân, do đó rất khó kiểm soát và có thể ca bệnh tăng cao trong thời gian tới nếu không ngăn chặn kịp thời.

Ngày 23/6, Ban chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Bình Dương cho biết, vừa ghi nhận thêm 23 ca mắc COVID-19 trong cộng đồng gồm: Công ty House wares 17 ca, Chi nhánh xử lý nước thải Biwase 5 ca; phường Bình Nhâm, TP Thuận An liên quan chợ đầu mới huyện Hóc Môn, TP HCM 1 ca. Những ca bệnh này đều được cách ly tập trung từ trước.

Tính từ đợt dịch thứ 4 này, Bình Dương đã ghi nhận 164 ca mắc COVID-19 trong cộng đồng. Hiện, Bình Dương đã thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ đối với TX Tân Uyên; TP Thuận An; một số phường thuộc TP Dĩ An và TP Thủ Dầu Một.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Tổng hợp

Được quan tâm

Tin mới nhất