Đây là lần đầu tiên việc kiểm kê khí nhà kính (KNK) được thực hiện tại TP.HCM.
Thông tin trên vừa được Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) phối hợp với UBND TP.HCM công bố tại hội thảo kì cuối một dự án hợp tác kỹ thuật về giám sát phát thải KNK, vào ngày 26.10.
45% lượng phát thải khí nhà kính ở TP.HCM là từ các hoạt động giao thông. Ảnh: Báo Lao Động
Theo kết quả tính toán năm 2013, TP.HCM thải ra lượng KNK tương đương 38,5 triệu tấn CO2, chiếm khoảng 16% tổng lượng phải thải của VN.
Trong đó, 46% lượng phát thải là do việc sử dụng năng lượng từ các nguồn cố định như: các tòa nhà dân cư, thương mại, hành chính và cơ sở hạ tầng; sản xuất công nghiệp và xây dựng; nông lâm nghiệp và thủy sản; phát tán từ dầu và khí thiên nhiên.
Hoạt động giao thông chiếm 45%; chất thải chiếm 6%; 3% còn lại đến từ 2 nguồn khác. TP.HCM là thành viên của mạng lưới C40 - nhóm các thành phố lãnh đạo về khí hậu, gồm 91 thành phố trên thế giới.
Tính đến nay, TP.HCM là một trong năm thành phố kiểm kê đầy đủ 5 nguồn phát thải gây hiện tượng khí nhà kính; trong 16 thành phố kiểm kê được 3 nguồn phát thải.
Ông Kuwahara, chuyên gia của Jica cho biết, so sánh với 16 thành phố khác trong mạng lưới cho thấy, lượng phát thải bình quân đầu người của TP.HCM là 4,2 tấn tấn CO2. Con số này tương đương với phát thải bình quân đầu người của thành phố Seoul (Hàn Quốc) và London (Anh). Trong khi đó, phát triển về kinh tế của TP.HCM chậm hơn rất nhiều so với các thành phố này.
Còn tính theo GDP, lượng phát thải KNK của TP.HCM đang dẫn đầu và cao hơn nhiều lần so với các thành phố khác trong mạng lưới C40.
Theo các chuyên gia Jica, cần tiếp tục kiểm kê KNK thời gian tới. Việc này giúp định lượng được cụ thể các nguồn gây phát thải KNK, và dự báo được lượng phát thải trong tương lai; từ đó giúp thiết lập mục tiêu, xây dựng chính sách giảm phát thải hiệu quả.
KNK giữ nhiệt trong khí quyển và gây ra hiện tượng ấm lên toàn cầu, hiệu ứng nhà kính. Có nhiều khí gây hiệu ứng nhà kính, gồm CO2, CH4, CFC, SO2,…