Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức chủ trì cuộc họp với sự tham dự của lãnh đạo Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Công Thương, Sở Giao thông Vận tải, Sở Thông tin và Truyền thông, Ban Tuyên giáo Thành ủy.
Những người bán hàng ăn uống phải đóng cửa
Về quy định nêu trong văn bản "cấm ăn uống mang về", Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức cho biết về ăn uống, trước đây trong Chỉ thị 10 đã cấm ăn uống tại chỗ, còn bây giờ chúng ta cấm luôn ăn uống mang về.
"Những người bán hàng ăn uống, dịch vụ trước đây mình không cho bán ăn uống tại chỗ, giờ mình cấm luôn bán mang về, nghĩa là họ phải đóng cửa", Phó Chủ tịch nói.
Với những người có nhu cầu mua đồ ăn, ông Đức cho biết bản thân ông và gia đình cũng rất cần nhưng cần phải đặt mục tiêu phòng dịch của TP lên trên hết. Ông Đức khuyến khích mọi người tự nấu ăn ở nhà hoặc mua đồ ăn sẵn như mì tôm, phở gói…
Về vấn đề bán hàng tạp hóa, phát cơm từ thiện, shipper có được hoạt động không?
Trả lời câu hỏi các cửa hàng tạp hóa có được bán không, ông Đức cho biết tạp hóa có nhiều loại, nếu bán những mặt hàng thiết yếu như thuốc men, lương thực thực phẩm thì được, nhưng nếu bán nồi, niêu, xoong chảo thì không được.
TP cũng tiếp tục cho siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng cung cấp sản phẩm thiết yếu được hoạt động để đảm bảo nhu cầu của người dân.Trong đó duy trì nguồn cung ứng để bà con yên tâm.
Những siêu thị, cửa hàng tiện lợi đảm bảo dồi dào hàng hóa, các chợ truyền thống đảm bảo an toàn vẫn được duy trì để đảm bảo nhu cầu người dân.
Liên quan vấn đề phát cơm từ thiện nếu đảm bảo các quy định không tập trung quá 2 người nơi cộng cộng thì mới được phép duy trì. “Về nguyên tắc thì TP không cấm nhưng nếu hoạt động phải đảm bảo việc không tập trung”.
Về câu hỏi về shipper có được hoạt động, ông Dương Anh Đức cho biết, các dịch vụ vận chuyển bằng xe mô tô, vận chuyển hàng hóa không chở người vẫn duy trì.
Xử phạt những đối tượng không thuộc diện được phép ra ngoài
Đại diện Công an TPHCM cho biết người dân chỉ ra ngoài khi thực sự cần thiết. Thành phố sẽ chỉ đạo tăng cường kiểm tra, xử phạt những đối tượng không thuộc diện được phép ra ngoài.
Bằng các biện pháp nghiệp vụ, Công an Thành phố sẽ có phương án cụ thể để xác định vấn đề này. Ngoài ra, Thành phố cũng sẽ lập lại 12 chốt kiểm soát giao thông.
Thủ tục hành chính được giải quyết như thế nào?
Phó Chủ tịch UBND Dương Anh Đức cho biết, các cơ quan, sở ngành sẽ tập trung, ưu tiên giải quyết vấn đề cấp thiết của người dân. "Có thể xảy ra trường hợp chậm trễ thì rất mong có sự chia sẻ của người dân khi lực lượng thành phố song song vừa chống dịch, vừa thực hiện trách nhiệm của mình", ông Đức cho hay.
Về trách nhiệm của những cơ sở, địa phương để bùng phát dịch, Phó chủ tịch cho biết nếu do vô trách nhiệm, xao nhãng công việc để sự cố xảy ra đến mức phải truy trách nhiệm thì phải xử lý.
Trước câu hỏi về xử phạt người vi phạm quy định phòng, chống dịch, ông Đức khẳng định bất kỳ ai vi phạm đều xử lý như nhau. Thành phố sẽ thực hiện xử phạt theo Nghị định 117/2020. Trách nhiệm xử lý cũng được quy định trong nghị định này.
Về hoạt động giao thông vận tải
TP.HCM dừng vận tải hành khách công cộng bằng ôtô (trừ trường hợp vì công vụ, đưa đón công nhân, chuyên gia, người cách ly, hàng hóa...). Hoạt động vận tải bằng xe môtô gồm xe dùng phần mềm ứng dụng công nghệ và xe ôm cũng phải tạm dừng.
UBND TP.HCM cũng yêu cầu công an thành phố tái tổ chức 12 chốt, trạm kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19.