Xây dựng chiến lược “tháp 3 tầng” điều trị COVID-19
Theo thông tin từ Sở Y tế TP. HCM, trong thời gian qua, Sở Y tế đã chủ động triển khai kế hoạch ứng phó với tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn ra trong tình huống TP. HCM có 5.000 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 bằng cách chuyển đổi công năng của một số bệnh viện quận, huyện và bệnh viện đa khoa, chuyên khoa của thành phố trở thành các bệnh viện chuyên tiếp nhận điều trị Covid-19 với quy mô tổng cộng 5.000 giường và đã phát huy hiệu quả.
Tuy nhiên, trước tình hình số ca mắc COVID-19 trên địa bàn đã vượt qua con số 3.000 trường hợp và dự báo số ca mắc còn tiếp tục tăng nhanh trong thời gian tới khi mà tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, việc bổ sung thêm các bệnh viện dã chiến chuyên thu dung điều trị các trường hợp mới mắc hoặc các trường hợp đang được cách ly (F1) không có triệu chứng hoặc chỉ có triệu chứng nhẹ (chiếm khoảng 80% các trường hợp) là rất cần thiết, vừa đáp ứng yêu cầu thực tế vừa giảm tải cho các bệnh viện đã chuyển đổi công năng.
Qua nghiên cứu tính hiệu quả của mô hình hệ thống các cơ sở điều trị COVID-19 theo hình “tháp 3 tầng” tại tỉnh Bắc Giang đang được Bộ Y tế triển khai, Sở Y tế nhận thấy mô hình này là giải pháp phù hợp cho tình hình hiện nay trên địa bàn thành phố.
Triển khai kế hoạch lấy mẫu xét nghiệm cho 5 triệu người
Ngày 26/6, UBND TP. HCM ban hành kế hoạch số 2142/KH-UBND về việc xét nghiệm tầm soát SARS-CoV-2 cho người dân, người lao động tại khu dân cư, khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao.
Theo đó, việc lấy mẫu được thực hiện tại tất cả các quận, huyện và TP Thủ Đức. Trong đó, tập trung đầu tiên tại các địa phương có nhiều ca mắc Covid-19 như: Quận 8, Bình Tân, Tân Phú, huyện Bình Chánh, Hóc Môn… Lực lượng y tế sẽ sử dụng phương pháp lấy mẫu gộp (gộp 10, gộp 15) với số lượng mẫu lấy là 500.000 người/ngày.
Thành phố phấn đấu trong thời gian từ ngày 26/6 đến 5/7 sẽ thực hiện lấy mẫu được 5 triệu người.
Sau những buổi đầu tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-19 tại TP. HCM, một số điểm thể hiện sự bất cập, đến nay công tác điều phối, tổ chức tiêm tại các điểm tiêm vaccine đã bài bản, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định, nhất là tại các điểm tiêm có quy mô lớn như tại nhà thi đấu Phú Thọ đã thông thoáng hơn rất nhiều.
Theo Sở Y tế, tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, việc tiêm vaccine phòng COVID-19 hiện đang thực hiện với tiến độ tốt với hơn 213.000 người đã được tiêm. Vì vậy, TP sẽ thực hiện được đúng như dự kiến, sau khi có sự điều phối chặt chẽ, quản lý người đến tiêm theo khung giờ (1 đội tiêm thực hiện 25 người/giờ).
Triển khai đợt tiêm vaccine với quy mô lớn nhất từ trước tới nay trên địa bàn, ngành Y tế thành phố đã huy động hơn 1.000 đội tiêm chủng đến từ các cơ sở đã được công bố đủ điều kiện tiêm vaccine phòng COVID-19; tập huấn cho 4.000 đoàn viên, thanh niên, thanh niên tình nguyện về công tác hỗ trợ.
Bổ sung các bệnh viện dã chiến
Trong giai đoạn hiện nay, Sở Y tế xây dựng bổ sung các bệnh viện dã chiến chuyên thu dung điều trị COVID-19 không có triệu chứng hoặc chỉ có triệu chứng nhẹ với quy mô 5.000 giường.
Theo đó, TP. HCM chọn cơ sở làm bệnh viện dã chiến thu dung điều trị COVID-19 tận dụng từ các cơ sở hạ tầng sẵn có như ký túc xá các trường đại học, doanh trại quân đội, khu nhà ở xã hội, nhà thi đấu thể thao, khu triển lãm... để làm các cơ sở thu dung điều trị COVID-19.
Cụ thể, TP. HCM chọn Ký túc xá của Trung tâm Giáo dục Quốc phòng và an ninh thuộc Đại học Quốc gia TP. HCM với quy mô 1.000 giường trở thành “Bệnh viện Dã chiến thu dung điều trị COVID-19 số 1” và Ký túc xá Khu A của Đại học Quốc gia TP. HCM với quy mô 4.000 giường trở thành “Bệnh viện Dã chiến thu dung điều trị COVID-19 số 2”.
Về phương tiện, trang thiết bị và vật tư y tế, mỗi bệnh viện phải có ít nhất 1 xe cứu thương thường trực để kịp thời chuyển người bệnh về các bệnh viện được phân công điều trì COVID-19.
Trường hợp cần xét nghiệm RT-PCR, lấy mẫu tại chỗ và gửi mẫu bệnh phẩm về các phòng xét nghiệm khẳng định. Cùng với đó là đảm bảo các dụng cụ, trang thiết bị thiết yếu cho công tác sơ cấp cứu như: bình oxy và các thiết bị thở oxy, máy đo SpO2, nhiệt kế, máy đo huyết áp, các trang thiết bị và thuốc cấp cứu cơ bản.
TP. HCM đảm bảo đầy đủ phương tiện phòng hộ cá nhân cho nhân viên công tác tại các bệnh viện dã chiến.
Sở Y tế huy động các trang thiết bị sẵn có tại các bệnh viện thành phố (khi cần) đảm bảo đủ điều kiện hoạt động cho các cơ sở thu dung điều trị COVID-19; trong đó tối thiểu cần có xe lưu động thực hiện được xét nghiệm máu cơ bản, X-quang phổi tại chỗ.
Tùy tình hình số ca mắc mới, hai Bệnh viện Dã chiến thu dung điều trị COVID-19 sẽ đi vào hoạt động khi có yêu cầu của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch TP. HCM.
Giám sát chặt chẽ khu công nghiệp
Song song kiểm soát và khống chế các ổ dịch bùng phát, TP. HCM đặc biệt chú trọng công tác kiểm soát sự lây nhiễm trong khu công nghiệp.
Hiện tại, Sở Y tế TP. HCM áp dụng các biện pháp nhằm quản lý chặt chẽ người lao động, kiểm tra thông tin người ra vào cơ sở sản xuất lao động, yêu cầu khai báo y tế đầy đủ.
Người lao động sau giờ làm việc được yêu cầu chỉ nên ở nhà, hạn chế tiếp xúc người ngoài gia đình, không tụ tập, đi đến nơi công cộng. Người thân trong cùng nhà cũng hạn chế tiếp xúc bên ngoài.
Các cơ sở kiểm soát khu lưu trú, ký túc xá dành cho công nhân, không để người không có nhiệm vụ được ra vào; theo dõi sát tình hình sức khỏe công nhân và thông tin khai báo y tế.
Đơn vị sản xuất nghiên cứu bố trí khu lưu trú cho công nhân ngay tại cơ sở làm việc nếu có điều kiện, đảm bảo quản lý không tiếp xúc với người bên ngoài cộng đồng. Các cơ sở chuẩn bị sẵn sàng phương án tổ chức cách ly tại nơi làm việc nếu phát hiện trường hợp mắc bệnh, đảm bảo vừa cách ly y tế vừa duy trì lao động sản xuất.
Tổ chức đợt cao điểm kiểm soát tình hình dịch COVID-19
UBND TP. HCM vừa ban hành Kế hoạch số 2151 về tổ chức đợt cao điểm kiểm soát tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn từ ngày 29/6 đến 10/7/2021. Các nội dung cần tập trung gồm:
Thứ nhất, tăng cường điều tra, truy vết, khoanh vùng, dập dịch: Tiến hành xác định khu vực khoanh vùng trong vòng 1 giờ hoặc sớm hơn sau khi có xét nghiệm khẳng định nhiễm COVID-19 trên nguyên tắc khoanh vùng nhanh để lấy mẫu xét nghiệm diện rộng và phong tỏa hẹp; có kết quả xét nghiệm trong vòng 12 giờ để nhanh chóng tầm soát các ca nhiễm.
Thứ hai, tổ chức và tăng cường năng lực xét nghiệm: Tăng cường công tác lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc COVID-19 cho người dân, người lao động tại tất cả các quận - huyện, TP Thủ Đức, trong đó tập trung lấy mẫu toàn bộ người dân tại các quận, huyện đang có nhiều ca nhiễm.
Thứ ba, tăng cường kiểm tra, giám sát đối với các nhóm có nguy cơ cao: Siết chặt công tác phòng, chống dịch tại các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Thứ tư, tăng cường năng lực cách ly: Rà soát năng lực các khu cách ly tập trung hiện tại để xây dựng kế hoạch khảo sát, mở rộng các khu cách ly tập trung, đáp ứng nhu cầu khi có số lượng các ca F1 tăng nhanh.
Thứ năm, tăng cường năng lực điều trị: Chủ động sẵn sàng các phương án, nguồn lực để mở rộng khả năng thu dung người bệnh, sẵn sàng kịch bản ứng phó của khối điều trị trong tình huống TP. HCM có 10.000 ca nhiễm.
Thứ sáu, thực hiện chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19, phấn đấu đến cuối năm 2021, có 2/3 người dân TP được tiêm vắc xin.
Thứ bảy, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai các giải pháp khai báo y tế điện tử, hỗ trợ điều tra dịch tễ bằng mã QR…
Thứ tám, tăng cường kiểm tra việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 10.
Thứ chín, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền: Đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân đồng thuận, chia sẻ cùng những khó khăn của TP, và cả kết quả, nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.