TP. HCM cần nâng cao năng lực xét nghiệm
Phát biểu trong buổi làm việc vào chều 19/6/2021, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, Bộ Y tế đánh giá cao những nỗ lực của TP.HCM trong việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch nhanh chóng, triệt để nhất là các biện pháp giãn cách đã được thực hiện đúng mức độ, đúng thời điểm đã giúp TPHCM cơ bản kiểm soát được dịch bệnh.
Tuy nhiên đặc điểm đợt dịch lần này có sự khác biệt so với những lần trước, khi không thể hoàn toàn truy vết được tất cả các nguồn lây bởi sự xuất hiện của các trùm ca bệnh, mầm bệnh có thể phát tán và lây lan nhanh nên đã xảy ra việc bỏ sót ca bệnh tiềm ẩn làm lây lan ra những trường hợp khác.
Đồng thời tốc độ lây cũng rất nhanh khi trong thực tế cho thấy khi ghi nhận một ca bệnh thì nhiều trường hợp người trong gia đình, một dây chuyền sản xuất hay một công ty cũng đã bị lây nhiễm.
Về định hướng trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh, nâng cao năng lực xét nghiệm là một trong những giải pháp chiến lược để TP.HCM có thể nhanh chóng khống chế, ngăn chặn dịch bệnh.
TP.HCM cần nhanh chóng nâng cao năng lực xét nghiệm với công suất 500.000 mẫu gộp mỗi ngày, kịch bản này đã được đề ra từ trước nhưng cần thực hiện ngay để nhanh chóng chặn đứng nguồn lây.
Công tác xét nghiệm cần được triển khai thực hiện theo nhiều hình thức khác nhau: với các khu vực trọng điểm cần đảm bảo xét nghiệm toàn bộ cho các đối tượng liên quan, không bỏ sót và thực hiện xét nghiệm lặp lại sau 5-7 ngày.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng yêu cầu cần triển khai thực hiện xét nghiệm nhanh kháng nguyên, áp dụng rộng rãi để không tồn mẫu; Tăng cường nhân lực lấy mẫu và thực hiện xét nghiệm đồng thời có thể xem xét, hướng dẫn người dân tự thực hiện lấy mẫu xét nghiệm nhanh tại nhà.
Giãn cách nghiêm và linh hoạt, chuẩn bị phương án có 5.000 ca mắc
Đối với vấn đề giãn cách xã hội, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhận định TP.HCM đã thực hiện giãn cách toàn thành phố theo Chỉ thị 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tuy nhiên việc triển khai còn nhiều bất cập.
Bộ trưởng Bộ Y tế khuyến nghị, việc thực hiện giãn cách trên địa bàn TPHCM nên được thực hiện theo nhiều mức độ khác nhau tùy theo đặc điểm của từng khu vực, không nên cứng nhắc áp dụng Chỉ thị 16 trên toàn Thành phố.
Theo đó, trên địa bàn Thành phố nên thực hiện nghiêm theo chỉ thị 15; những khu vực trọng tâm, trọng điểm cần thực hiện nghiêm theo Chỉ thị 16, 16+ hay thậm chí là áp dụng phong tỏa cứng ớ các khu vực nguy cơ cao.
Đối với các khu vực áp dụng các biện pháp phong tỏa cứng cần tuân thủ nghiêm việc giãn cách giữ người với người, giữa nhà với nhà không để có sự giao lưu qua lại giữa các đối tượng trong khu vực phong tỏa.
Về công tác điều trị, Bộ trưởng Bộ Y tế khuyến cáo TP.HCM cần chuẩn bị sẵn sàng cho kịch bản có 5000 ca bệnh; Có phương án phối hợp cùng lực lượng quân đội trên địa bàn để lên phương án thành lập BV Dã chiến.
Giao BV Chợ Rẫy sẵn sàng kịch bản thiết lập khu cấp cứu để tiếp nhận điều trị cho các trường hợp bệnh nhân nặng đặc biệt là các trường hợp cần can thiệp chuyên sâu như ECMO.
Đối với kịch bản này, Ngành Y tế TP. HCM cũng cần rà soát và chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện, trang thiết bị, vật tư y tế… Bộ Y tế sẽ viện trợ Thành phố một số trang thiết bị cần thiết như thiết bị HFLC, máy thở… Bên cạnh đó Bộ Y tế cũng sẽ hỗ trợ, phối hợp cùng TP.HCM chuẩn bị phương án mua sắm các hệ thống ECMO để đáp ứng nhu cầu điều trị cho bệnh nhân nặng.