Sau hơn 2 tháng hoạt động, tour du lịch trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (TP. HCM) đang điêu đứng vì ế khách tham quan. Theo quản lý bến thuyền, rác thải ngày càng nặng dưới kênh chính là nguyên nhân.
Trước đây, kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè bị liệt vào danh sách một trong những dòng kênh “chết” bởi lượng rác thải ra đây quá lớn vào mỗi ngày khiến nước đen ngòm. Sau một thời gian cải tạo, dòng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đã hồi sinh một cách thần kì, không khí đã trong lành, dòng nước trong xanh phần nào. Dòng kênh được thay áo mới nên dịch vụ khai thác du lịch trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghèđã chính thức đưa vào hoạt động từ ngày 2/9.
Khách hào hứng du ngoạn bằng thuyền trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè trong những ngày khai trương.
Theo đó, lộ trình tuyến du lịch dài khoảng 4,5 km đi qua các địa bàn quận 1, quận 3, quận Bình Thạnh và quận Phú Nhuận. Trong thời gian đầu đưa vào hoạt động, tuyến du lịch bằng thuyền trên dòng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đã đem đến cho người dân thành phố và du khách trong và ngoài nước một sản phẩm du lịch mới.
Tuy nhiên chưa kịp mừng thì giờ đây người dân lại lo lắng khi dòng kênh đang bắt đầu ô nhiễm trở lại vì một số người kém ý thức đã vứt rác bừa bãi xuống kênh. Cũng chính vì thế, sau khoảng hơn 2 tháng đưa vào hoạt động, tuyến du lịch trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đang vấp phải nhiều khó khăn, lượng khách ngày càng giảm, nhiều người chẳng còn mặn mà đến đây du ngoạn để ngắm thành phố do nước quá ô nhiễm và bốc mùi hôi thối.
Bến thuyền du lịch đầy rác, không có khách đặt tour nhưng các nhân viên của bến cũng bận rộn vì phải… vớt rác cả ngày.
Theo phản ánh của nhiều người dân nơi đây, con kênh này sau một thời gian hồi phục lại vẻ trong xanh, sạch sẽ thì hiện tại nhiều hộ gia đình và nhiều người tới đây chơi, tham quan không có ý thức đã vứt rác bừa bãi xuống kênh. Ngoài ra, nhiều nguồn nước bẩn được xả vào kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè gây ô nhiễm, cứ mỗi lần trời nắng thì con kênh này lại bốc mùi hôi thối, còn trời mưa thì rác nổi lềnh bềnh.
Rác thải do những người thiếu ý thức vứt xuống kênh gây ô nhiễm.
Bác Trần Văn Bửu (52 tuổi, quận 1), mỗi buổi sáng và chiều tối đều ra bờ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (gần bến thuyền) tập thể dục phàn nàn: “Rác nhiều quá, đọng lại thành từng mảng ngay bến thuyền, bốc mùi ghê lắm. Nếu mỗi ngày dưới dòng kênh đều ngập tràn rác như vậy thì du khách nào còn dám đi du thuyền ngắm cảnh nữa. Ý thức giữ gìn của mỗi người không cải thiện sớm, không sớm thì muộn dịch vụ du lịch trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè sẽ dẹp bỏ mất thôi”.
Theo bác Bửu, mỗi ngày không chỉ khu vực bến thuyền mà tại khu vực chân cầu nơi dòng nước lưu thông chậm cũng là nơi tồn đọng rác nhiều nhất. Các công nhân của Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP. HCM phải vất vả từ sáng đến chiều để vớt rác.
Ông Phan Học Hải - đội trưởng đội vớt rác cho hay, cả đội gần như hoạt động nguyên ngày, trung bình vớt được khoảng 7 - 13 tấn rác, phần lớn là rác sinh hoạt, túi nilông, xác động vật và cả bàn, ghế, nệm ngủ, mút xốp…
Công nhân vệ sinh môi trường đang gom rác từ dưới kênh.
Lượng rác thải dày đặc là nguyên nhân gây ô nhiễm kênh Nhiêu Lộc. Cá bắt đầu chết dần hòa lẫn với rác thải gây mùi hôi thối cả một khúc kênh.
Hoạt động du lịch trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đang ngày càng chết dần chết mòn vì ô nhiễm bởi rác đang khiến các nhà quản lý đau đầu. Theo người quản lý bến thuyền của Công ty TNHH Thuyền Sài Gòn cho hay, công ty đang rất lo lắng khi lượng khách ngày càng giảm vì lý do rất đơn giản là môi trường ô nhiễm, các đơn vị chức năng đang phối hợp để cải thiện tình hình nhằm vực dậy hoạt động du lịch.
Quản lý bến thuyền trăn trở: “Hình ảnh du lịch trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đẹp thì được, còn xanh và sạch thì khó. Chúng tôi cũng đang kiến nghị với các cơ quan chức năng phối hợp xử lý nạn vứt rác bừa bãi của người dân thiếu ý thức và cũng đã soạn thảo văn bản gửi đến cơ quan công an các phường ở gần dòng kênh để nhờ hỗ trợ. Thực sự vấn nạn ô nhiễm do rác thải dưới dòng kênh đã làm mất hình ảnh đẹp khiến hoạt động du lịch bị hạn chế rất nhiều”.
Các công nhân phải đi vớt rác từ 2 - 3 lần/ngày dưới dòng kênh đang có nguy cơ bị ô nhiễm trở lại.
Quản lý bến thuyền còn cho biết thêm, trong thời gian gần đây các tour du lịch chủ yếu thuộc các đoàn công chức người dân thì rất ít. Mỗi khi khách đặt chuyến đi thì phải sắp xếp lịch cho phù hợp bởi còn tùy theo con nước, thủy triều. Do mới hoạt động nên khách tới sử dụng dịch vụ còn thưa thớt, lâu lâu mới có một khách.
“Sau khi chính thức có giấy phép hoạt động vào ngày 6/10, để cải thiện tình hình hoạt động du lịch, trong thời gian tới Công ty Thuyền Sài Gòn sẽ tiến hành xây dựng nhà vệ sinh và nhà lưu niệm ở mỗi bến thuyền để phục vụ khách. Việc thiếu nhà vệ sinh cũng là một phần nguyên nhân khiến hoạt động du lịch ở đây chưa thể phát triển hết”, người quản lý nói.
Dùng máy cẩu để vớt rác vì quá nhiều.
Theo “Chiến lược phát triển du lịch đường sông TP. HCM giai đoạn 2013-2015 và định hướng đến năm 2020”, TP. HCM đặt mục tiêu đẩy tốc độ tăng trưởng bình quân về khách du lịch đường sông mỗi năm khoảng 20%, doanh thu tăng mỗi năm 30% đến 2020, phát triển du lịch đường sông thành sản phẩm du lịch chủ lực của TP. HCM.
Dự kiến, trong năm nay, thành phố sẽ cải tạo và xây mới 45 bến đỗ, nhà chờ, tổ chức kết nối đường bộ tới các điểm tham quan. Bên cạnh đó, sẽ phát triển thêm 65 điểm tham quan du lịch tại các quận, huyện có tuyến du lịch đường sông và xây dựng 3 điểm du lịch cộng đồng tại các huyện Củ Chi, Cần Giờ.
Sau thời gian định cư ở nước ngoài để thực hiện trọn vẹn thiên chức làm mẹ, Hằng BingBoong quyết định về Việt Nam tiếp tục theo đuổi con đường âm nhạc.