Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sắc màu cuộc sống

Tin sáng 8-4: Việt Nam vượt 10 triệu ca COVID-19; TP.HCM có chính sách 'giữ chân' y bác sĩ

Tuổi trẻ online Theo dõi Saostar trên google news

Tính đến sáng 8-4, Bộ Y tế cho biết cả nước ghi nhận 10,07 triệu ca mắc COVID-19 tính từ đầu vụ dịch, bình quân khoảng 9 người dân có 1 người đã/đang là F0

Theo Bộ Y tế, các chỉ số liên quan đến dịch COVID-19 cho thấy số mắc mới đang giảm đều, số tử vong giảm mạnh, ngày 7-4 ghi nhận 21 ca tử vong, thấp hơn bình quân tuần qua và thấp hơn nhiều so với 3 tháng đầu năm (ghi nhận xấp xỉ 100 ca tử vong/ngày).

Về số ca chuyển nặng, ngày 7-4 có 1.674 ca nặng điều trị tại các bệnh viện, giảm hơn 1/2 so với tháng 3 và đây là mức thấp nhất tính từ tháng 7-2021 đến nay.

Tin sáng 8-4: Việt Nam vượt 10 triệu ca COVID-19; TP.HCM có chính sách 'giữ chân' y bác sĩ Ảnh 1
Đồ họa: NGỌC THÀNH

TP.HCM ban hành 3 chính sách đặc thù "giữ chân" y bác sĩ

Theo Sở Y tế TP.HCM, Hội đồng nhân dân TP vừa thông qua nghị quyết về các chính sách đặc thù về củng cố, nâng cao năng lực trạm y tế phường, xã, thị trấn trên địa bàn TP. Đây là tín hiệu tích cực cho thấy y tế cơ sở sẽ khởi sắc trở lại trong thời gian sắp tới khi thu hút và giữ chân được nhân viên y tế.

Có 3 chính sách đặc thù về củng cố, nâng cao năng lực trạm y tế phường, xã, thị trấn trong giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.

1. Chính sách tăng cường nguồn nhân lực cho trạm y tế đối với bác sĩ đang trong thời gian tham gia chương trình thí điểm thực hành tại bệnh viện đa khoa gắn với trạm y tế; điều dưỡng, hộ sinh đang trong thời gian tham gia thực hành tại trạm y tế.

2. Chính sách thu hút người lao động cao tuổi theo quy định của Bộ luật lao động năm 2019 có chuyên môn y tế trình độ từ cao đẳng trở lên hoặc trung cấp y sĩ tham gia công tác tại trạm y tế.

3. Chính sách hỗ trợ kinh phí hợp đồng nhân viên vệ sinh, bảo vệ làm việc tại trạm y tế nhưng không thuộc đối tượng chi trả lương từ nguồn quỹ tiền lương của đơn vị.

Tin sáng 8-4: Việt Nam vượt 10 triệu ca COVID-19; TP.HCM có chính sách 'giữ chân' y bác sĩ Ảnh 2
Nhân viên y tế phường 7, quận Phú Nhuận, TP.HCM thăm khám và phát thuốc cho các trường hợp F0 cách ly tại nhà - Ảnh: DUYÊN PHAN

Nhân viên y tế TP vừa trải qua những tháng ngày khốc liệt chưa từng có khi TP bất ngờ trở thành tâm điểm của đại dịch COVID-19.

Lúc đó, người dân chưa được tiêm vắc xin, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, đại dịch COVID-19 đã để lại những hệ quả nặng nề không chỉ ở người dân mà còn tác động lên toàn hệ thống y tế TP.

Trong bối cảnh đó, Sở Y tế TP.HCM đánh giá nhân viên y tế của toàn hệ thống y tế TP với tinh thần trách nhiệm cao nhất, đã nỗ lực vượt khó, dấn thân vào cuộc chiến chống dịch, từng bước vượt qua những giai đoạn khó khăn nhất và kiểm soát được dịch bệnh như ngày hôm nay.

"Chưa bao giờ hình ảnh nhân viên y tế tại các cơ sở y tế, nhất là trạm y tế phường, xã, trạm y tế lưu động đã để lại những dấu ấn rõ nét trong công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân trên địa bàn, từ công tác xét nghiệm, cấp phát thuốc tại nhà cho đến tư vấn, sơ cấp cứu.

Thực tiễn chống dịch vừa qua càng cho thấy việc thu hút nhân viên y tế đến công tác tại trạm y tế, giữ chân nhân viên y tế an tâm công tác tại y tế cơ sở đã trở thành những yêu cầu bức thiết" - Sở Y tế cho biết.

Tin sáng 8-4: Việt Nam vượt 10 triệu ca COVID-19; TP.HCM có chính sách 'giữ chân' y bác sĩ Ảnh 3
Tiêm vắc xin mũi 2 Pfizer cho học sinh khối lớp 10 Trường THPT Trưng Vương, quận 1, TP.HCM sáng 23-11 - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Toàn bộ Đồng bằng sông Cửu Long là "vùng xanh"

Theo báo cáo đánh giá cấp độ dịch toàn quốc của Bộ Y tế, trong 10.604 xã phường toàn quốc, hiện có đến 52,5% là vùng xanh, nguy cơ thấp; 23,6% là vùng vàng, 21,9% là vùng cam; số xã phường vùng đỏ chỉ còn 2%.

Đáng chú ý, Đồng bằng sông Cửu Long là vùng an toàn nhất với COVID-19 hiện nay, gần như toàn vùng hiện nay là vùng xanh đến quy mô xã phường, toàn bộ 13 tỉnh thành trong vùng chỉ có 5 xã phường vùng đỏ, còn lại đại đa số là xã, phường xanh.

Thời điểm cuối năm 2021 Đồng bằng sông Cửu Long là vùng dịch nóng nhất, song từ đầu năm 2022 đến nay, trong khi số mắc liên tục tăng cao ở tất cả các tỉnh thảnh, trên 30 tỉnh thành ghi nhận 1.000 ca mới/ngày trở lên, nhưng 13 tỉnh thành Đồng bằng sông Cửu Long giữ được số mắc mới hằng ngày rất thấp (2 con số).

Tin sáng 8-4: Việt Nam vượt 10 triệu ca COVID-19; TP.HCM có chính sách 'giữ chân' y bác sĩ Ảnh 4
Hà Nội xét nghiệm sàng lọc ngoài cộng đồng cho người dân - Ảnh: NAM TRẦN

Tình hình dịch bệnh ở một số tỉnh thành

- Hà Nội chiều 7-4 thông báo ghi nhận thêm 3.635 ca COVID-19 mới, giảm gần 400 ca so với ngày 6-4. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Long Biên (327); Hoàng Mai (242); Nam Từ Liêm (204); Hà Đông (184). Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 là 1.515.520 ca.

Hiện toàn thành phố chỉ còn gần 159.000 ca COVID-19 đang điều trị, theo dõi. Trong số này chỉ còn 773 ca điều trị tại các bệnh viện, số còn lại theo dõi, cách ly tại nhà. Ngày 6-4 Hà Nội không ghi nhận ca tử vong, hơn 90% dân số từ 18 tuổi trở lên ở Hà Nội đã tiêm mũi 3 nhắc lại.

- Đà Nẵng có gần 70% phụ huynh đồng ý cho trẻ từ 5-12 tuổi tiêm vắc xin COVID-19. Đà Nẵng có thể triển khai chiến dịch tiêm vắc xin COVID-19 cho tối đa 70.000 trẻ từ 5-12 tuổi. Ngày 7-4, Đà Nẵng ghi nhận 472 ca COVID-19 mới. Trong khoảng 1 tuần, số ca mắc mới duy trì dưới 500 ca/ngày.

Hiện 21 cơ sở y tế trên địa bàn thành phố đang điều trị tập trung cho 335 ca COVID-19, trong đó có 27 ca nặng. Số ca tử vong thời gian qua có xu hướng giảm; cộng dồn từ đầu năm 2022 đến nay, thành phố đã có 238 ca tử vong. Hiện toàn thành phố có 4.581 ca COVID-19 đang được điều trị tại nhà/nơi lưu trú; tỉ lệ tiêm vắc xin COVID-19 mũi 3 (người trên 18 tuổi) đạt trên 76%.

- Bình Thuận xây dựng kế hoạch tiêm vắc xin cho 126.000 trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. Dự kiến, 126.860 trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi sinh sống hoặc học tập trên địa bàn tỉnh Bình Thuận sẽ được tiêm. Việc tiêm chủng được thực hiện tiêm theo thứ tự độ tuổi giảm dần, ưu tiên tiêm trước cho trẻ từ 10 đến 11 tuổi và hạ dần độ tuổi theo tiến độ cung ứng vắc xin và tình hình dịch bệnh tại địa phương.

Tính đến ngày 7-4, toàn tỉnh có hơn 902.000 người dân từ 18 tuổi trở lên được tiêm đủ 2 mũi vắc xin cơ bản (đạt 100%), trong số đó 55,7% được tiêm mũi 3. Bình Thuận đã hoàn thành việc tiêm chủng 2 mũi vắc xin cho trẻ có năm sinh từ năm 2004 đến năm 2009.

Xem thêm: Đưa bạn của con về nhà, người đàn ông bị bố bạn đánh 'không trượt phát nào' vì nghi là bắt cóc

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Tuổi trẻ online

Được quan tâm

Tin mới nhất
VietNam Future Fashion Show - MoonLight: Một Đêm Thời Trang Thăng Hoa