Sắc màu Cuộc Sống

Tin sáng 8-3: Tiếp tục 'lập đỉnh' ca COVID-19 mới, các địa phương dịch nóng ứng phó thế nào?

Theo Tuổi trẻ online
Chia sẻ

Số ca COVID-19 đã "lập đỉnh" mới ngày 7-3: cả nước có 147.358 ca mới, tăng 5.207 ca so với ngày trước. Hà Nội vẫn có số ca nhiều nhất với 32.317 ca. Ngoài ra có 27 tỉnh, thành có ca nhiễm từ trên 2.000 - trên 10.000 ca.

Về số ca tử vong vì COVID-19 trong ngày đã giảm so với những ngày trước (ngày 7-3 có 78 ca, ngày 6-3 là 87 ca, ngày 4-3 có 97 ca). Tuy vậy, số ca tử vong ghi nhận trung bình trong 7 ngày qua vẫn còn cao, với 91 ca. Từ đầu đợt dịch đến nay, cả nước đã có 40.891 ca tử vong, chiếm tỉ lệ 0,9% so với tổng số ca nhiễm.

Tại Quảng Ninh, tỉnh liên tục nằm trong nhóm 10 tỉnh thành có số mắc cao gần đây, ngày 7-3 thường trực tỉnh ủy Quảng Ninh đã họp với sự chủ trì của Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Ký. Qua giải trình tự gene xác định chủng Omicron đã xuất hiện tại Quảng Niinh, tốc độ lây lan nhanh, toàn tỉnh có 90.000 F0 đang cách ly, điều trị tại nhà, chiếm 96,72%. Số F0 không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ chiếm 99,53% tổng F0 đang điều trị.

Số ca tử vong trong tuần bằng 0,027% số mắc mới. Tính đến 6-3, trên địa bàn tỉnh giảm 60 xã cấp độ 3 và 18 xã cấp độ 4 so với tuần trước.

Quảng Ninh xác định mục tiêu lớn nhất hiện nay là giảm số ca mắc mới, nhất là ở người cao tuổi, có bệnh nền, trẻ em dưới 12 tuổi; giảm số nhập viện, giảm ca chuyển nặng và giảm ca tử vong, tiếp tục phát triển trong trạng thái bình thường mới, thực hiện "mục tiêu kép": vừa phòng, chống dịch chăm lo bảo vệ sức khỏe nhân dân; vừa bảo đảm an sinh xã hội, vừa ổn định kinh tế - xã hội, giữ đà tăng trưởng.

Tại Phú Thọ, địa phương cũng có số mắc cao và vừa đăng ký bổ sung trên 33.000 ca bệnh, hiện đánh giá cấp độ dịch theo quy mô xã, phường, thị trấn: không có xã/phường ở cấp độ 4 (vùng đỏ); 196 xã/phường/thị trấn ở cấp độ 3 (vùng cam); 13 xã/phường ở cấp độ 2 (vùng vàng) và 16 xã/phường còn lại ở cấp độ 1(vùng xanh);

Tại Hòa Bình, tỉ lệ bao phủ được tiêm ít nhất 1 mũi đạt: 99,99, mũi 2 là 95,47%; tỉ lệ tiêm 3 mũi đạt 60,09%

Ở nhóm từ 12-17 tuổi, tỉ lệ tiêm ít nhất 1 mũi đạt 99%, tỉ lệ tiêm đủ 2 mũi đạt 92,90%

Theo thống kê từ Cổng thông tin tiêm chủng COVID-19 đến chiều ngày 7-3, cả nước đã tiêm hơn gần 198 triệu liều vắc xin COVID-19, trong đó ngày 6-3 cả nước tiêm 338.819 liều.

Đến nay 62/63 tỉnh, thành có tỉ lệ bao phủ mũi 2 vắc xin trên 90% cho người trên 18 tuổi; chỉ còn duy nhất 1/63 tỉnh, thành có tỉ lệ bao phủ mũi 2 dưới 90%.

Về độ phủ vắc xin cho trẻ từ 12-17 tuổi, đến nay đã có 57/63 tỉnh, thành có tỉ lệ bao phủ mũi 2 vắc xin COVID-19 trên 90%; chỉ còn 6/63 tỉnh, thành có tỉ lệ bao phủ mũi 2 dưới 90%.

Tin sáng 8-3: Tiếp tục 'lập đỉnh' ca COVID-19 mới, các địa phương dịch nóng ứng phó thế nào? Ảnh 1

Có thể sản xuất được 280 triệu viên thuốc Molnupiravir mỗi tháng

Tính tới nay, Cục Quản lý Dược đã cấp phép nhập khẩu 37.610.540 viên Molnupiravir để phục vụ cho nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng (khoảng 940.000 liệu trình điều trị).

Về khả năng cung ứng thuốc này năng lực sản xuất của 3 đơn vị trong nước đã được cấp phép tổng công suất sản xuất thuốc Molnupiravir có thể đạt 280 triệu viên/tháng tương ứng với 11 triệu liệu trình/tháng.

Như vậy, sản xuất trong nước hoàn toàn có thể đáp ứng nhu cầu điều trị và giá thành hiện tại cho 1 liệu trình điều trị khoảng 300.000 đồng.

Tại buổi họp báo chiều 7-3, chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Thị Huỳnh Mai khuyến cáo, thời hạn sử dụng của thuốc điều trị COVID-19 tương đối ngắn nên việc tích trữ này không có lợi.

Đồng thời đây là loại thuốc điều trị theo kê toa, theo đó, chỉ cấp, phát và có thể mua thuốc khi người bệnh đủ điều kiện. Ngoài ra, sau khi các công ty dược được cấp phép và sản xuất đồng loạt thì giá thành sản phẩm còn giảm đi đáng kể.

Tin sáng 8-3: Tiếp tục 'lập đỉnh' ca COVID-19 mới, các địa phương dịch nóng ứng phó thế nào? Ảnh 2

Đề nghị tăng cường kiểm tra việc mua bán thuốc kháng virus trị COVID-19

Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế gửi văn bản tới Sở Y tế các tỉnh, thành, tiếp tục yêu cầu các địa phương tăng cường kiểm tra nhằm phát hiện, ngăn chặn các hoạt động mua, bán thuốc điều trị COVID-19 tại các địa điểm kinh doanh không được cấp phép hoặc trên mạng xã hội.

Theo văn bản, thuốc kháng virus điều trị COVID-19 nói chung và thuốc Molnupiravir nói riêng là các thuốc khi sử dụng phải tuân thủ theo đúng hướng dẫn của cán bộ y tế để đảm bảo an toàn, hiệu quả cho người sử dụng. Gần đây đã có tình trạng mua bán thuốc trên mạng và nhiều cơ sở mua bán thuốc nhưng không theo chỉ định của bác sĩ, nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe người bệnh.

Tin sáng 8-3: Tiếp tục 'lập đỉnh' ca COVID-19 mới, các địa phương dịch nóng ứng phó thế nào? Ảnh 3

Tình hình dịch bệnh ở một số tỉnh thành

- Ngày 7-3 Hà Nội phát hiện 32.317 ca COVID-19 mới, trong đó có 12.443 ca cộng đồng. Trong gần 6.000 ca đang điều trị ở viện, có 971 ca nặng/nguy kịch, giảm nhẹ so với các ngày trước. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Sóc Sơn (1778); Đông Anh (1773); Nam Từ Liêm (1559); Gia Lâm (1499); Mê Linh (1334).

Hiện trong gần 5.900 bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại các bệnh viện ở Hà Nội có 958 ca nhẹ/không triệu chứng. Dù số ca dương tính mỗi ngày tăng lên hàng chục nghìn ca, nhưng số bệnh nhân nhập viện không tăng đáng kể, tương ứng số ca mức độ trung bình trở lên đều giảm nhẹ.

Cụ thể, có hơn 3.800 ca mức độ trung bình (giảm 2,6% so với trung bình 7 ngày trước); 971 ca nặng, nguy kịch (giảm gần 3%), số ca thở HFNC hay thở máy không xâm lấn giảm mạnh 26%. Hà Nội có 15 ca COVID-19 tử vong ngày 6-3, nâng tổng số người tử vong do COVID-19 đến nay lên 1.178 người.

- Thanh Hóa từ sau Tết Nguyên đán, mỗi ngày ghi nhận từ 800-1.200 ca mắc mới. Hiện có hơn 5.000 bệnh nhân mắc COVID-19, trong đó đa phần là các ca bệnh không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, được cách ly, điều trị tại nhà, nơi lưu trú.

Cùng với việc vận hành hiệu quả hoạt động của các trạm y tế để giúp các F0 điều trị tại nhà, tỉnh Thanh Hóa đã yêu cầu các địa phương thành lập Tổ tư vấn, chăm sóc người bệnh COVID-19 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ tại nhà ở 3 cấp (cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã).

Tin sáng 8-3: Tiếp tục 'lập đỉnh' ca COVID-19 mới, các địa phương dịch nóng ứng phó thế nào? Ảnh 4

- Đắk Lắk đến ngày 6-3, quy mô dịch bệnh thuộc cấp độ 3 với 3 huyện ở cấp độ 2 là: Huyện Krông Búk; Ma Đ'rắk; Lắk. Toàn tỉnh chỉ còn 8 xã thuộc cấp độ 1 (vùng xanh); 40 xã cấp độ 2; 136 xã cấp độ 3.

Đến hết ngày 6-3, tổng số ca COVID-19 ghi nhận trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk là 52.241. Trong đó đang điều trị 25.190 người; 26.920 bệnh nhân điều trị khỏi bệnh và 131 người tử vong. Số ca mắc các ngày gần đây liên tục gia tăng.

- Nằm tiếp giáp với Đắk Lắk , số ca mắc COVID-19 tại Lâm Đồng cũng ở mức cao. Đến ngày 7-3, tổng số bệnh nhân COVID-19 đã phát hiện tại Lâm Đồng là 35.904 người. Hiện đã ra viện 17.443 người, 108 bệnh nhân tử vong, 16 bệnh nhân về địa phương khác.

- Bình Dương ghi nhận số ca mắc COVID-19 trên địa bàn tỉnh đang tăng nhanh trong những ngày gần đây, bình quân hơn 3.000 ca/ngày, tăng 242,5% so với tuần trước. Mặc dù số ca mắc mới tăng cao nhưng tình hình điều trị khá ổn định, hầu như không có bệnh nhận chuyển nặng phải nhập viện ở tầng 3.

Đến nay, Bình Dương đã tiêm mũi 1 vắc xin được 2.669.517 liều, mũi 2 là 2.152.548 liều, tiêm mũi 3 mới đạt 1.166.482 liều. Trẻ từ 12 - 17 tuổi đã tiêm 346.220 liều (gồm mũi 1 là hơn 192.000 liều, mũi 2 hơn 154.000 liều).

- Ngày 7-3, tỉnh Quảng Trị ghi nhận thêm 1.588 ca COVID-19, cao nhất từ trước đến nay và là lần đầu tiên vượt 1.500 ca/ngày, trong đó có 794 ca cộng đồng. Những ngày qua tỉnh ghi nhận bình quân khoảng 1.000 ca mắc COVID-19 mỗi ngày. Đáng chú ý, số ca mắc COVID-19 ở các địa phương vùng nông thôn tăng nhanh thay vì chủ yếu ở các đô thị tập trung đông dân cư như trước đây.

Đến nay Quảng Trị ghi nhận 22.275 ca COVID-19; trong đó 28 ca tử vong, hơn 10.000 ca đang được điều trị tại nhà và cơ sở y tế. Tỷ lệ người từ 18 tuổi trở lên tiêm mũi 1 vắc xin COVID-19 đạt trên 99%, mũi 2 là hơn 92%, mũi tăng cường là gần 50%. Nhóm tuổi từ 12-17 đã tiêm mũi 1 vắc xin COVID-19 đạt trên 99%, với mũi 2 là hơn 91%.

- Cà Mau, ngày 7-3 phát hiện thêm 2.534 ca COVID-19, con số ghi nhận cao nhất trong ngày từ trước tới nay. Địa phương dẫn đầu số ca mắc COVID-19 trong ngày là thành phố Cà Mau với 762 ca; tiếp đến là các huyện Đầm Dơi, Cái Nước, Trần Văn Thời đều trên 300 ca; các huyện còn lại ghi nhận dưới mức 200 ca. Tính đến nay, Cà Mau đã ghi nhận tổng cộng 74.194 ca; trong đó có 61.001 ca đã điều trị khỏi bệnh, có 303 ca tử vong.

Đi cùng với biện pháp kiểm soát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, khống chế số ca bệnh chuyển nặng và tử vong thì mục tiêu quan trọng hàng đầu vẫn là đẩy nhanh tiến độ tiêm phủ vắc xin COVID-19 mũi 3 cho người dân trong độ tuổi tiêm theo quy định. Toàn tỉnh có trên 920.900 người từ 12 tuổi trở lên đã tiêm đủ 2 mũi, đạt 99, 41% và có gần 587.980 người từ 18 tuổi trở lên đã tiêm mũi 3, đạt 72,19%.

Xem thêm: 'Lạnh người' clip bé trai ngồi chơi trong nhà bị một người đàn ông lạ mặt xông vào giở trò cướp giật

Chia sẻ

Theo

Tuổi trẻ online

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất