Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sắc màu cuộc sống

Tin sáng 6-4: Gần 20% số mắc COVID-19 mới là trẻ em, nhóm 5-11 tuổi dễ cảm nhiễm nhất

Trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ triển khai tiêm chủng vắc xin COVID-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi. Qua thăm dò, hầu hết phụ huynh sẵn sàng cho trẻ tiêm vắc xin, tuy nhiên một số phụ huynh còn phân vân hoặc chưa đồng ý.

Tin sáng 6-4: Gần 20% số mắc COVID-19 mới là trẻ em, nhóm 5-11 tuổi dễ cảm nhiễm nhất Ảnh 1
Đồ họa: NGỌC THÀNH

Theo Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), trong các đợt dịch vừa qua, số trẻ mắc bệnh COVID-19 chiếm gần 20% tổng số ca mắc chung, tỉ lệ chuyển nặng và nguy kịch chiếm gần 4,5%.
 

Thời gian gần đây với sự xuất hiện của chủng Omicron, tỉ lệ bệnh nặng và tử vong ở trẻ mắc COVID-19 có giảm nhưng vẫn có một số trường hợp bệnh nặng cần hỗ trợ hô hấp hoặc ECMO, đặc biệt trên các cháu có bệnh nền.

Trẻ em mắc COVID-19 ngoài nguy cơ mắc bệnh nặng và tử vong, khả năng lây bệnh cho những người khác trong gia đình là rất cao, đặc biệt là những người lớn tuổi có bệnh nền nặng. Nguy cơ này có thể sẽ cao hơn đối với các biến chủng mới xuất hiện như BA2, Deltacron, XE…

Hiện tại, trẻ em từ 5-11 tuổi là đối tượng dễ cảm nhiễm nhất vì chưa được tiêm vắc xin. Các bác sĩ đánh giá tiêm chủng giúp trẻ có miễn dịch tốt hơn là miễn dịch tự nhiên (mắc COVID-19), giúp cha mẹ an tâm cho trẻ đi học và hòa nhập cộng đồng.

Với trẻ đã mắc COVID-19, theo hướng dẫn mới của Bộ Y tế là sẽ tiêm chủng sau ít nhất 3 tháng kể từ khi khỏi COVID-19. Việc tiêm ngừa sẽ giúp tăng cường miễn dịch, giảm nguy cơ tái nhiễm, giảm nguy cơ bệnh chuyển nặng hoặc tử vong.

Trẻ không cần test COVID-19 trước khi tiêm. Trong quá trình khám sàng lọc, nếu phát hiện cháu nào có dấu hiệu nghi ngờ như sốt kèm ho, sổ mũi… sẽ được hoãn tiêm cho đến khi các bệnh cấp tính (bao gồm COVID-19) ổn định. Vì vậy, nếu trẻ đang sốt (nhiệt độ đo ở nách từ 37,5 độ C trở lên) thì phụ huynh không nên đưa trẻ đến điểm tiêm.

Tin sáng 6-4: Gần 20% số mắc COVID-19 mới là trẻ em, nhóm 5-11 tuổi dễ cảm nhiễm nhất Ảnh 2
TP.HCM tổ chức tiêm vắc xin tại nhà - Ảnh: DUYÊN PHAN

Bố trí thời gian làm việc và nghỉ ngơi phù hợp cho nhân viên y tế

Đây là hình thức để dự phòng nguy cơ mệt mỏi với cán bộ y tế, vừa được yêu cầu trong hướng dẫn mới ban hành về an toàn, vệ sinh lao động trong phòng chống COVID-19. Cụ thể;

- Về thời gian ca làm việc: Mỗi tuần nên bố trí 5 ca 8 tiếng hoặc 4 ca 10 tiếng, nếu y bác sĩ làm ca 12 giờ/ngày thì phải sắp xếp nhiều ngày nghỉ xen kẽ hơn.

- Sắp xếp thời gian làm việc ngắn hơn vào ban đêm. Nên tổ chức đổi ca luân phiên theo chiều thuận (sáng đến chiều đến đêm) và có cân nhắc đến nguyện vọng của nhân viên y tế, điều kiện địa phương và cơ sở y tế.

- Thường xuyên bố trí nghỉ giải lao ngắn giữa giờ (sau 1 - 2 giờ làm việc), cho phép thời gian nghỉ ăn trưa/tối dài hơn.

- Thời gian nghỉ ngơi và phục hồi sức khỏe: Xây dựng chính sách về thời giờ làm việc và nghỉ ngơi phù hợp.

Khi làm việc tối thiểu 10 giờ liên tục/ngày, phải bố trí cho y bác sĩ 7 - 8 giờ để nghỉ và sau 14 ngày làm việc liên tục cần được nghỉ 48 giờ; làm 5 ca liên tục 8 giờ hoặc 4 ca 10 giờ phải bố trí 1 - 2 ngày nghỉ; làm 3 ca liên tục kéo dài 12 giờ phải có hai ngày nghỉ.

Tin sáng 6-4: Gần 20% số mắc COVID-19 mới là trẻ em, nhóm 5-11 tuổi dễ cảm nhiễm nhất Ảnh 3
Lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân nằm trong vùng đỏ ở phường 3, quận Bình Thạnh, TP.HCM - Ảnh: DUYÊN PHAN

Thực phẩm lưu hành tại Việt Nam sẽ phải ghi nhãn theo khuyến nghị của WHO

Theo dự thảo thông tư hướng dẫn về ghi nhãn thực phẩm đang được Bộ Y tế gửi lấy ý kiến, đề xuất chậm nhất 1-1-2024 toàn bộ thực phẩm nhập khẩu, sản xuất tại Việt Nam phải ghi nhãn dinh dưỡng, với thông tin trên nhãn gồm: năng lượng (energy); chất đạm (protein); carbohydrate (chất bột đường); total sugars (đường tổng số/tổng đường); chất béo (fat); chất béo bão hòa (saturated fat); natri (sodium).

Dự thảo này cũng đề nghị thực phẩm sản xuất thủ công cũng phải ghi nhãn dinh dưỡng với các thông tin như kể trên, chậm nhất thực hiện từ 1-1-2025.

Bộ Y tế cho biết việc ghi nhãn dinh dưỡng thực hiện theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), giúp người sử dụng thực hiện dinh dưỡng hợp lý, kiểm soát tiêu thụ muối, đường, chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa và nâng cao sức khỏe.

Tin sáng 6-4: Gần 20% số mắc COVID-19 mới là trẻ em, nhóm 5-11 tuổi dễ cảm nhiễm nhất Ảnh 4
Tiêm vắc xin mũi 2 Pfizer cho học sinh khối lớp 10 Trường THPT Trưng Vương, quận 1, TP.HCM sáng 23-11 - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Tình hình dịch bệnh ở một số tỉnh thành 

- Hà Nội ngày 5-4 thông báo ghi nhận 5.199 ca bệnh, giảm gần 800 ca so với ngày 4-4. Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 là 1.507.848 ca. Hiện Hà Nội chỉ còn hơn 174.300 ca COVID-19 đang điều trị, theo dõi, trong đó có 906 ca tại bệnh viện; 6 ca tại cơ sở thu dung quận/huyện/thị xã, số còn lại theo dõi cách ly tại nhà.
 

- Đà Nẵng hướng dẫn người dân, du khách mắc COVID-19 khai báo, đăng ký, nhận các kết quả trực tuyến trong khi cách ly, điều trị tại nhà hay tại cơ sở du lịch. Người dân, du khách mắc COVID-19 khai báo thông tin, đăng ký nhận các giấy tờ liên quan trực tuyến trên ứng dụng di động DANANG Smart City.

Bình Dương đã có 1.570.693 người dân từ 18 tuổi trở lên đã tiêm mũi 3 vắc xin COVID-19. Tỉnh đánh giá có 61 xã, phường, thị trấn cấp độ 1 (tăng 17 xã, phường, thị trấn); 14 xã, phường, thị trấn cấp độ 2 (giảm 2 xã, phường, thị trấn); cấp độ 3 có 16 xã, phường, thị trấn (giảm 15 xã, phường, thị trấn). 

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Tuổi Trẻ

Nguồn bài viết
Được quan tâm

Tin mới nhất