Ngoài số ca COVID-19 tại TP.HCM tăng sau Tết, còn nhiều tỉnh, thành trên cả nước ghi nhận ca nhiễm trong ngày 20-2 trên 1.000 ca như: Hà Nội (5.102), Bắc Ninh (2.360), Phú Thọ (1.981), Quảng Ninh (1.980), Thái Nguyên (1.838), Hòa Bình (1.797), Nam Định (1.754), Hải Phòng (1.698), Vĩnh Phúc (1.692),
Ninh Bình (1.556), Bắc Giang (1.500), Nghệ An (1.467), Lào Cai (1.360), Hải Dương (1.316), Hà Tĩnh (1.294), Yên Bái (1.275),Thanh Hóa (1.220), Bình Định (1.019), Thái Bình (1.015), Sơn La (1.007).
Còn 4 tỉnh có tỉ lệ bao phủ vắc xin dưới 90%
Theo thống kê tại Cổng thông tin tiêm chủng COVID-19 đến chiều ngày 20-2, cả nước đã tiêm gần 191,4 triệu liều vắc xin COVID-19. Trong đó ngày 19-2, cả nước tiêm 449.074 liều, thấp hơn khoảng 280.000 liều so với ngày 18-2.
Số vắc xin COVID-19 đã tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên tính đến ngày 19-2 là là hơn 177 triệu liều, trong đó mũi 1 là hơn 70,7 triệu liều, mũi 2 là hơn 67,1 triệu liều, mũi bổ sung hơn 13,2 triệu liều và mũi 3 là hơn 24,4 triệu liều.
Đến nay có 59/63 tỉnh,thành có tỉ lệ bao phủ mũi 2 vắc xin COVID-19 trên 90%; chỉ còn 4/63 tỉnh,thành có tỉ lệ bao phủ mũi 2 dưới 90%.
Bác sĩ cảnh báo thuốc xách tay trị COVID-19 có thể nguy hiểm cho người dùng
Trên trang cá nhân, bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu - giám đốc Bệnh viện ĐH Y Hà Nội - vừa cho biết ông nhận được nhiều tin nhắn hỏi có thể dùng loại thuốc xách tay của Nga trị COVID-19. "Câu trả lời của tôi luôn là không vì đây là thuốc xách tay, không rõ nguồn gốc" - bác sĩ Hiếu cho biết.
Dược sĩ Hà Quang Tuyến - trưởng khoa Dược của Bệnh viện ĐH Y Hà Nội - cũng nhìn nhận tình trạng người dân tự mua thuốc điều trị COVID-19 hoặc mua qua "bác sĩ google" rất đáng ngại.
Trong số các thuốc xách tay từ Trung Quốc, Nga về mà người mua phải có loại Arbidol, thành phần là Umifenovir và thuốc Areplivir, thành phần là Favipiravir với lời quảng cáo có cánh về khả năng điều trị COVID-19.
Dược sĩ Tuyến cho rằng Arbidol là thuốc kháng virus phổ rộng, được cấp phép sử dụng để phòng và điều trị cúm mùa tại Trung Quốc và Nga năm 2006.
Thử nghiệm Arbidol (Umifenovir) trên bệnh nhân COVID-19 tại Trung Quốc ở giai đoạn đầu của dịch cho hiệu quả không đồng nhất giữa các nghiên cứu, nhưng nghiên cứu tổng quan cho thấy không có khác biệt về hiệu quả giữa người bệnh COVID-19 dùng và không dùng thuốc này.
Thậm chí người sử dụng Arbidol nguy cơ hay gặp tác dụng phụ như rối loạn tiêu hoá, tiêu chảy, nôn hơn.
"Hiện nay Arbidol và Areplivir đều chưa được cấp phép sử dụng tại Việt Nam, các sản phẩm đang được bán trên mạng xã hội, các diễn đàn đều là hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ, tiêu chuẩn chất lượng, trong khi thuốc là mặt hàng liên quan sức khoẻ con người, đòi hỏi quy trình kiểm tra chất lượng và cấp phép chặt chẽ.
Chúng ta từng lên án thuốc ung thư giả gay gắt thì tại sao lại sử dụng hàng xách tay không rõ nguồn gốc, chất lượng, không có người chịu trách nhiệm pháp lý khi có vấn đề xảy ra?" - Dược sĩ Tuyến nêu lại câu hỏi.
Việc sử dụng thuốc này có thể dẫn đến lạm dụng, không mang lại lợi ích gì hơn so với không dùng thuốc, trong khi tiềm tàng nhiều tác dụng bất lợi với sức khoẻ.
Tình hình dịch bệnh ở một số tỉnh thành
- Hà Nội tối 20-2 thông báo trong 24 giờ phát hiện 5.102 ca COVID-19 mới , trong đó có 1.518 ca cộng đồng. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Hoài Đức (330), Nam Từ Liêm (315), Sóc Sơn (306), Bắc Từ Liêm (292), Long Biên (221), Chương Mỹ (217), Hai Bà Trưng (190), Thạch Thất (188), Hà Đông (175), Thanh Trì (174), Đống Đa (174).
Đến nay, Hà Nội ghi nhận 201.518 ca COVID-19 với 908 ca tử vong. Chỉ trong chưa đầy 1 tuần, số ca mắc mỗi ngày ở Hà Nội liên tục tăng, từ 3.500 lên hơn 5.100 ca/ngày, luôn là địa phương cao nhất cả nước.
Tới hết ngày 19-2, toàn TP có 181.222 F0 đang điều trị, cao nhất từ trước tới nay. Trong đó có 175.210 người theo dõi tại nhà; hơn 1.200 ca điều trị tại các cơ sở thu dung của TP và quận/huyện. Như vậy, số ca COVID-19 nhẹ, không triệu chứng ở Hà Nội chiếm 97,3% tổng số ca đang điều trị, theo dõi.
Trong 2,7% còn lại (tương đương 4.752 ca), có 353 ca điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương và Bệnh viện Đại học Y Hà Nội; và 4.399 F0 điều trị tại các bệnh viện của Thủ đô (gồm tầng 2 và 3). Ngày 19-2, TP ghi nhận 15 ca tử vong.
- Ngày 20-2, Bắc Ninh có văn bản tăng cường các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 để ổn định cuộc sống của người dân nhằm tập trung phát triển kinh tế - xã hội, yêu cầu không được chủ quan lơ là, tự giác khai báo y tế, tuân thủ 5K; khuyến khích người dân tự làm xét nghiệm khi thấy có dấu hiệu nghi ngờ mắc COVID-19.
Tăng cường kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại các nhà hàng, khách sạn, cơ sở lưu trú, chợ, siêu thị...; rà soát, lập danh sách, thống kê, hoàn thiện kế hoạch bảo vệ đối tượng thuộc nhóm nguy cơ, hộ gia đình có người thuộc nhóm nguy cơ cao, tình trạng bệnh nền đang điều trị, tình trạng sức khỏe và nhu cầu hỗ trợ, để được theo dõi.
Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu trên địa bàn còn đối tượng nguy cơ chưa được quản lý và chưa được tiêm vắc xin COVID-19.
- Cà Mau vừa có công văn chỉ đạo về công tác điều trị cho trẻ em mắc COVID-19; yêu cầu hướng dẫn về chuyên môn và phác đồ điều trị COVID-19 đối với người dưới 18 tuổi, nhất là trẻ em dưới 12 tuổi; công tác chăm sóc, điều trị bệnh nhân nhi mắc COVID-19 và các biện pháp phù hợp để hạn chế tối đa khả năng xảy ra việc khoa nhi trong bệnh viện bị lây nhiễm COVID-19 hoặc quá tải.
Đến nay, Cà Mau có tổng số 58.164 ca COVID-19, trong đó có 56.627 người đã được điều trị khỏi. Toàn tỉnh hiện còn tổng số 1.330 bệnh nhân COVID-19 đang điều trị; trong đó, có 235 người điều trị tại cơ sở y tế và 1.095 F0 điều trị tại nhà.