Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sắc màu cuộc sống

Tin sáng 16-3: Tỉ lệ tử vong COVID-19 ở Việt Nam từng lên tới trên 10% số ca mắc, hiện 0,07%

Một thống kê tỉ lệ tử vong/tổng ca mới theo tuần ở Việt Nam cho hay, giai đoạn tuần 34 và 35-2021, tỉ lệ này lên tới 5,98 - 10,08%, đây là lúc ghi nhận số ca tử vong cao nhất, càng về cuối 2021 càng giảm dần, thấp nhất là tuần thứ 46 với 0,96.

Tỉ lệ tử vong chung của năm 2021 là 1,94%/tổng số ca mắc. Sang năm 2022, tính trong 10 tuần đầu năm ghi nhận gần 2,45 triệu ca mắc, tỉ lệ tử vong chung là 0,36% và tuần gần nhất đang ở mức 0,07%/số ca mắc theo tuần.

Báo cáo này cũng cho hay về số lượng, tổng số ca tử vong đến nay là 41.545 ca, trong đó 10 tuần đầu năm 2022 tuy số mắc tăng cao, tỉ lệ tử vong theo tuần giảm xuống rất thấp nhưng vẫn ghi nhận tới gần 8.700 ca tử vong.

Đây là một trong những lý do khiến COVID-19 dù đã xuất hiện hơn 2 năm, số mắc rất lớn nhưng chưa thể coi là bệnh lưu hành do căn nguyên gây bệnh chưa ổn định, số tử vong còn cao hơn rất nhiều so với các bệnh truyền nhiễm gây dịch đang lưu hành...

Tin sáng 16-3: Tỉ lệ tử vong COVID-19 ở Việt Nam từng lên tới trên 10% số ca mắc, hiện 0,07% Ảnh 1
Đồ họa: NGỌC THÀNH

TP.HCM: Xử lý nghiêm những trường hợp tăng giá bán test nhanh

UBND TP.HCM vừa có văn bản gửi các sở ngành, quận huyện yêu cầu đảm bảo cung cấp trang thiết bị y tế, test nhanh phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Sở Y tế  có nhiệm vụ giao cho các bệnh viện, trạm y tế, nhà thuốc, đại lý bán lẻ thực hiện niêm yết giá xét nghiệm; đảm bảo chất lượng sản phẩm. Ngoài ra, Sở Y tế phối hợp với Sở Thông tin và truyền thông đăng tải giá trúng thầu bộ xét nghiệm COVID-19 tại địa phương.

Danh sách các trang thiết bị y tế đã bị thu hồi số lưu hành, giấy phép nhập khẩu được công khai trên Cổng thông tin điện tử TP và các cơ quan truyền thông.

UBND TP.HCM giao cho Thanh tra Sở Y tế, Sở Công thương, Sở Tài chính, Công an TP, Cục Quản lý thị trường và các quận huyện tăng cường thanh tra, kiểm tra chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả theo quy định của Bộ Y tế.

Những cơ quan này đồng thời kiểm tra việc niêm yết giá bán và bán đúng giá niêm yết; ngăn chặn các hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm trang thiết bị y tế, nhất là test nhanh để đầu cơ, găm hàng hoặc lợi dụng dịch bệnh để tăng giá bán, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

UBND TP cũng giao Sở Công thương xem xét tháo gỡ khó khăn trong việc nhập khẩu nguyên vật liệu sản xuất kit xét nghiệm nhanh COVID-19. 

Các đơn vị sản xuất, nhập khẩu trang thiết bị y tế chủ động tăng cường hoạt động sản xuất, kinh doanh đáp ứng nhu cầu sử dụng trang thiết bị y tế phòng, chống dịch COVID-19 và đảm bảo bình ổn giá trang thiết bị.

Tin sáng 16-3: Tỉ lệ tử vong COVID-19 ở Việt Nam từng lên tới trên 10% số ca mắc, hiện 0,07% Ảnh 2
Tiêm vắc xin mũi 2 Pfizer cho học sinh khối lớp 10 Trường THPT Trưng Vương, quận 1, TP.HCM sáng 23-11 - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Đào tạo an toàn tiêm chủng cho nhân viên y tế

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) vừa thông báo chiêu sinh lớp đào tạo liên tục "An toàn tiêm chủng" dành cho nhân viên y tế tham gia hoạt động tiêm chủng hoặc nhân viên y tế có nhu cầu đào tạo liên tục về "An toàn tiêm chủng".

Sau khi học viên hoàn tất chương trình, kiểm tra đánh giá đạt yêu cầu sẽ được HCDC cấp chứng chỉ đào tạo liên tục "An toàn tiêm chủng" theo quy định của Bộ Y tế.

Theo dữ liệu từ Cổng thông tin tiêm chủng quốc gia, đến ngày 15-3 cả nước đã tiêm được gần 201 triệu mũi tiêm cho người từ 12 tuổi trở lên, hiện đang chuẩn bị vắc xin, tập huấn lại để triển khai tiêm chủng cho trẻ 5 đến dưới 12 tuổi, dự kiến từ tháng 4 tới đây.

Tin sáng 16-3: Tỉ lệ tử vong COVID-19 ở Việt Nam từng lên tới trên 10% số ca mắc, hiện 0,07% Ảnh 3
Bệnh viện điều trị COVID-19 tại Hà Nội - Ảnh: NAM TRẦN

Nếu thiếu vắc xin, bộ trưởng Bộ Y tế phải chịu trách nhiệm

Văn phòng Chính phủ đã ban hành công văn số 1601/VPCP-KGVX ngày 15-3 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về "Kế hoạch sử dụng vắc xin COVID-19 năm 2022".

Cụ thể, xét kiến nghị của Bộ Y tế về việc trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định phê duyệt "Kế hoạch sử dụng vắc xin COVID-19 năm 2022", Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế chỉ đạo thần tốc hơn nữa việc tiêm chủng vắc xin COVID-19 mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên và dứt khoát không để chậm trễ việc mua, tổ chức tiêm cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công điện số 64/CĐ-TTg ngày 19-1-2022 và các văn bản có liên quan.

Bộ Y tế theo dõi sát tình hình, khuyến nghị, kinh nghiệm quốc tế việc tiêm mũi 4 như Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tại nhiều phiên họp, sự kiện để sớm chủ động xử lý, báo cáo Thủ tướng Chính phủ các vấn đề vượt thẩm quyền. Nếu thiếu vắc xin để xảy ra hậu quả, bộ trưởng Bộ Y tế phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.

Tin sáng 16-3: Tỉ lệ tử vong COVID-19 ở Việt Nam từng lên tới trên 10% số ca mắc, hiện 0,07% Ảnh 4
Tiếp nhận vắc xin COVID-19 của BioNTech/Pfizer do Chính phủ Đức ủng hộ - Ảnh: UNICEF

Tình hình dịch bệnh ở một số tỉnh thành

- Hà Nội ngày 15-3 ghi nhận 26.708 ca F0, trong đó có 9.095 ca tại cộng đồng; 17.613 ca đã cách ly. Các quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Đông Anh có 1.762 ca; Sóc Sơn có 1.736 ca; Hai Bà Trưng có 1.612 ca; Thạch Thất có 1.510 ca; Cầu Giấy có 1.413 ca. Cộng dồn số mắc COVID-19 tại Hà Nội trong đợt dịch 4 đến nay là 866.099 ca.

Như vậy, số ca mắc COVID-19 mới được ghi nhận tại Hà Nội trong những ngày gần đây đã có dấu hiệu hạ nhiệt, đồng thời số ca tăng nặng phải nhập viện, số tử vong cũng có chiều hướng giảm. Hiện hơn 80% người từ 18 tuổi trở lên ở Hà Nội đã được tiêm vắc xin COVID-19 mũi nhắc lại. Hà Nội phấn đấu hết tháng 3 sẽ hoàn thành mục tiêu này.

Chiều 15-3, Hà Nội có văn bản về việc triển khai thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 và mở cửa lại các hoạt động du lịch trong tình hình mới trên địa bàn thành phố, cho phép các cơ sở kinh doanh dịch vụ, nhà hàng, quán ăn, uống được hoạt động bình thường, không phải đóng cửa trước 21h hằng ngày.

Tin sáng 16-3: Tỉ lệ tử vong COVID-19 ở Việt Nam từng lên tới trên 10% số ca mắc, hiện 0,07% Ảnh 5
Phát thuốc cho F0 tại ở nhà ở quận Đống Đa (Hà Nội) - Ảnh: HÀ QUÂN

- Bắc Ninh từ 6h ngày 14-3 đến 6h ngày 15-3, ghi nhận thêm 5.006 ca COVID-19, giảm 2.464 ca so với ngày trước đó, trong đó 4.322 ca tại cộng đồng và 684 ca đã cách ly. Như vậy, từ ngày 4-10-2021 đến nay, tỉnh Bắc Ninh ghi nhận 242.395 ca COVID-19.

Hiện trên địa bàn tỉnh có 8 xã, phường, thị trấn ở cấp độ 1; không có xã, phường, thị trấn ở cấp độ 2; 109 xã, phường, thị trấn cấp độ 3. Các xã Đại Đồng, Lạc Vệ, Hoàn Sơn, Nội Duệ (huyện Tiên Du); Yên Trung (huyện Yên Phong); Phù Lương (huyện Quế Võ); thị trấn Hồ, xã Gia Đông (huyện Thuận Thành) và thị trấn Gia Bình (huyện Gia Bình) ở cấp độ 4.

Đến ngày 15-3, tỉnh Bắc Ninh có 55.278 ca dương tính đang điều trị theo dõi (giảm 6.272 ca so với ngày trước đó); trong đó có 54.554 người theo dõi, cách ly tại nhà (chiếm hơn 98%); 724 người cách ly tại cơ sở thu dung, điều trị của tỉnh và của các huyện, thành phố. Tổng số bệnh nhân được điều trị khỏi là 186.910 người (tăng 11.276 người so với ngày trước đó).

- Hà Nam, diễn biến dịch trong tỉnh vẫn phức tạp với số ca mắc mới mỗi ngày lên tới hàng nghìn ca. Do số ca mắc COVID-19 tăng vọt, Sở Y tế tỉnh Hà Nam và các Trung tâm Y tế đã cử cán bộ tăng cường cho các trạm y tế hỗ trợ bệnh nhân cách ly, điều trị… Trong ngày 15-3, toàn tỉnh phát hiện 2.391 ca COVID-19, trong đó có 2.273 ca cộng đồng.

Lũy kế từ đầu năm đến nay, Hà Nam có 43.771 ca COVID-19, trong đó 35.355 người đã khỏi bệnh, ra viện. Đến thời điểm hiện tại, cả 53 bệnh nhân tử vong đều là người cao tuổi từ 68 đến 95 tuổi.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Tuổi Trẻ

Nguồn bài viết
Được quan tâm

Tin mới nhất
Giới trẻ nghĩ gì về Yamaha Janus hoàn toàn mới, nâng cấp có xứng đáng?
Lee Hooyeon kể trải nghiệm thú vị khi cùng Wukong hẹn hò tại New World Phu Quoc