Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sắc màu cuộc sống

Vụ gọi điện cho phụ huynh thông báo con gặp tai nạn nhập viện để lừa tiền: Đã xuất hiện ở Gia Lai

Trước vụ việc này, khi nhận được điện thoại, các phụ huynh đã cảnh giác và gọi điện cho giáo viên chủ nhiệm để xác minh thì không có các trường hợp học sinh bị tai nạn.

Ngày 10/3, trao đổi với tờ Công an Nhân dân, thầy giáo Cao Xuân Hà- Hiệu trưởng Trường THPT Phan Bội Châu (TP Pleiku) thông tin: Vừa qua nhà trường nhận được phản ánh của các phụ huynh, giáo viên và học sinh về việc có một số đối tượng giả danh giáo viên nhà trường để gọi điện cho phụ huynh có con đang học tại trường thông báo các em bị tai nạn đang cấp cứu tại bệnh viện và đề nghị chuyển tiền vào tài khoản cá nhân của các đối tượng để đóng viện phí. 

Tuy nhiên, khi nhận được điện thoại, các phụ huynh đã cảnh giác và gọi điện cho giáo viên chủ nhiệm để xác minh thì không có các trường hợp học sinh bị tai nạn.

Sau khi nhận được phản ánh của giáo viên, nhà trường đã báo cáo vụ việc lên Sở GD&ĐT tỉnh, Công an phường và khuyến cáo rộng rãi đến học sinh, phụ huynh nâng cao cảnh giác để không bị các đối tượng lợi dụng thực hiện hành vi lừa đảo.

Vụ gọi điện cho phụ huynh thông báo con gặp tai nạn nhập viện để lừa tiền: Đã xuất hiện ở Gia Lai Ảnh 1
Nhiều phụ huynh của học sinh Trường THPT Phan Bội Châu nhận được điện thoại từ kẻ xấu thông báo tin giả nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo đó, ngày 9/3, cô Đ.T.L., giáo viên tổ Ngữ văn (Trường THPT Phan Bội Châu), phụ huynh của em T.Đ.A.T. (học sinh lớp 11 Trường THPT Phan Bội Châu) nhận được cuộc gọi từ số điện thoại lạ thông báo việc em T. bị ngã cầu thang hiện đang cấp cứu bệnh viện và yêu cầu cô chuyển gấp 20 triệu đồng để đóng viện phí. 

Sau đó, có thêm một đối tượng khác tự xưng tên L., giáo viên dạy Thể dục trường THPT Phan Bội Châu tiếp tục gọi điện nói chuyện với cô L. nhằm hướng dẫn cô chuyển tiền. Do là giáo viên dạy ở trường nên khi cô L. hỏi lại: “Trường có giáo viên tên L. à?” thì đối tượng đã chửi thề rồi cúp máy.

Thông tin từ báo Gia Lai, một vụ việc tương tự cũng xảy ra vào ngày 8/3. Cụ thể, phụ huynh em N.T.T.N. (học sinh lớp 11 Trường THPT Phan Bội Châu) cũng nhận được điện thoại tự xưng là giáo viên của trường thông báo việc em N. bị ngã cầu thang đang cấp cứu bệnh viện Binh đoàn 15. Tuy nhiên, với tinh thần cảnh giác, phụ huynh em N. đã không nói chuyện nhiều với đối tượng và kịp thời báo vụ việc cho giáo viên chủ nhiệm và Ban Giám hiệu nhà trường.

Ngoài 2 vụ việc trên, Ban Giám hiệu trường THPT Phan Bội Châu còn nhận được phản ánh của em N.X.P (học sinh lớp 12) về việc bị đối tượng xấu gọi điện lừa đảo và yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản cá nhân của đối tượng. Tuy nhiên, nhờ được nhà trường tuyên truyền về các hành vi lừa đảo của kẻ xấu nên em P. đã nhận biết hành vi thủ đoạn này nên không chuyển tiền, kịp thời báo cáo giáo viên chủ nhiệm.

Hình thức lừa đảo này đã xuất hiện tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước thời gian qua và cũng đã có không ít người bị sập bẫy lừa đảo của các đối tượng. 

Qua trao đổi với P.V. Báo Gia Lai, Thượng tá, Tiến sĩ Đào Trung Hiếu-chuyên gia tội phạm học (Bộ Công an)-nhận định: Qua theo dõi thông tin do báo chí cung cấp, tôi đánh giá đây là trò lừa đảo mới xuất hiện và khá tinh vi. Điều này thể hiện ở chỗ, các đối tượng đã khai thác tối đa điểm yếu trong tâm lý của phụ huynh khi nghe tin con bị tai nạn ở trường. Trong tình huống này, vì thương con nên đa phần phụ huynh nhanh chóng lâm vào tình trạng lo sợ, lúng túng, bất an, thậm chí hoảng loạn. Đây là thời điểm thiếu sáng suốt, thiếu tỉnh táo nhất mà đối tượng có thể lợi dụng để thao túng tâm lý, dẫn dụ nạn nhân làm theo yêu cầu của mình.

Cũng theo Thượng tá Đào Trung Hiếu: Khi đối tượng đã gọi đúng số máy, đọc đúng tên phụ huynh và tên con, tên lớp, thì nạn nhân thường sẽ không còn nghi ngờ gì nữa, mặc định đó là giáo viên hoặc cán bộ nhà trường nơi con mình đang học. Có trường hợp đồng bọn của kẻ mạo danh sẽ đóng vai nhân viên y tế thông báo tình hình bệnh lý của con, nên tạo được lòng tin của nạn nhân. Đối tượng tạo ra tình huống khẩn cấp, như cần tiền đóng viện phí nhập viện để giải phẫu ngay, không cho phép phụ huynh chần chừ, do dự, tính toán hay kiểm tra lại thông tin. Vì sốt ruột lo lắng cho con, sợ chậm trễ có thể dẫn đến những hậu quả đáng tiếc, nên nhiều người đã dễ dàng chấp nhận làm theo các yêu cầu của đối tượng, chuyển tiền vào tài khoản do đối tượng cung cấp...

“Để phòng ngừa thủ đoạn lừa đảo với chiêu thức nói trên, theo tôi giữa nhà trường và gia đình học sinh cần tăng cường sự liên lạc, trao đổi thông tin thông qua đường dây nóng, để phụ huynh học sinh có thể cập nhật tình hình của con ở trường. Giáo viên và phụ huynh học sinh cần nâng cao ý thức bảo mật thông tin, đề phòng bị hack điện thoại, hoặc vô tình lộ lọt thông tin cá nhân, danh sách lớp học. Phụ huynh học sinh cần cập nhật thường xuyên tình hình an ninh trật tự để biết các thủ đoạn phạm tội mới. Trong tình huống nhận được cuộc gọi báo tin con bị tai nạn, cần hỏi rõ họ tên, chức vụ của người cung cấp thông tin và gọi điện cho nhà trường, hoặc giáo viên chủ nhiệm để kiểm chứng thông tin. Tình huống không liên lạc được thì phải trực tiếp hoặc nhờ người tin cậy đến tận nhà trường kiểm tra. Sau khi xác nhận vụ việc, các bậc phụ huynh phải trình báo ngay với cơ quan Công an gần nhất để cơ quan chức năng có biện pháp giải quyết. Ngoài ra, cần thông báo cho nhà trường, giáo viên chủ nhiệm, hoặc chủ động đưa thông tin lên mạng xã hội về tình huống bị lừa đảo của mình để cảnh báo xã hội, giúp nhiều người cảnh giác với thủ đoạn phạm tội mới của bọn tội phạm...”-Thượng tá Đào Trung Hiếu thông tin thêm.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Tổng hợp

Được quan tâm

Tin mới nhất
Starlight Cinema – Rạp Chiếu Phim Việt Cho Người Việt