Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sắc màu cuộc sống

Tiếp viên VNA ngủ gục ở phòng chờ thương gia tại Nhật: Chọn an toàn hay chọn sự đẹp mắt?

Trước câu chuyện đoàn tiếp viên của hãng Vietnam Airlines ngủ gục tại phòng chờ thương gia ở Nhật gây tranh cãi, một cựu nữ tiếp viên hàng không với nhiều năm kinh nghiệm đã có những dòng tâm sự và chia sẻ khiến nhiều người phải suy ngẫm.

Sau khi bức ảnh tiếp viên hàng không Vietnam Airlines ngủ gục trong phòng chờ thương gia tại Nhật được chia sẻ trên mạng xã hội gây tranh cãi, tài khoản B.H.T, một người phụ nữ có nhiều năm kinh nghiệm làm tiếp viên hàng không đã có những dòng tâm sự và chia sẻ khiến nhiều người phải suy nghĩ. Chúng tôi xin được trích một số nội dung trong bài chia sẻ của cựu tiếp viên hàng không này.

“Chọn an toàn hay chọn sự đẹp mắt?

Sáng nay vừa thức dậy, tự nhiên thấy hơi sốt ruột, mở ngay facebook xem. Đập vào mắt tôi là bức ảnh các em tiếp viên đang ngủ trong phòng chờ sân bay. Chưa cần biết nội dung các bài viết, như một phản ứng của bản năng nghề nghiệp cách đây đã hơn 20 năm - tim tôi đập dồn vì hồi hộp. Chắc lại có chuyến bay nào gặp nguy hiểm, hoặc ít nhất là hạ cánh khẩn cấp thì tiếp viên mới mệt mỏi thế khi ngồi trong phòng chờ chứ.

Chuyến bay đi Busan ngày 3/5, do thời tiết xấu không hạ cánh được, nên phải hạ cánh khẩn cấp xuống sân bay ở Nhật Bản. Những người đã từng làm trong ngành hàng không như tôi, chắc đều hiểu: trong ngành hàng không có khái niệm sân bay dự bị, nghĩa là sân bay ở khoảng cách phù hợp để máy bay có thể hạ cánh khi nơi đến bị những trục trặc đột xuất (thời tiết, đình công, đường băng bị tắc do những việc bất thường…), làm máy bay không thể hạ cánh.

Bức ảnh các tiếp viên ngủ gục tại phòng chờ của khách được đăng tải gây tranh cãi - (Ảnh: Facebook)

Bức ảnh các tiếp viên ngủ gục tại phòng chờ của khách được đăng tải gây tranh cãi - (Ảnh: Facebook)

Và vì lý do đó, những sân bay Nhật (dự bị cho sân bay Busan), sẽ bất ngờ “bị” đón nhận hàng chục, thậm chí hàng trăm chuyến bay có điểm đến là Busan, hạ cánh xuống trong cùng một thời gian - sự quá tải chắc chắn xảy ra. Thường thì các sân bay đều có khách sạn quá cảnh, nhưng có lẽ vì chính lý do đó, nó đầy nghẹt. Phương án duy nhất mà hãng hàng không có thể làm là thuê phòng chờ hạng thương gia hoặc hạng nhất cho tiếp viên nghỉ ngơi hoặc ngủ và ăn, để chờ hễ có “hiệu lệnh” là lại lên máy bay tiếp.

Phòng chờ tại các sân bay, cũng như trên máy bay, trên xe buýt hoặc tàu hỏa chạy đường dài, tuy là nơi công cộng, nhưng theo định nghĩa của cá nhân tôi: là nơi công cộng đặc biệt. Ở những nơi đó, đèn luôn được để hơi mờ, ai cần đọc, học, thì ra ngồi chỗ đèn sáng hơn. Ở những nơi đó, ai cũng biết là phải giữ trật tự tối đa để bảo vệ sự riêng tư bình thường cho người khác, mà cái sự riêng tư đó có thể là: ăn, ngủ, nghỉ, đọc sách, hoặc nói chuyện thầm thì. Nếu trẻ con khóc, các ông bố bà mẹ biết phép lịch sự thì bế bé đến khu riêng.

Tôi đã đi gần 70 quốc gia trên thế giới, cũng đã ngồi phòng chờ hạng nhất, hạng thương gia, hạng bình thường ở hàng trăm sân bay trên thế giới. Khi vào phòng khách hoặc ngồi máy bay hạng thương gia hoặc hạng nhất, điều tối kỵ là nói chuyện ồn ào, ăn uống nhồm nhoàm, tò mò nhìn ngó người lạ, hoặc giơ máy ảnh chụp cảnh riêng tư của người không quen biết. Tôi đã chứng kiến cảnh người Trung Quốc giơ máy ảnh chụp một người Trung Quốc khác (chắc là bạn anh ta), và bị nhân viên trông coi phòng chờ thương gia yêu cầu xóa ảnh, cất máy ảnh đi. Đó là phép lịch sự tối thiểu của con người có văn hóa và có chút tri thức.

Chẳng có ai khi ngủ mà có thể đẹp được cả. “Đẹp cả lúc ngủ”, họa có là diễn viên đang diễn phim. Và cái việc giơ máy ảnh chụp cảnh người khác ngủ, ăn - mà không xin phép, ở những nơi không cấm, thậm chí khuyến khích người ta nghỉ ngơi, là một hành động đáng lên án.

 Các tiếp viên đã rất vất vả để mang lại một chuyến đi an toàn và hài lòng cho hành khách - (Ảnh: Internet)

Các tiếp viên đã rất vất vả để mang lại một chuyến đi an toàn và hài lòng cho hành khách - (Ảnh: Internet)

Ai biết về nghề lái máy bay và tiếp viên, chắc sẽ chỉ thấy thương và thông cảm cho các em, chứ sao nỡ ném đá hoặc chê bai giễu cợt. Đã bao giờ bạn chứng kiến vào đúng giờ giao thừa, khi pháo nổ, pháo hoa bay ngợp trời, các gia đình quay quần bên nhau, thì các em lau nước mắt, hôn vội đứa con thơ, rồi lặng lẽ xách vali lên sân bay. Nếu ai đó “xấu bụng”, vô tình chớp được tấm ảnh lúc này, rồi “chua” vào một câu kiểu như “chắc vừa bể mánh”, thì cũng câu được ối like đấy. Tiếp viên được chồng chở bằng xe máy, kẹp vali ở giữa, sao lại cũng bị chê cười? Thu nhập của tiếp viên không cao đến mức các em đủ tiền trả taxi cho cả đi và về từ nhà đến sân bay, rồi ngược lại.

Bạn thử làm một con tính: với thu nhập 200.000 VND/giờ bay, tự chịu chi phí đồng phục vài chục triệu một năm, hình như tự phải trả tiền ăn ở gì đó ở nước ngoài (cái này tôi không chắc lắm, phải nhờ các bạn ở VNA xác nhận lại) - nếu bay đến “lè lưỡi” là quãng 100 giờ/tháng (thường các hãng quốc tế hạn chế ở mức 70-80 giờ bay/tháng), thu nhập khoảng 20 triệu. Các bạn phải lưu ý đây là giờ bay nhé, tức là từ lúc máy bay chuyển động ở sân đỗ, cho đến lúc ngừng lăn và bánh được chèn ở nơi đến. Để có 1 chuyến bay, các em phải có mặt trước ít nhất là 90 phút, và chỉ về đến nhà sau khi máy bay hạ cánh vài ba tiếng (nếu nhà ở gần). Nếu dùng taxi, mỗi tháng nó có thể “gặm” mất hơn nửa thu nhập rồi.

Xa đoàn tiếp viên đã đúng 20 năm, tôi vẫn luôn nhớ về các em, với sự yêu thương, thông cảm, vẫn nhói lòng và tức giận khi nhiều người trong xã hội nhìn vào các em bằng con mắt soi mói, ghen tức hoặc thiếu thiện cảm một cách vô lý.

 
Nếu ai cũng hiểu rằng: phía sau tấm áo dài, nấp dưới nụ cười tươi, là những trăn trở rất đời thường của mỗi con người, là cơm áo gạo tiền để còn nhờ ông bà, thuê người giúp việc thay mình nuôi dạy và chăm sóc con. Làm nghề này, nếu chưa có gia đình, chưa phải có trách nhiệm với ai, thì vui lắm - được đi đây đi đó, được biết nơi này nơi kia. Còn khi chấp nhận lập gia đình và sinh con - thì là một cuộc đấu tranh nội tâm dữ dội: “Ở lại với nghề hay nghỉ để tìm việc khác”.

Phía sau nụ cười tươi là những trăn trở rất đời thường của mỗi con người, là cơm áo gạo tiền để chăm sóc gia đình - (Ảnh: Internet)

Phía sau nụ cười tươi là những trăn trở rất đời thường của mỗi con người, là cơm áo gạo tiền để chăm sóc gia đình - (Ảnh: Internet)

Lại nói về tấm ảnh “chụp trộm” ở sân bay Nhật, đó là hành động không những thiếu lịch sự mà còn thiếu lương tâm và tình người. Ớ cái nơi ai cũng có quyền ngủ, sao bắt các em phải thức và ngồi nghiêm túc. Đến giờ đó, các em đã thức quãng đường hơn 12 tiếng liền, có thể chưa được ăn uống gì. Nếu buộc các em phải “ngồi xếp hàng” chỉnh tề, để cho bất cứ ai muốn có thể chụp ảnh - ai đảm bảo cho an toàn của chuyến bay khi sân bay Busan mở cửa, và các em được lệnh lên ngay máy bay để tiếp tục phục vụ khách? Và ai cũng có quyền giữ chỗ hộ cho bạn bè, khi họ có việc cần phải đi đâu vài phút, nên đừng cố “bới móc” nhau một cách nhỏ nhen và vô lý để làm gì?.

Vietnam Airlines thuê và trả tiền cho các em nghỉ ngơi tại phòng khách thương gia ở Nhật, chứ không ai cho các em ngồi không, ngồi nhờ cả. Ai đến trước ngồi trước, ai đến sau hết chỗ thì chịu khó đứng (first come, first serve) mà. Các em cần ngồi hơn khách khác, vì các em còn phải có trách nhiệm với sự an toàn và tiện nghi của vài trăm hành khách chỉ sau vài tiếng nữa. Các khách khác có thể ngồi nghỉ ngơi khi lên máy bay, còn các em thì không được phép.

Nhiệm vụ của tiếp viên ngành hàng không không phải là lúc nào cũng đẹp như hoa hậu khi nhận vương miện. Nhiệm vụ chính của các em là phục vụ và đảm bảo an toàn cho hành khách trên các chuyến bay. Muốn thực hiện tốt nhiệm vụ đó: ai cũng hiểu các em phải ăn, phải ngủ và nghỉ ngơi đủ, mới đảm bảo sức khỏe để làm việc.

Và các em yêu quý của chị: đừng buồn, cũng khỏi cần phản ứng làm gì nữa. Những ai thật sự là con người thì đều lấy cái sự hiểu biết, thông cảm, chia sẻ làm lẽ sống. Nhưng những người tử tế thường không hay lên tiếng, vì nhiều khi, họ không đủ cái trơ, cái lỳ lợm để phản ứng lại với những cư xử không người.

Chị luôn nhớ tới và thương yêu bọn em: trước hết là như một người chị, như một người Đoàn Trưởng cũ, và biết ơn bọn em, như một hành khách hay đi máy bay.

Status của một tiếp viên chuyến bay trên sau khi trải qua giờ khắc sinh tử.

Status của một tiếp viên chuyến bay trên sau khi trải qua giờ khắc sinh tử.

Dũng cảm lên bọn em nhé. Chị muốn thấy bọn em luôn nghiến răng lại, ngẩng cao đầu, đi về phía trước. Mình chỉ phải cúi đầu khi làm điều gì có lỗi thôi, các em ạ. Vậy hãy sống sao cho không bao giờ phải cúi đầu hổ thẹn”.

Sau khi chia sẻ, những lời tâm sự của chị B.H.T đã nhận được nhiều sự đồng cảm. Đa số đều lên tiếng cho rằng hãy thông cảm với những người tiếp viên đã vất vả lo lắng cho sự an nguy của hành khách. Một giây phút họ mệt mỏi và ngủ gục rất cần sự thấu hiểu, chia sẻ từ mọi người thay vì trách móc hay kì thị.

Được biết, hình ảnh này được ghi lại tại sân bay Fukuoka (Nhật Bản). Chuyến bay từ Hà Nội/Sài gòn đi Busan (Hàn Quốc) đã không thể bay đúng như lịch trình vì thời tiết quá xấu, hai tổ bay phải hạ cánh tại thành phố Fukuoka và được bố trí nghỉ tại phòng chờ hạng thương gia tại sân bay Fukuoka.

Trước đó, đại diện hãng hàng không Vietnam Airlines cũng đã lên tiếng cho biết chuyến bay tối 3/5 từ Hà Nội/Sài gòn đi Busan (Hàn Quốc) đã không thể bay đúng như lịch trình vì thời tiết quá xấu nên tổ bay phải hạ cánh tại thành phố Fukuoka (Hàn Quốc).

Vị đại diện này cho hay, do thời tiết quá xấu nên chuyến bay không thể hạ cánh đúng lịch trình. Lúc đó, sau khi làm việc với đại diện sân bay, tổ tiếp viên và khách ở phòng chờ đợi. Có thể do đường bay dài, có thể do hơi mệt và không biết bao giờ máy bay cất cánh nên một số tiếp viên đã nằm ngã ra ghế phòng chờ nghỉ ngơi.Theo đại diện Vietnam Airlines, đến sáng nay chuyến bay đã đến sân bay Busan (Hàn Quốc).

===> Xem thêm: Hình ảnh tiếp viên Vietnam Airlines ngủ gật ở phòng chờ thương gia tại Nhật gây tranh cãi

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết

Được quan tâm

Tin mới nhất
Quyên Qui thừa nhận lụy Hà An Huy