8h ngày 18/11, các bị cáo gồm: Nguyễn Xuân Đường (tức Đường "Nhuệ", SN 1971, trú tại phường Kỳ Bá, TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình), Ninh Đức Lợi (SN 1974, trú tại phường Bồ Xuyên, TP Thái Bình); Phạm Văn Uý (SN 1989, trú tại phường Quang Trung, TP Thái Bình); Nguyễn Khắc Nin (SN 1979, trú tại huyện Kiến Xương, Thái Bình); Bùi Mạnh Tiến (SN 1995, thường gọi là Tiến "trắng", con nuôi Đường "Nhuệ") được di lý tới Toà án Nhân dân tỉnh Thái Bình.
Các bị cáo trên cùng bị truy tố về tội "Cưỡng đoạt tài sản" theo quy định tại Điều 170 BLHS.
Ghi nhận của tờ CAND, trong phiên xét xử ngày 17/11, trong phần kiểm tra căn cước, bị cáo Tiến từ chối luật sư bào chữa cho mình, đồng thời từ chối khai báo nhân thân, căn cước với lý do: "Bị cáo muốn nói việc khác xong sẽ chấp hành khai báo nhân thân". Bị cáo Tiến khẳng định, sai phạm đến đâu, bị cáo xin chịu đến đó.
Tiếp đó, bị cáo Tiến tố bị bố nuôi là Đường "nhuệ" đổ trách nhiệm cho mình trong nhiều vụ án khác nhau. Về lý do từ chối luật sư bào chữa, bị cáo Tiến cho rằng, luật sư mà bị cáo Đường thuê cho mình không khách quan nên anh ta phải từ chối. "Bị cáo đã nói với ông Đường rồi và bảo, ông ấy đừng cho người em làm luật sư của ông ấy bào chữa cho bị cáo". Bị cáo Tiến còn khoe có người nhà làm VIP ở một cơ quan trung ương và "dọa" TAND tỉnh Thái Bình đừng có xử anh ta chết…
Theo tờ Doanh nghiệp & Tiếp thị, tại phiên xét xử vào ngày 17/11, bị cáo Nguyễn Thị Dương liên tục nói bản thân không biết gì về công việc của chồng cũng hoạt động "kinh doanh dịch vụ tang lễ" của Đường "Nhuệ". Trước câu hỏi của thẩm phán về việc các hợp đồng, văn bản liên quan đến Hiệp hội Tang lễ Thái Bình có chữ ký của Dương, bị cáo nói chỉ biết ký chứ không hề nắm được nội dung bên trong.
Theo VNE, tại phiên tòa ngày 17/11, Đường "Nhuệ" đề nghị triệu tập các bị hại, nếu không phải "viết lại cáo trạng". Bị cáo này đề nghị chủ tọa thay kiểm sát viên Phạm Danh Phong với lý do người này đã không cho anh ta đọc hoặc nhận cáo trạng trong giai đoạn truy tố.
Sau hội ý, chủ tọa cho rằng yêu cầu thay đổi kiểm sát viên của bị cáo Đường không có cơ sở chấp nhận. Các bị hại, nhân chứng, người liên quan vắng mặt nhưng đã có lời khai tại giai đoạn điều tra, nếu cần sẽ công bố nên HĐXX quyết định tiếp tục làm việc.
Chủ tọa nói thêm, các luật sư được nhận thông báo mở phiên tòa qua đường "điện tử" nên vẫn đảm bảo quyền lợi. Các bị hại dù không có tên trong phần "người nhận" tại quyết định đưa vụ án ra xét xử nhưng quyền lợi của họ vẫn được đảm bảo.
Đáp lại, 8 luật sư cho rằng HĐXX vi phạm nghiêm trọng luật tố tụng, không tôn trọng pháp luật nên cùng bỏ về, không tham gia phiên tòa. Chỉ còn luật sư của bị cáo Úy ở lại.
Theo cáo trạng, trong khoảng thời gian từ năm 2017 đến tháng 4/2020, Đường "Nhuệ" tự xưng là Chủ tịch Hiệp hội tang lễ tỉnh Thái Bình, lợi dụng danh nghĩa Công ty TNHH Đường Dương do vợ là Nguyễn Thị Dương làm Giám đốc để ép buộc các cơ sở dịch vụ tang lễ tại tỉnh Thái Bình phải hoạt động và nộp tiền theo yêu cầu của Đường "Nhuệ".
Bị cáo Đường "Nhuệ" tự ban hành quy chế hoạt động của hiệp hội tang lễ tỉnh Thái Bình, chia địa bàn hoạt động rồi bắt các cơ sở kinh doanh dịch vụ tang lễ tuân theo. Các đàn em là Ninh Đức Lợi, Nguyễn Khắc Nin, Bùi Mạnh Tiến giúp sức. Đường giao cho Ninh Đức Lợi phụ trách tiếp nhận thông tin các ca hỏa táng từ các cơ sở tang lễ, thu mỗi ca hỏa táng 500.000 đồng.
Nếu cơ sở tang lễ nào không tuân theo thì Đường "Nhuệ" cho đàn em chặn xe tang, cắt địa bàn, đe dọa, hành hung.
Bằng những thủ đoạn trên, từ cuối năm 2017 tới tháng 4/2020, nhóm của Đường đã chiếm đoạt của 25 cơ sở tang lễ ở tỉnh Thái Bình tổng số tiền gần 2,5 tỷ đồng.
Thời gian đầu, Ninh Đức Lợi đóng vai trò cánh tay phải, thay mặt Đường xử lý nhiều công việc và nhận tiền báo ca, thống kê con số. Tuy nhiên, đến cuối năm 2019, do nghi ngờ Lợi ăn gian số lượng báo ca nên Đường chuyển cho Quách Việt Cường (Cường "Sơn La") làm. Có một thời gian Đường giao cho em cùng mẹ khác cha là Lương Trung Thái phụ trách báo ca tạo công ăn việc làm cho em. Khi Thái chuẩn bị lấy vợ thì Thái nghỉ Đường lại để Cường "Sơn La" lại đảm nhiệm.
Cũng theo cáo trạng, Nguyễn Thị Dương đã giúp Đường "Nhuệ" ký các hợp đồng nguyên tắc và quy chế hoạt động dịch vụ tang lễ do Đường đề ra, với tư cách Giám đốc Công ty Đường Dương. Bị cáo Dương còn trực tiếp nhận hơn 100 triệu đồng tiền báo ca rồi đưa cho Đường "Nhuệ".
Theo tài liệu điều tra, 25 cơ sở làm dịch vụ tang lễ đã phải báo 4.938 ca hỏa táng và phải nộp hơn 2,4 tỉ đồng cho băng nhóm của Đường "Nhuệ". Toàn bộ số tiền trên đã bị Đường "Nhuệ" tiêu xài hết.
Trong quá trình điều tra, Ninh Đức Lợi, Phạm Văn Úy, Nguyễn Khắc Nin, Quách Việt Cường khai nhận hành vi giúp sức cho Đường "Nhuệ". Tuy nhiên, Đường "Nhuệ", Dương và Tiến "Trắng" không khai nhận hành vi phạm tội.
Tuy nhiên, căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ, lời khai trong vụ án, VKSND tỉnh Thái Bình nhận định các bị cáo đã phạm tội cưỡng đoạt tài sản. Trong đó, Đường "Nhuệ" có vai trò chủ mưu.
VKSND tỉnh Thái Bình truy tố vợ chồng Đường "Nhuệ" và 5 đàn em về tội cưỡng đoạt tài sản theo điều 170 Bộ luật Hình sự, trong đó, năm bị cáo Đường, Lợi, Uý, Nin, Tiến bị truy tố theo điểm a, khoản 4 (khung hình phạt từ 12 - 20 năm tù), Cường "Sơn La" bị truy tố theo điểm a khoản 3 (7 - 15 năm tù), Dương bị truy tố theo điểm d, khoản 2 (3 - 10 năm tù).
Trước phiên tòa này, Đường "Nhuệ" đang chịu án 7 năm tù về các tội: cố ý gây thương tích, cưỡng đoạt tài sản và xâm phạm chỗ ở công dân.