Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sắc màu cuộc sống

Tiếng lòng khẩn thiết của một cô gái yêu Fansipan trước tấm hình gây bão

Khi nhìn thấy bức ảnh người người chen chúc nhau trên đỉnh Hoàng Liên Sơn rồi để lại trên đó hàng trăm loại rác thải - tôi chỉ thấy phẫn nộ, uất ức và xót xa.

Như rất nhiều người trẻ khác, tôi năm nay 24 tuổi, tự nhận mình là đứa nghiện du lịch, cụ thể là mê đi bụi. Tôi không nhận mình là phượt thủ, càng không thích tham gia những chuyến đi mang màu áo đỏ khăn rằn đầy khí thế. Tôi vô cùng yêu thiên nhiên và mê mẩn khám phá văn hóa, tôi yêu tổ quốc của mình tới từng gốc cây, ngọn cỏ, yêu cái không khí nguyên sơ của sương sớm, thích hít đầy một bụng hương thơm của cỏ cây, thích ngắm nhìn mọi thứ với vẻ mộc mạc nguyên sơ vốn dĩ của nó.

Đối với tôi, đặt chân đến mỗi vùng đất mới không chỉ đơn thuần là cái check-in địa điểm, hạnh phúc chưa bao giờ là đích đến, nó chỉ được tìm thấy trên đường đi mà thôi. Khi nhìn thấy bức ảnh người người chen chúc nhau trên đỉnh Hoàng Liên Sơn rồi để lại trên đó hàng trăm loại rác - tôi chỉ thấy phẫn nộ, uất ức và xót xa

Dinhfanxipang (1)

Dòng người đông đúc, chen lấn nhau check-in trên Fansipan.

Tôi phẫn nộ với một bộ phận quần chúng mang ý thức kém cỏi. Rất nhiều nơi ở Việt Nam nổi tiếng vì mất vệ sinh, đến mức ở đâu có người là ở đó có rác. Việc đem cơ hội cho một số đông con người vẫn chưa ý thức được về giữ vệ sinh chung đến cùng một nơi, rác bỗng chốc ngập trời là điều dễ hiểu. Nhưng ở đây lại là nóc nhà Đông Dương, nơi từng được coi là đỉnh núi cao nhất, là “thánh địa” mà chỉ có những con người có ý thức mới xứng đáng được tận hưởng nó.

Tôi uất ức cho bản thân mình vẫn chưa một lần chạm tay lên được đỉnh Fan, ước mơ ngày nào chưa bao giờ trở nên dễ dàng đến thế, cũng chưa bao giờ trở nên hụt hẫng đến thế. Bạn có thể tưởng tượng việc nàng thơ trong lòng mà mình ngày đêm ao ước được chạm tay dù chỉ một lần, bỗng sau một đêm trở nên công cộng tới mức ai bỏ tiền ra cũng lên đỉnh được, và họ thả lại đó hàng ngàn thứ bẩn thỉu, không thương tiếc…

Bạn có thể khinh khỉnh mà bảo tôi rằng thích thì cứ tự mà leo, có ai cấm leo đâu, còn người ta không có sức khỏe họ đi cáp thì tội tình gì. Nhưng leo tới nơi, thay vì được đền đáp bằng khung cảnh hùng vĩ với biển mây và không khí hoang sơ, nay đập vào mắt cảnh tượng cả trăm con người xô bồ, ồn ào, nhốn nháo cốt check-in cho được cái cột mốc, như thế liệu có công bằng - cho một đỉnh núi hùng vĩ - cho những người như tôi?

Dinhfanxipang (2)

Rác rưới của khách du lịch để lại ven đường.

Tôi đã từng háo hức đến chùa Hương, háo hức vượt đường dài đến Mộc Châu và cái tôi nhận được chỉ là sự khó chịu khi trước mắt hàng đoàn người lố nhố với ý thức công cộng còn thua trẻ cấp 1. Đông người không phải cái tội, đông người mà hành xử kém mới là cái tội.

Còn tôi xót xa cho ai? Tôi xót cho mẹ thiên nhiên oằn mình ngày đêm chịu cảnh chia da xẻ thịt. Mới ngày nào là cây xanh phủ kín, nay là trơ trọi đất đá bụi đường, ngày mai lại mang vác thêm những công trình vô bổ.

Trong khi thế giới ngày đêm bảo vệ thiên nhiên, phát triển du lịch sinh thái, đưa con người đến gần với tự nhiên thì trên dải đất chữ S được ưu đãi rừng vàng biển bạc này, hằng ngày không biết bao nhiêu cây xanh ngã xuống, không biết bao nhiêu ngọn đồi bị nổ tung, không biết bao nhiêu tấn rác thải đổ xuống sông, chôn xuống đất, tệ hơn là ném thẳng vào môi trường.

Có lẽ, chừng nào người ta còn hào hứng và bao biện với những dự án du lịch đi ngược với tự nhiên là chừng đó rừng vàng biển bạc của tổ quốc vẫn còn được quy đổi thành tiền, một cách vô tội vạ.

Với lối khai thác bất chấp mọi thứ vì lợi nhuận, nay Bắc Kinh đã chẳng còn không khí sạch để thở, Vạn Lý Trường Thành vang dội năm châu đang bể nát từng giờ. Trung Hoa to thế mà sự hấp hối của thiên nhiên còn đang diễn ra trước mắt, bạn nghĩ quê hương bé nhỏ của chúng ta sẽ cầm cự được bao lâu?

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết

Được quan tâm

Tin mới nhất