Hạnh phúc đã “lãng quên” những người phụ nữ 50 năm làm nghề đàn ông
Tìm đến tiệm sửa xe không tên trên đường Âu Cơ, quận Tân Bình, TP. HCM - nơi 8 người phụ nữ đã 50 năm gắn liền với nghề sửa xe máy vốn là nghề của những người đàn ông sức vóc, tôi gặp cô Đỗ Kim Hoàng (53 tuổi) và cô Đỗ Kim Hoa (62 tuổi) đang miệt mài vặn ốc, tháo lốp sửa xe cho khách.
Cô Hoàng cho biết, gia đình cô có tất cả 9 chị em nhưng chị cả đã mất từ lâu. Còn lại 8 chị em thì chỉ có 4 người lập gia đình và 4 người “ở giá” đến bây giờ.
Bốn người chưa lập gia đình, thời còn trẻ, họ cũng từng ước mơ có được mái ấm gia đình đầy đủ vợ chồng, con cái nhưng có lẽ may mắn đã không mỉm cười, khiến họ không thể chạm đến được thứ hạnh phúc vốn đơn giản nhưng lại xa vời ấy. “Phụ nữ ai cũng mong muốn có tấm chồng để nương tựa nhưng gia đình tui nghèo, chị em đông, chưa kể lại làm nghề của đàn ông, nên người ta nhìn vô, có thương cảm đó nhưng để gắn bó lâu dài thì ai cũng e ngại”, cô Kim Hoa vừa tháo lốp xe vừa nói.
Tưởng chừng chỉ 4 chị em gái phải gánh lấy truân chuyên cuộc đời, vậy nhưng 4 chị em còn lại tuy đã lập gia đình nhưng hạnh phúc cũng chỉ tày gang. Cô em út là Đỗ Thị Kim Thanh từ lâu đã làm đơn li dị với chồng, một mình làm lụng nuôi đứa con gái ăn học.
Bản thân cô Hoàng và người em gái kế cô cũng lẻ bóng sau khi chồng qua đời. Cả 8 chị em còn mỗi cô sáu Đỗ Kim Hải là đang chung sống cùng chồng nhưng cuộc sống cũng chẳng khấm khá gì khi cả hai đều không có công việc ổn định.
Những người phụ nữ suốt 50 năm làm bạn với cờ lê, mỏ lết…
Thuở nhỏ, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn mà mấy chị em cô Hoàng không được ăn học đầy đủ, hầu như học hết cấp 2, họ đều bỏ ngang để đi làm, bản thân cô Hoàng cố gắng lắm cũng chỉ hết lớp 11 là nghỉ hẳn.
Trong lúc các bạn cùng trang lứa còn mãi mê vui chơi, hằng ngày được cha mẹ đưa đón đến trường thì các cô đã phải làm đủ thứ nghề để kiếm sống, từ nhặt đầu tôm, làm lò gạch, phụ hồ cho đến việc chạy xe ba gác chở hàng thuê cho người ta - những việc tưởng chừng chỉ dành đàn ông sức vóc. Cuộc sống khó khăn là vậy nhưng gia đình 8 chị em chưa bao giờ ngớt tiếng cười.
Tiệm sửa xe hiện tại có từ thời ba mẹ cô Hoàng mới cưới nhau, đây được xem là “cần câu cơm” cho cả gia đình. Sau khi cha mẹ mất, cả 8 chị em cùng nối nghiệp làm nghề sửa xe nhưng hiện tại sức khỏe không cho phép nên chỉ còn cô Hoa, cô Hoàn và cô Hải bám trụ với nghề. Trong đó, cô Hoa (63 tuổi) là người có tuổi nghề cao nhất.
Những ngày tháng mới bắt đầu hành nghề, chị em cô Hoàng cũng gặp phải những khó khăn từ việc vặn cái ốc, mở cái lốp. Vốn dĩ công việc này chỉ hợp với sức đàn ông, nhưng cố gắng làm lâu rồi cũng thành quen tay. Ngày còn trẻ, chị em cô Hoàng còn sửa xe tải, xe ba gác, xe đạp. Thế nhưng theo năm tháng, sức khỏe đã không còn như trước, chị em cô Hoàn chỉ sửa xe máy và xe đạp .
Công việc sửa xe hiện tại không chỉ là miếng cơm manh áo của mấy chị em mà còn là niềm vui trong cuộc sống. Cô Hoàng cho biết có những hôm tay chân nhức mỏi vì trái gió trở trời nhưng cứ nằm lì trong phòng lại càng mệt hơn, chỉ cần ra làm việc một lúc là người lại khỏe khoắn trở lại. Vì thế, suốt 50 năm qua, chưa một ngày nào tiệm đóng cửa. Suốt ngày “làm bạn” với cờ lê, mỏ lết, tay chân lúc nào cũng lem luốc, chai sạn nhưng khi nghe đến hai chữ “nghỉ hưu”, mấy cô lại lắc đầu.
Đa phần khách đến sửa xe đều là khách quen nên tiệm dù không cần bảng hiệu gì vẫn nườm nượp người ra người vào. Chú Hùng (60 tuổi), chở hàng thuê tại khu vực Chợ Lớn mỗi lần xe có trục trặc gì chú đều đến tiệm để nhờ mấy cô “bắt bệnh”.
Nhiều lần chú đến bơm xe, vì là khách quen nên mấy cô cũng không lấy tiền. “Tôi là khách hàng quen thuộc của tiệm cô Hoàng nhiều năm nay rồi, ở đây sửa xe thì yên tâm cả về chất lượng lẫn giá cả”, chú Hùng cười nói.
Cứ thế, mỗi ngày, ở góc đường Âu Cơ, dù mưa hay nắng, người ta vẫn đều đặn thấy mấy chị em cô Hoàng tất bật cùng những con xe, tay chân lấm lem dầu mỡ cùng khuôn mặt nhễ nhại mồ hôi.
Khi được hỏi về những dự tính cho những ngày tháng sau này, khi tuổi đã cao, sức khỏe không cho phép, cô Hoàng ánh mắt xa xăm, thở dài: “Tui cũng chưa biết mai này ra sao, chỉ mong trời thương cho mấy chị em sức khỏe, đừng ốm đau bệnh tật gì. Bây giờ bám trụ với nghề thôi, đến đâu hay đến đó vậy!”.