Nhiều nguy cơ tiềm ẩn
Ngày 30/6, Tổ thực hiện cách ly, xử lý môi trường y tế thuộc Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế hỗ trợ TP.HCM phòng, chống dịch Covid-19 đã kiểm tra các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tại các khu cách ly trên địa bàn TP. Từ đó đề xuất TP.HCM xây dựng các phương án phòng chống lây nhiễm chéo trong khu cách ly.
Khi kiểm tra khu cách ly tập trung Trường Đại học Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM, PGS.TS Nguyễn Văn Sơn, Phó Viện trưởng Viện Sức khỏe Nghề nghiệp và Môi trường nhận xét, việc bố trí phân luồng từ cổng vào, vị trí chốt chặn của lực lượng bảo vệ, vị trí các buồng đệm cho nhân viên y tế chưa hợp lý.
Đặc biệt, các phòng cách ly bố trí vị trí giường xếp chưa đảm bảo khoảng cách. Phòng vệ sinh sử dụng chung chưa đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch bệnh. Đặc biệt, có sự tiếp xúc giữa người cách ly ở các phòng khác nhau khi sử dụng chung nhà tắm, nhà vệ sinh, tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cao. Việc bố trí F0 ngay tại tầng trước khi chuyển viện không hợp lý, có nguy cơ lây nhiễm cao vì dùng chung nhà vệ sinh với người cách ly khác.
Cũng theo PGS.TS. Nguyễn Văn Sơn, việc bố trí F0 ngay tại tầng trước khi chuyển viện không hợp lý, có nguy cơ lây nhiễm cao vì dùng chung nhà vệ sinh với người cách ly khác.
Trong ngày 30/6, đoàn cũng đã kiểm tra tại khu cách ly tập trung Ký túc xá Đại học Quốc gia TP.HCM Khu B. Theo số liệu thống kê ngày 30/6, tại đây đang thực hiện cách ly cho 5.061 trường hợp. Trong đó 340 trường hợp vào mới. Cũng trong ngày 30/6, tại đây phát hiện 176 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2.
Xây dựng các phương án phòng chống lây nhiễm chéo trong khu cách ly
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu TP Hồ Chí Minh phải bảo đảm tổ chức cách ly triệt để, không để xảy ra sơ hở, dẫn đến lây nhiễm chéo trong các khu cách ly, phong tỏa. Điều này được rút ra từ bài học kinh nghiệm trong công tác chống dịch ở Bắc Giang, khi xảy ra nhiều ca lây nhiễm chéo trong khu cách ly tuy không để lan ra cộng đồng nhưng vẫn gây áp lực cho hệ thống điều trị,
Theo HCDC, dù phần lớn số ca bệnh dương tính phát hiện trong khu cách ly thuộc nhóm xét nghiệm lần thứ 1, 2, 3 được cho là lây nhiễm từ trước. Tuy nhiên cần quan tâm đến việc nhóm này sẽ là nguồn lây cho những người khác trong cùng khu cách ly.
Do đó, giải pháp hạn chế tối đa lây chéo trong khu cách ly được đưa ra: chỉ tổ chức cách ly tập trung ở các địa điểm mà mỗi phòng cách ly phải có nhà vệ sinh riêng, mỗi phòng chỉ có tối đa 2 giường được xếp đảm bảo khoảng cách 2 mét và có màn che ngăn cách giữa 2 giường. Các đơn vị tổ chức khu cách ly tập trung không chọn trường học, xem xét lựa chọn cách ly tại khách sạn tại địa phương.
Hai người được xếp chung phòng theo nguyên tắc cùng đặc điểm dịch tễ. Phòng cách ly không có máy lạnh và được mở cửa cho thông thoáng. Công tác vệ sinh khử khuẩn các khu vực chung được tăng cường ít nhất 2 lần/ngày.
Các khu cách ly bắt buộc phải có camera giám sát sự tuân thủ quy định của người cách ly. Thiết lập sóng wifi phục vụ nhu cầu truy cập internet của người cách ly. Truyền thông cho người cách ly nguy cơ lây nhiễm chéo, đeo khẩu trang thường xuyên, tự vệ sinh cá nhân và phòng cách ly, hạn chế tiếp xúc người trong phòng, không giao lưu với các phòng khác.
Sau buổi kiểm tra, đánh giá, Tổ thực hiện cách ly, xử lý môi trường y tế thuộc Bộ phận Thường trực đặc biệt hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế tại TP.HCM kiến nghị: Đối với khu cách ly Ký túc xá Đại học Ngoại ngữ TP.HCM chỉ sử dụng lại để làm khu cách ly khi cải tạo được khu vệ sinh chung. Cần phân công nhiệm vụ rõ ràng đối với người phục vụ trong khu cách ly.
Đoàn kiến nghị thành lập đoàn kiểm tra giám sát cấp quận/huyện để triển khai công tác kiểm tra, giám sát các khu cách ly tập trung trên địa bàn quận/huyện quản lý.
Do các khu cách ly có diện tích rộng, biệt lập với khu dân cư và cách xa bệnh viện dã chiến, bệnh viện điều trị, nên đoàn công tác kiến nghị UBND TP.HCM nghiên cứu thành lập 1 cơ sở thu dung, điều trị ban đầu bệnh nhân Covid-19 không triệu chứng nằm tại khu Ký túc xá Đại học Quốc gia trong trường hợp dịch bệnh bùng phát trên diện rộng trong khi chưa triển khai Ký túc xá Khu A thành bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 2 có quy mô 4.000 giường.
Đối với trẻ em dưới 15 tuổi cần cách ly theo đúng hướng dẫn tại Công văn số 897/BYT-MT. Tại cách khu cách ly tập trung cần cơ cấu lại, chỉ sử dụng 80% công suất phòng cách ly F1 và bố trí đủ 20% số phòng để làm phòng cách ly cho đối tượng F0 và F1 nguy cơ cao.