Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sắc màu cuộc sống

Tích cóp tiền thuê người học hộ, thi mướn, sinh viên 'chết điếng' khi gặp đủ tình huống trớ trêu

Bỏ ra vài trăm nghìn - khoản tiền không hề nhỏ đối với nhiều sinh viên, đem bài thi, giờ học đánh cược vào tay người khác, không ít sinh viên "ngây thơ" đã gặp phải đủ tình huống bi hài.

1 tiếng học hộ 50k, thi thuê giá vài trăm nghìn - dịch vụ “kiếm cơm” cho sinh viên

Có một dịch vụ ngầm từ lâu đã phát triển rầm rộ trong lòng tầng lớp sinh viên, đó là học hộ, thi mướn. Chuyện thuê người khác đi học, làm bài thi hay thậm chí là tiểu luận, đồ án Tốt nghiệp chẳng còn xa lạ. Ai từng tiếp xúc với sinh viên, ít nhiều đều nghe kể về điều này. Thế nhưng giờ đây, câu chuyện không chỉ còn là việc sinh viên biết với nhau, trao đổi ngấm ngầm mà dần công khai, trở thành nghề “kiếm cơm” của nhiều sinh viên thất nghiệp.

Thông tin đăng tuyển người học hộ, thi thuê xuất hiện nhan nhản trên MXH.

Chỉ cần lướt qua các trang mạng xã hội, những ai có nhu cầu thuê người đi học, làm bài thi hẳn sẽ tìm được rất nhiều hội nhóm cung cấp dịch vụ. Thị trường học hộ, thi thuê phát triển rầm rộ nên khách hàng có nhiều lựa chọn. Chỉ cần đăng thông tin lên một hội nhóm bất kỳ, ngay lập tức sẽ có hàng chục, hàng trăm người bình luận hoặc inbox, thương lượng giá cả, trao đổi ngày giờ, nội dung cần làm.

Vì nguồn cung quá nhiều nên giá học hộ, thi thuê khá rẻ. Trung bình, 1-2 tiếng học hộ chỉ để điểm danh giá khoảng 50k. Nếu đi học cả buổi sáng/chiều hay giờ học cần chép bài thay, mức giá thường từ 100-120k. Làm bài thi giữa hoặc cuối kỳ giá 350-400k và nếu làm tiểu luận hay đồ án, mức phí có thể tính tiền triệu.

Dưới mỗi post đăng tin tìm người là hàng loạt bình luận.

Công việc học hộ, thi thuê không quá vất vả. Chính vì thế, hễ thấy ai có nhu cầu, đội ngũ “săn lùng” việc làm dạng này liền lập tức “nhao vào”. Theo nhiều sinh viên, tiền học hộ, thi thuê tuy chỉ từ vài chục đến vài trăm nghìn/1 “phi vụ” nhưng nếu cộng dồn lại, nghề làm thêm này cũng đem lại cho họ khoản thu không hề nhỏ. Bên cạnh đó, nếu chăm chỉ, việc đi học hộ đôi khi còn giúp tích lũy thêm kiến thức.

“Làm riết rồi có kinh nghiệm, nhiều mối quan hệ nên người này, người kia giới thiệu, thành ra bây giờ, tháng nào mình cũng thu nhập từ 3-4 triệu nhờ công việc này“, Văn Anh (sinh viên ĐH Công nghiệp Hà Nội) chia sẻ.

Theo nam sinh này, nghề học hộ thi thuê không chỉ hấp dẫn đối với sinh viên mà còn thu hút nhiều cử nhân thất nghiệp. “Mình thấy nhiều bạn ra trường không xin được việc làm cũng hay đi làm tiểu luận cuối môn hay đồ án tốt nghiệp thuê. Mức giá từ vài trăm nghìn cho đến cả triệu bạc/sản phẩm nên các bạn vẫn sống rất “khỏedù suốt ngày ngồi nhà“, Văn Anh nói thêm.

Ngoài dịch vụ lẻ, tính theo từng buổi/bài thi, nhiều người còn sẵn sàng “bao thầu”, học hộ, thi thuê trọn gói. Trung (một nam sinh mới tốt nghiệp ĐH Điện lực, chưa tìm được việc làm) cho hay: “Tạm thời chưa tìm được việc làm nên mình nhận mấy kèo học hộ cho người liên thông, học văn bằng 2 hoặc Ths“.

Dịch vụ học thuê phát triển công khai, tràn lan.

Theo Trung, dịch vụ trọn gói đặc biệt hơn ở chỗ, ngoài việc đi học cho có, người thế thân sẽ ghi chép, làm bài đẩy đủ và khi có đề kiểm tra sẽ kiêm nhiệm, làm luôn thay cho “chính chủ”. Trung cho biết, từ khi còn là sinh viên, cậu đã “tích cực” tham gia các hội nhóm học hộ, thi mướn. Vì vậy, việc tìm kiếm đối tác làm việc lâu dài sau khi ra trường không quá khó khăn. Với mấy kèo nhận được, Trung nhẩm tính thu nhập khoảng 8-9 triệu đồng/tháng, đủ để sống tốt trong thời gian tìm việc làm.

1.001 tình huống bí đát vì trao nhầm tiền cho người học hộ, thi thuê kém chất lượng

Mất tiền thuê người học hộ, thi thuê nhưng không ít bạn sinh viên lại chết điếng khi gặp phải những tình cảnh trớ trêu. Nhiều người không đủ trình độ khiến bài thi trả về toàn kết quả 0, 1, 2, 3… hay bùng “kèo”, nhầm lớp rồi đi trễ, quá giờ điểm danh, chép bài sai… tất cả đều gây nên những hệ lụy vô cùng phiền phức.

Mới đây, cộng đồng mạng xôn xao vì chuyện một bạn nữ lên mạng “bóc phốt” thi hộ, đã nhận “kèo” giá 350k nhưng lại tính bài chuồn, khiến chính chủ mất cả chì lẫn chài.

“Góc bóc phốt” chuyện nhận kèo rồi mà không đi thi khiến “gia chủ” điêu đứng.

“Chả là ngày 13-10 em có thuê bạn này đi thi hộ, đến hôm nay biết điểm mới biết là không đi thi mà vẫn mặt dày nhắn tin lừa đảo rồi nhận của em 350k tiền công. Ức chế nhất là môn này trường em sang năm đổi tên và không đào tạo nữa nên giờ em không biết phải làm thế nào“, bạn nữ này kể lể trên MXH.

Ngay lập tức, nhiều cư dân mạng cũng kể ra hàng loạt tình huống bi hài khác mà họ gặp phải. Hóa ra, việc thuê người học hộ, thi thuê, đã không có hiệu quả lại còn mất tiền oan chẳng phải là trường hợp của riêng ai.

“Không đi thi đã đành, đằng này mình thuê đi thi nhưng làm sai hết, không đúng một câu nào“, Thùy Linh (ĐH Bách Khoa) tâm sự.

“Góc cảnh báo” một số đối tượng “chai mặt” trên các hội nhóm học hộ, thi thuê vì không đủ trình độ khiến “gia chủ” phải nhận những điểm 0 “oan ức”.

Sau khi vướng phải tình cảnh trái ngang, cô mới tìm hiểu và biết mình thuê nhầm phải “hotgirl” học hộ đình đám nhất cộng đồng mạng. Người này chuyên nhận kèo nhưng không có trình độ nên chẳng “hộ” ai được đến nơi, đến chốn. “Ai dính phải bạn này đều ăn con ngỗng to đùng giống mình“, nữ sinh than vãn.

Đạt (sinh viên ĐH thương mại) lại gặp cảnh oái oăm khác khi thuê người học hộ để điểm danh, bạn này check-in báo cáo như đúng rồi nhưng hóa ra là “nhầm” lớp nên thành ra xôi hỏng bỏng không.

“Đến giờ điểm danh, mình gọi video call kiểm tra xem bạn kia có đi học không để còn chuyển tiền. Thấy bạn ý check-in đang trong lớp học nên mình tin sái cổ. Nào ngờ bạn ấy nhầm lớp. Hỏi ra mới biết bạn này nhận quá nhiều kèo nên lẫn lộn lịch học“, Đạt chia sẻ.

Up đề thi lên MXH, công khai thuê người khác giải giùm.

Nếu câu chuyện chỉ dừng lại ở đó thì không có gì đáng nói nhưng môn học của Đạt, cậu đã nghỉ quá nhiều. Theo quy định, quá 3 buổi, sinh viên sẽ không được thi kết thúc môn. “Cuối cùng mình vừa mất tiền thuê người học hộ, vừa mất tiền đi lại và đến nhà nói chuyện khó với giáo viên để được thi lại“.

Sau lần đó, Đạt sợ xanh mắt, không dám thuê ai đi thi thuê, học mướn nữa. “Bây giờ bận cỡ nào mình cũng phải đi học đầy đủ. Lỡ gặp phải người không tử tế lại phiền phức. Tiền là một chuyện nhưng mất rất nhiều thời gian, công sức. Ban đầu mình nghĩ chuyện thuê người đi học hộ đơn giản, nào ngờ cũng phức tạp và lắm rủi ro đến thế“.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Vương Phi

Được quan tâm

Tin mới nhất