Loanh quanh Sài Gòn
Xin chào, tui tên Kỳ Anh. Tui là người miền Tây chính hiệu, nhưng cũng là dân yêu Sài Gòn "thứ thiệt" à nghen. Bởi sao? Bởi 5 năm qua, tui đã sống trong vòng tay của Sài Gòn.
Mấy bữa nay Sài Gòn "đổ bệnh", phố xá vắng tanh, những tòa nhà, khu chung cư... buồn hiu hắt. Được bữa về sớm, tui dong con xe chạy khắp phố phường, nhìn ngắm từng góc nhỏ của Sài Gòn. Rồi biết sao không? Tui nhặt nhạnh được những câu chuyện "thấy thương" vô cùng.
Có chú chạy ba gác mắc võng trên chiếc xe ngủ trưa, giấc ngủ tròng trành, đôi vai dường bị đè nặng thêm bởi cơm áo gạo tiền.
Có chú xe ôm nằm vắt người trên xe, ngủ gục. Chú xin Sài Gòn "5 phút" ngủ trưa, rồi lại lao mình ra đường.
Có chú cụt hai tay và bị mù, gương mặt hao gầy. Chú ngồi xin tiền giữa ngã tư đường ở quận 11.
Có anh Grab ngồi trú nắng ở trạm xe buýt, khá buồn bã vì mười mấy ngày nay không được bao nhiêu khách. Tháng rồi ảnh nợ tiền nhà, vợ con làm ở khu công nghiệp cũng nghỉ ở nhà.
Có cô ve chai kiếm được ba bốn chục ngàn, đủ được 1 ngày cơm. Chồng cô vừa qua đời rồi, lúc trước thì cả hai vợ chồng đi bán, giờ cô còn một mình. Nghe cô tâm sự mà thấy nghèn nghẹn.
Tui kể lại những câu chuyện đó bằng các bức ảnh và tặng họ một lời chúc bình an trước khi rời đi. Họ là những người mưu sinh ở hè phố, dưới cái nắng mưa bất chợt của Sài Gòn. Tui mang tất cả những khoảnh khắc ấy trong tâm trí.
Và bạn ơi, nếu bạn vẫn còn có một bữa cơm ngon, một chỗ để ngủ hằng đêm, xin chúc mừng, bạn là người rất may mắn và hạnh phúc, hơn nhiều cuộc đời đang tất tả mưu sinh ngoài kia. Loanh quanh Sài Gòn, tui thấy lòng mình như lắng lại, thấy sao mà thương cái thành phố này quá.
Bên trong Ehome 3!
Ngày Ehome 3 nhận lệnh phong tỏa, các rào chắn nhanh chóng khép lại, 7.600 cư dân tách biệt với cuộc sống bên ngoài trong vòng 21 ngày. Những đứa trẻ không còn được loanh quanh góc hồ bơi, sân chơi như trước nữa. Điện thoại người lớn bắt đầu "nổ" các cuộc gọi đến, gọi đi để giải quyết công việc. Các cụ bà bắt đầu quắt quay, hoảng hốt, kiểm kê mớ thức ăn còn sót lại trong tủ lạnh. Một chị cư dân trong Ehome 3 tâm sự, chị rất sợ tiếng còi của xe cấp cứu mỗi khi xe chạy vào đây, vì không biết sẽ có ai bị đưa đi cách ly. Nhưng tuyệt nhiên, không một ai tháo chạy. Bởi họ biết, vì cộng đồng, vì xã hội và vì an toàn cho bản thân mình, họ phải ở lại và thực hiện xét nghiệm.
Anh chị dân phòng, bảo vệ toà nhà, đội vận chuyển làm việc không kể time, để đưa lương thực đến cho mọi người.
Khi mới lên Sài Gòn, tôi vẫn nghe về những căn chung cư "lạnh lẽo" tình hàng xóm. Tức là sau cánh cửa sắt, họ sẽ có một cuộc đời riêng, tách bạch, không ai quan tâm việc của nhà bên cạnh. Có thể là họ quá bận, hoặc có thể là do lối sống rất "Sài Gòn". Nhưng tôi đã lầm. Những ngày giãn cách, điện thoại tôi vẫn rung lên bần bật tin nhắn từ các cư dân.
- Xuống lấy trà sữa nè mọi người, em để dưới sảnh.
- Nhà có vài trái xoài vườn, nhờ mọi người xuống nhận.
- Dưới sản có mì, mọi người xuống lấy nhé.
- Còn 50 hộp khẩu trang, có ai nhận không?
....
Từng bó rau, từng kí gạo, từng chai nước, từng gói mì... đều được san sẻ với nhau trong mùa dịch bệnh. Đội ngũ dân phòng, bảo vệ toà nhà, đội vận chuyển làm việc không kể thời gian, để đưa lương thực đến cho mọi người.
Sài Gòn thương nhau bằng mấy điều nhỏ xíu thế thôi!
'Chảo lửa' Gò Vấp
Trái tim tôi như muốn nhảy ra ngoài khi dòng chữ 'phát hiện ổ dịch hội truyền giáo Phục Hưng' xuất hiện trên bảng tin. Khu vực nhà tôi đã trải qua 3 lần phong tỏa nhưng không có ca nhiễm nào. Lần này, mọi chuyện đã khác.
Nhà tôi nằm ở khu vực phường 13, cách phường 15, một trong những khu vực có nhiều ca nhiễm của quận, chỉ khoảng 500 mét. Khu chợ dân sinh mà gia đình tôi thường lui tới mua hàng cũng nằm trên địa bàn phường 15, rất gần với khu hẻm bị phong tỏa. Một cảm giác lo lắng cực độ chạy dọc sống lưng.
15 ngày giãn cách đầu tiên, tuy chợ vẫn mở bán nhưng gia đình quyết định không ra chợ mà đặt mua nhu yếu phẩm qua hệ thống online của các siêu thị. Hai tuần giãn cách quận Gò Vấp, tôi dường như không ra khỏi nhà. Các khu vực bị phong tỏa đa số là trong ngõ, hẻm. Gò Vấp khi ấy nóng nhưng một "chảo lửa", trở thành tâm dịch của cả thành phố.
Nhưng bạn có biết "vitamin" tích cực duy nhất mà chúng tôi nhận được là gì không? Là những món quà được các mạnh thường quân gửi vào tâm dịch. Khi là vài hộp cá mòi, 1 chai dầu ăn, nước tương, vài kí gạo... ấm áp và tình nghĩa vô cùng. Gia đình tôi vẫn không khỏi xót xa khi thấy các bạn tình nguyện viên "căng mình" trong bộ đồ bảo hộ dày cộm, thở một hơi cũng đủ mờ kính chắn giọt bắn. Ấy vậy mà các bạn ngày đêm vẫn hỗ trợ lấy mẫu cho đoàn người xét nghiệm dài dằng dặc.
Lúc đó, tôi thấy Sài Gòn của mình sao mà đáng yêu quá chừng!