Vụ việc động trời gây sốc dư luận chiều tối qua khi cơ quan chức năng phanh phui việc Lý Thị N (SN 1986, trú ở huyện Phúc Thọ, Hà Nội) đã thuê người chặt chân tay của chính mình, giả làm vụ tai nạn giao thông đường sắt để đòi bảo hiểm nhân thọ phải chi trả cho mình hơn 3 tỷ đồng.
Đánh giá về vụ án này, luật sư Trịnh Anh Dũng (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho biết: Hành vi gian dối để trục lợi bảo hiểm ở nước ngoài diễn ra khá nhiều. Nhưng ở Việt Nam hành vi trên diễn ra không phổ biến. Như thông tin Công an quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) cung cấp, việc N thuê anh Doãn Văn D chặt tay và chân của mình, rồi tạo hiện trường giả thành vụ tai nạn giao thông đường sắt nhằm trục lợi bảo hiểm là vụ việc cực kỳ hy hữu.
Luật sư Dũng phân tích: Qua thông tin từ Công an quận Bắc Từ Liêm thì hành vi của chị N và anh D được cơ quan công an phát hiện kịp thời nên chưa xảy ra hậu quả đối với công ty bảo hiểm.
“Hành vi của N là dùng thủ đoạn gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản. Trong vụ án này, anh D là đồng phạm tích cực. Tuy nhiên do bị phát hiện sớm nên việc chiếm đoạt tài sản của chị N chưa diễn ra, hành vi này không cấu thành tội phạm. Nếu như hành vi của N trót lọt, phía công ty bảo hiểm tiến hành thanh toán khoản bảo hiểm thì từ thời điểm N nhận được tiền, hành vi của N sẽ được coi là dấu hiệu của tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Lúc này, nếu N nộp lại khoản tiền đã nhận thì cũng chỉ mang tính chất khắc phục hậu quả, còn tội phạm đã hoàn thành”, luật sư Dũng phân tích.
Đồng quan điểm với luật sư Dũng, luật sư Nguyễn Quang Tiến (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho biết thêm: Hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản là tội phạm cấu thành vật chất. Nghĩa là người phạm tội dùng thủ đoạn gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản của ai đó và phải chiếm được tài sản. Còn nếu như tài sản chưa chiếm đoạt được thì chưa cấu thành tội phạm.
“Gian dối là đặc trưng cơ bản của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản nhưng không phải là dấu hiệu duy nhất của tội phạm. Ngoài thủ đoạn gian dối, người phạm tội còn phải có hành vi chiếm đoạt tài sản thì mới đủ yếu tố cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản” - Luật sư Tiến cho biết.
Trên cơ sở phân tích đó, theo hai luật sư, hành vi của N và anh D có thể chỉ bị cơ quan công an xử lý về mặt hành chính.
Vào hồi 0 giờ 5 phút ngày 5.5.2016, Công an quận Bắc Từ Liêm nhận được tin báo từ anh Doãn Văn D (SN 1995, nhà ở huyện Phúc Thọ, Hà Nội) rằng có một vụ tai nạn giao thông đường sắt tại khu ga Hà Đông - Phú Diễn, thuộc tuyến đường Bắc Hồng - Văn Điển, địa phận quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Nạn nhân là chị Lý Thị N (SN 1986, ở huyện Phúc Thọ, Hà Nội).
Theo báo cáo của anh D, chị N bị tàu hỏa chẹt qua làm cụt 1/3 bàn tay trái và 1/3 bàn chân trái, bàn tay và bàn chân đã bị đứt rời. Ngay sau khi nhận tin báo, lực lượng công an đã có mặt để đưa chị N đi cấp cứu tại Bệnh viện 19.8. Tại đây các bác sỹ đã nối lại bàn tay và bàn chân bị đứt rời cho chị N. Sau đó chị N được chuyển lên Bệnh viện Việt Đức. Tuy nhiên, do vết thương đã bị hoại tử nên bác sỹ Bệnh viện Việt Đức đã tháo bỏ phần cơ thể bị đứt rời của chị N…
Tại cơ quan công an, theo trình bày của chị N, do buồn chuyện gia đình nên chị đi lang thang gần đường tàu nên bị tàu hút vào, gây ra tai nạn đứt tay, chân. Lúc đó có anh Doãn Văn D đi ngang qua nên chị N kêu cứu.
Tuy nhiên, trong quá trình làm việc, các điều tra viên phát hiện có nhiều điểm nghi vấn trong lời khai và thực tế, đặc biệt là điều tra viên phát hiện vết đứt ở tay, chân chị N là vết do vật sắc làm nên chứ không phải do bánh tàu nghiến qua nên đã tiến hành điều tra xác minh vụ việc.
Qua nhiều lần làm việc, cuối cùng N phải thừa nhận đã thuê anh D chặt tay, chân của mình rồi tạo hiện trường thành vụ tai nạn nhằm được thanh toán các khoản tiền bảo hiểm theo hợp đồng bảo hiểm nhân thọ đã mua trước đó. Theo Công an quận Bắc Từ Liêm, nếu trót lọt, chị N có thể được thanh toán tổng số tiền bảo hiểm lên tới 3,5 tỷ đồng.