Thực phẩm GMO là gì ?
Trước hết chúng ta cần hiểu rõ định nghĩa về công nghệ GMO: “Genetically Modified Organism” (sinh vật biến đổi gen) - là những vật liệu di truyền đã được thay đổi nhân tạo trong phòng thí nghiệm thông qua kĩ thuật di truyền, công nghệ này nhằm tạo ra sự kết hợp vốn dĩ không thể xảy ra trong tự nhiên của cây trồng, động vật, vi khuẩn và gen của virus.
Thực phẩm GMO được hình thành từ quá trình lai giống cây trồng, vật nuôi không qua các phương pháp lai giống truyền thống. Công nghệ này giúp người nông dân không cần bỏ nhiều vốn vẫn có được lượng cây trồng, vật nuôi đạt năng suất cao. Thêm vào đó, việc ít sử dụng thuốc diệt cỏ và thuốc trừ sâu trong canh tác khiến không ít người tin rằng, đây là bước phát triển vượt bậc của công nghệ thực phẩm sạch.
Thực phẩm GMO có thực sự là cứu tinh nhân loại?
Ban đầu, khi được nghiên cứu, thực phẩm GMO mang nhiều mục đích tốt đẹp như: Mang lại cho người dùng các loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao hơn, nhiều tiện lợi như thời gian bảo quản lâu, không chứa chất gây dị ứng,… Các nhà khoa học đã tin rằng, công nghệ này sẽ giúp xoá bỏ nạn đói trên thế giới và góp phần bảo vệ môi trường do giảm việc sử dụng thuốc trừ sâu.
Tuy nhiên, ngay từ ngày đầu xuất hiện tại các siêu thị ở Anh vào năm 1996, rất nhiều tranh cãi xung quanh cà chua biến đổi gen đã khiến dư luận không khỏi hoang mang. Theo nghiên cứu trên chuột thí nghiệm, một vài đoạn gen chuyển của cà chua biến đổi gen đã gây hại cho chuột. Với nhiều nghi vấn chưa có lời giải đáp cộng thêm mối lo ngại của người dân, lệnh cấm thực phẩm biến đổi gen đã được ban hành ở toàn Châu Âu.
Ở Nhật Bản, ngay từ năm 1996, khi cây trồng biến đổi gen bắt đầu được phổ biến trên thế giới, người dân xứ sở hoa anh đào đã luôn giữ nguyên lập trường: “Nói không với GMO” - và đó là một trong những lý do khiến họ trở thành dân tộc có tuổi thọ cực kì cao, vì người dân Nhật luôn chăm sóc bản thân bằng thực phẩm lành mạnh và tự nhiên.
Năm 2014, đã có 26 quốc gia hoàn toàn cấm các sản phẩm biến đổi gen, 60 nước khác có quy định nghiêm ngặt về việc nuôi trồng, nhập khẩu các sản phẩm biến đổi gen hoàn toàn/biến đổi gen một phần.
Ở Châu Á, Thái Lan và Phillipines là hai ngọn cờ đầu trong phong trào chống GMO.
Theo xu hướng chung của thế giới, có vẻ như sản phẩm biến đổi gen hoàn toàn không phải một phát minh có lợi và nên được nhân rộng.
Tình hình thực phẩm GMO ở Việt Nam
Ở thị trường Việt Nam, theo công bố mới nhất, hiện nay hơn 90% lượng đậu nành nhập khẩu vào là giống biến đổi gen. Bản thân ngành nông nghiệp nước nhà cũng dự đoán, đến năm 2020, diện tích trồng các giống cây biến đổi gen là 30-50% diện tích đất nông nghiệp.
Thực phẩm GMO là lựa chọn yêu thích của giới nhà giàu bởi nhiều sản phẩm nhập khẩu, hình thức đẹp, ngon miệng, bắt mắt khiến không ít người tin rằng đó là thực phẩm sạch. Ngay cả thịt bò Úc, Mỹ,… cao cấp mà bạn tin dùng cũng phần nhiều xuất phát từ các quốc gia nuôi trồng bằng phương pháp GMO đấy.
Liệu bạn có nhận ra, bản thân và gia đình mỗi ngày vẫn sử dụng các thực phẩm GMO mà không hề hay biết.
Theo số liệu, mỗi năm Việt Nam phải nhập khẩu 100% đậu nành do sản lượng trong nước không đáp ứng đủ nhu cầu. Và 80-90% trong đó là thực phẩm GMO nhập từ các quốc gia canh tác GMO lớn như Mỹ, Ấn Độ, Argentina, Canada,… Nguồn nguyên liệu này chẳng những được chế biến thành nhiều món ăn yêu thích của người dân mà phần bã bỏ đi còn được dùng để làm thức ăn gia súc. Thế mới có chuyện lợn siêu nạc, bò sữa năng suất cao,…
Hiện tại, vẫn chưa có câu trả lời chính xác về tác hại của thực phẩm GMO. Tuy nhiên, phản ứng mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế với sản phẩm GMO là một trong những điều đáng lưu ý để người tiêu dùng cân nhắc hơn trong việc lựa chọn sản phẩm hàng ngày. Chúng ta cần có thêm hiểu biết về những gì mình đang sử dụng để không những có lợi cho bản thân mà còn tạo tiền đề phát triển tốt hơn cho con em mình.