Ngày 25/8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đoàn công tác có buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt của tỉnh Quảng Bình.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo tỉnh đề xuất nhiều vấn đề về phát triển kinh tế xã hội trong đó có phát triển du lịch. Tỉnh đề xuất bổ sung vào quy hoạch khu du lịch Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, xây tuyến cáp treo dài 5,2 km từ Km37 đường Hồ Chí Minh nhánh đông đến gần hang Én, hang động lớn thứ ba thế giới.
Theo Thủ tướng, Quảng Bình như một Việt Nam thu nhỏ, giàu truyền thống lịch sử, văn hóa, nhất là văn hóa bản địa đặc sắc. Tỉnh có thể tạo nên một làn “gió Đại Phong” mới cho du lịch Việt Nam, có thể là dấu ấn lan tỏa hình ảnh Việt Nam với một vẻ đẹp bất tận, là sứ mệnh của Quảng Bình đối với cả nước.
Về việc xây cáp treo, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho hay xung quanh đề xuất trên hiện có nhiều ý kiến tranh cãi. “Thủ tướng và các bộ ngành đồng ý về chủ trương nhưng yêu cầu làm đúng đúng quy trình để không ảnh hưởng đến kỳ quan thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng”, Thủ tướng phát biểu.
Thủ tướng đề nghị Bộ Văn Văn hoá, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với địa phương làm rõ các mối quan hệ, vị trí, đánh giá tác động, trả lời những câu hỏi liên quan để tạo điều kiện cho du khách chiêm ngưỡng khu vực này.
Thủ tướng nhấn mạnh việc giữ nguyên tắc không ảnh hưởng đến di sản thế giới nhưng đồng thời phải mở ra để khai thác chứ không phải chỉ đóng cửa. Quy hoạch cần tham khảo ý kiến UNESCO, các bộ ngành để sớm trình Thủ tướng xem xét quyết định.
3 năm trước, tỉnh Quảng Bình đưa ra thông tin đầu tư tuyến cáp treo từ Phong Nha vào cách cửa hang Sơn Đoòng 300 mét với dự toán kinh phí khoảng 3.000 tỷ đồng nhưng bị dư luận phản đối. Nhà đầu tư sau đó cũng xin rút dự án.
Năm 2015, Chính phủ đã phê duyệt đề xuất quy hoạch, mở rộng Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng đến năm 2030 nhưng không xây dựng cáp treo trong khu vực này.
Từ năm 2015 đến 2017, các tuyến du lịch vào Sơn Đoòng (hang động lớn nhất thế giới) và hang Én (lớn thứ 3 thế giới) được tỉnh Quảng Bình cấp phép khai thác bằng hình thức đi bộ thám hiểm xuyên rừng. Mùa mưa lũ, các công ty du lịch phải đóng cửa những tuyến du lịch này để đảm bảo an toàn cho du khách.
Riêng Sơn Đoòng, mỗi năm chỉ đón số lượng khách giới hạn từ 500-600 khách. Năm 2017, đơn vị lữ hành được phép khai thác đã đưa khoảng hơn 600 người vào kỳ quan có một không hai này.