Tối 15/10, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc xử lý ô nhiễm nguồn nước sạch sông Đà, báo cáo Thủ tướng trước ngày 25/10/2019.
Văn bản nêu rõ, trong những ngày gần đây, dư luận phản ánh có tình trạng nguồn nước bị ô nhiễm và việc cung cấp nước sạch từ Công ty cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà (Viwasupco) không đảm bảo chất lượng, ảnh hưởng đến đời sống của hàng vạn người dân khu vực Tây Nam TP Hà Nội.
Về việc này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có ý kiến chỉ đạo như sau: UBND tỉnh Hòa Bình chỉ đạo ngay Công ty cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà khắc phục sự cố, kịp thời cung cấp nguồn nước sạch, bảo đảm chất lượng cho nhân dân.
UBND TP Hà Nội, UBND tỉnh Hòa Bình có giải pháp kịp thời bổ sung, thay thế nguồn nước bị ô nhiễm, bảo đảm cung cấp đủ nước sạch, ổn định đời sống nhân dân khu vực trên.
Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các địa phương kiểm tra tình hình hoạt động của các nhà máy nước sạch trong cả nước để bảo đảm nguồn nước sạch, an toàn phục vụ nhân dân.
Bộ Công an khẩn trương điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ việc nguồn nước bị ô nhiễm và việc cung cấp nước sạch từ Công ty cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà không bảo đảm chất lượng, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Thủ tướng đề nghị các bộ, cơ quan khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ nêu trên, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 25/10/2019.
Sáng 16/10, đại diện Công ty Nước sạch Hà Nội cho biết, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố Hà nội về việc hỗ trợ cấp nước cho vùng ảnh hưởng sự cố cấp nước mặt sông Đà, từ 16h đến 21h (5 giờ đồng hồ) ngày 15/10, Công ty đã tiếp nhận trên 2000 cuộc điện thoại đề nghị xin hỗ trợ cấp nước.
Công ty đã huy động khẩn cấp 07 xe stec của Nước sạch Hà Nội và của Công ty Viwaco để trở cấp nước miễn phí đến cụm dân cư suốt đêm qua đến sáng nay. Bên cạnh đó, Công ty Nước sạch Hà Nội đã vận hành tối đa nguồn nước dự phòng, mở cửa 4 nhà máy nước sạch tại Mai Dịch, Hạ Đình, Pháp Vân và Trạm Quỳnh Mai để mọi người dân vào lấy nước tự do.
Tuyến ống TD D800 Pháp Vân- đường vành đai 3 được mở thông để cấp nguồn nước từ Công ty nước sạch Hà Nội sang khu vực bán Đảo Linh Đàm, Định Công, Đại Kim, Thanh liệt và một phần khu vực Khương Trung, Khương Đình giáp đường Nguyễn Trãi lượng nước cấp tăng trên 35.000 m3/ngày đêm.
Trong cuộc họp giao ban báo chí chiều 15/10, ông Lê Văn Dục - Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội thông tin, sáng 10/10, UBND TP Hà Nội nhận được tin báo phản ánh của một số người dân tại quận Hoàng Mai, Thanh Xuân, Hà Đông về việc nguồn nước sinh hoạt của người dân tại các khu vực Hà Đông, Thanh Xuân, Hoàng Mai… có mùi khét nồng nặc, có váng dầu.
Xác định đây là vụ việc đặc biệt nghiêm trọng, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã thành lập ngay một tổ công tác do đồng chí Giám đốc Sở Xây dựng là Trưởng đoàn, có sự tham gia của: Sở Y tế, Sở Tài nguyên và Môi trường, Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thành phố (thuộc sở Y tế), Công ty Cổ phần Viwaco, Công ty TNHH MTV nước sạch Hà Đông,… tổ chức thực hiện ngay một số việc như:
Tiến hành kiểm tra toàn bộ quá trình vận hành Nhà máy nước mặt sông Đà: Tại Hòa Bình các bể chứa nước trung gian, trạm bơm tăng áp, hệ thống đường ống truyền dẫn cấp nước của Nhà máy nước sông Đà, bao gồm cả khu vực hồ chứa nước mặt.
Đến nay, đoàn công tác bước đầu xác định tại khu vực đầu nguồn tại khe núi tại xã Phú Minh, Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình có dấu hiệu đổ dầu nhớt thải trộm. Chất thải dầu này đã chảy lan ra suối rồi chảy vào hồ Đầm Bài (là hồ chứa nước để cấp cho nhà máy).
Một số cán bộ của Công ty cổ phần đầu tư nước sạch Sông Đà (Viwasupco) có phát hiện việc này từ sáng ngày 08/10 nhưng đã không có bất cứ báo cáo nào với các cơ quan chức năng của tỉnh Hòa Bình, cũng như thành phố Hà Nội; Cũng không có bất cứ hành vi ứng cứu ngăn chặn ô nhiễm của nguồn dầu này theo quy định, mà cứ để mặc kệ, dẫn đến váng dầu này đã chảy vào nguồn nước qua hệ thống xử lý nước của nhà máy, rồi chảy vào hệ thống phân phối đến người dân ở các vùng Hà Đông, Hoàng Mai, Thanh Xuân.