Thông tin trên được bà Thủy chia sẻ tại hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện tiêu chí văn hóa giao thông đường bộ do Ủy ban ATGT Quốc gia phối hợp với Bộ VH-TT-DL tổ chức ngày 24/12.
Tại đây, bà Thủy kể lại câu chuyện bà đi xe máy và đường khá vắng. Gặp đèn đỏ bà dừng xe, nhưng có những ông đằng sau không dừng. Khi họ đi ngang qua bà thì mắng: “Đúng là con nhà quê, có ai đâu mà phải dừng“, bà Thủy kể.
Kể lại câu chuyện trên, bà Thủy đặt vấn đề: “Phải làm thế nào đó những người chấp hành pháp luật giao thông cảm thấy tự hào, người không chấp hành cảm thấy xấu hổ thì mới thành văn hóa ứng xử trong giao thông” - bà Thủy trăn trở.
Theo đó, bà Thủy cho biết, Quyết định 3500/2013 của Bộ này đã nêu chi tiết 9 tiêu chí văn hóa giao thông cụ thể và 5 tiêu chí theo nhóm các đối tượng người tham gia giao thông, chủ phương tiện, cơ quan quản lý, lực lượng xử lý vi phạm.
Qua 5 năm thực hiện, nhận thức và ý thức văn hóa giao thông của người tham gia giao thông được nâng lên, nhất là đối với thế hệ trẻ, góp phần giảm TNGT những năm qua.
Tuy nhiên, theo bà Thủy, hiện vẫn phổ biến tình trạng vi vi phạm ATGT liên quan đến ý thức như: phóng nhanh, vượt ẩu, chạy quá tốc độ, lấn làn…
Phát biểu tại hội nghị, Đại tá Đỗ Thanh Bình - phó cục trưởng Cục CSGT, cho rằng văn hóa giao thông phải tạo thành tổng lực để phê bình những cái vi phạm. Những người chấp hành luật giao thông tạo thành động lực để lấn át những người không chấp hành bỏ ý định vi phạm, để chấp hành tốt hơn.
Dẫn lại câu chuyện khi Tổng thống Mỹ Obama nói sau này có dịp trở lại Việt Nam sẽ học cách qua đường ở Hà Nội, ông Bình cho rằng, phải làm sao nâng cao ý thức của người tham gia giao thông cho tương xứng với tốc độ phát triển của phương tiện và tỷ lệ gia tăng của hạ tầng.
“Dù có đầu tư thêm nhiều phương tiện hiện đại, nhưng khi có đèn đỏ vẫn phải có CSGT thì người tham gia giao thông mới chấp hành. Điều này rõ ràng thể hiện văn hóa giao thông chưa tốt”, ông Bình chia sẻ.