Từ chuyện giả vờ bị ung thư xin rủ lòng thương đến chiêu bài bí mật đưa tiền để thay đổi kết quả xét nghiệm ADN
Gắn bó với Trung tâm Phân tích ADN và Công nghệ di truyền suốt 14 năm, cô Nguyễn Thị Nga (Giám đốc Trung tâm) đã chứng kiến biết bao câu chuyện vui buồn xung quanh tờ giấy thông báo kết quả. Dòng chữ kết luận có khi chỉ dài chưa đến một dòng nhưng lại chất chứa biết bao nhiêu câu chuyện vui buồn phía sau. Đôi khi, tờ giấy mỏng manh ấy lại có sức mạnh to lớn, làm thay đổi cuộc sống của không chỉ một mà rất nhiều người.
Có lẽ cúng chính vì lý do đó mà nhiều người tìm đến Trung tâm cô Nga khi đã biết trước kết quả và một mực dùng mọi cách với hy vọng có thể sửa trắng thay đen theo ý muốn của mình. Cách đây khá lâu, cô Nga từng tiếp một cặp đôi chênh lệch tuổi tác tới xét nghiệm. Nhìn dáng vẻ người phụ nữ bế theo con nhỏ, cô Nga đoán họ là nhân tình chứ không phải vợ chồng danh chính ngôn thuận.
Người phụ nữ đầu đội khăn rất giống bệnh nhân ung thư. Trông chị ấy có vẻ buồn, tiều tụy và suốt buổi, không nói lời nào. Lấy mẫu máu xong, cặp đôi bế theo đứa nhỏ ra về. Lúc này, người phụ nữ gọi điện ỉ ôi, than khóc với cô Nga và muốn cô thay đổi kết quả làm sao cho đứa bé được kết luận có quan hệ cha con với người đàn ông vừa đưa cô tới trung tâm vào buổi sáng.
“Cô ấy nói mình mang bệnh nặng, chẳng biết sống được bao lâu. Mọi thứ giờ đây đều trông cậy cả vào người đàn ông. Cô ấy chỉ mong làm sao thay đổi được kết quả để lỡ cô ấy mất đi, sẽ có người đủ điều kiện nuôi dưỡng đứa bé“, cô Nga nhớ lại.
Mặc dù nước mắt và những lời nói xúc động của người phụ nữ ấy đã khiến cô Nga thương cảm nhưng nói chuyện rất lâu qua điện thoại, cô Nga vẫn một mực khuyên chị ấy nên nói thật với người đàn ông. Cô tin rằng, nếu nói thật, biết đâu ông ấy vẫn vì thương mà giúp đỡ người phụ nữ.
“Khi thấy biện pháp than khóc không còn tác dụng, chị ta bắt đầu chuyển qua dọa nạt và nói nếu như kết luận đứa bé không phải là con của người đàn ông thì sẽ cho người đến đập phá trung tâm“, cô Nga kể tiếp.
Cứ ngỡ người phụ nữ bị ung thư nhưng đến lần thứ 2 gặp lại, cô Nga phát hiện tất cả chỉ là lừa dối. Người phụ nữ đó hoàn toàn khỏe mạnh và rõ ràng chỉ muốn diễn kịch để cô Nga đồng ý thay đổi kết quả xét nghiệm. Cầm tờ phiếu ghi rõ đứa bé không phải là con mình, người đàn ông vui ra mặt. Ông ta nói cô gái đó đang bắt ông chịu trách nhiệm và cung phụng tiền bạc hàng tháng. Kết quả này khiến ông trút bỏ được gánh nặng to lớn trong khi đó, người phụ nữ thì sa sầm nét mặt và tỏ ra vô cùng giận giữ.
“Nhìn vào sự vui mừng của người đàn ông, cô cũng thương chị này… Nhưng dẫu sao sự thật vẫn là sự thật và cô nghĩ người phụ nữ ấy không thể dối gạt người khác chỉ vì muốn đám bảo cuộc sống của mình. Với lại kết quả xét nghiệm thì không biết nói dối nên cô cũng không thể làm gì khác“.
Ngoài trường hợp dùng tình thương, chiêu trò dọa nạt để hòng đổi trắng thay đen, cô Nga còn từng gặp trường hợp khách hàng ứng xử rất khéo léo mà nếu không “cao tay” đáp trả thì có lẽ, Trung tâm sẽ gặp nhiều tai tiếng.
Cụ thể là có một cô gái người Việt kết hôn với chồng ngoại quốc và vì không có khả năng sinh con nên đã nhận con nuôi. Từ nước ngoài, người phụ nữ này gửi mẫu xét nghiệm về nước, đưa cho người thân ở Việt Nam và muốn cô Nga thay đổi kết luận làm sao để chứng minh, người con nuôi đó chính là con ruột của chị này.
“Từ bên đó, chị này gọi điện rất nhiều và khóc, nói rằng lý do không có con đã làm cuộc sống của chị bị đảo lộn, không hạnh phúc do gia đình nhà chồng phản đối chị. Cô đã khuyên chị đó nên nói ra sự thật nhưng chị ta không chịu“, cô Nga kể.
Khi nhận mẫu xét nghiệm, cô Nga thấy có phong bì kèm theo nhưng gia đình chị này tại Việt Nam giải thích rằng đó là tiền phí xét nghiệm. Tuy nhiên, lúc cô Nga mở phong bì thì thấy quá nhiều tiền bên trong và lập tức phải nghĩ cách xử lý.
“Cô nghĩ là nếu gọi người nhà chị này ở Việt Nam đến nhận lại thì họ chắc chắn sẽ không chịu. Vậy là cô phải để nhân viên bên trung tâm, lấy số khác gọi điện nói với họ có thư quan trọng của chị này gửi từ Pháp về, xin địa chỉ của họ để qua đưa trực tiếp. Rất may là sau bao nhiêu lo lắng, cuối cùng nhờ cách này, số tiền trên đã chuyển đến tay người nhà của họ. Lúc đó, cô ở Trung tâm mới thở phào an tâm“.
Sau khi dùng cách đưa tiền cũng không có tác dụng, người phụ nữ lại gọi điện và nói chuyện rất lâu để thuyết phục cô Nga. “Chị ấy nói sẽ cho cô rất nhiều tiền nhưng cô nói, nếu chị có nhiều tiền vậy thì có thể cho cô ít nhất vài chục tỷ để làm giả kết quả xong thì lập tác đóng cửa trung tâm. Nghe đến đây, người phụ nữ biết không có cách nào khác mới đành chấp nhận”.
Những cuộc đoàn tụ “như chưa hề có cuộc chia ly”
Làm việc ở Trung tâm phân tích ADN và Công nghệ di truyền nhiều năm, ngoài việc phải luôn giữ vững sự tỉnh táo để giải quyết những tình huống khó, cô Nga còn là người rất giàu tình cảm khi thường xuyên tận mắt chứng kiến những cuộc hội ngộ xúc động còn hơn cả phim Hàn Quốc.
Cô Nga nhớ lại từng có một chàng trai người Pháp gốc Việt từng đến trung tâm làm xét nghiệm khi đã hơn 30 tuổi. Từ sân bay, anh chàng này lao đến thẳng trung tâm làm xét nghiệm nhận người thân và cả nhà cùng ngồi đợi suốt 3 tiếng. Khi có kết quả, tất cả đều khóc vì sau hơn 30 năm, người con được cho đi từ khi mới sinh ra cũng tìm lại được cha ruột.
“Anh ấy đi tìm cha mẹ suốt nhiều năm. Khi nghi ngờ mình là người Việt Nam, anh đã thông qua rất nhiều đoàn du lịch và cuối cùng cũng tìm được. Hôm đó, chính anh hướng dẫn viên đã dẫn anh ấy đến trung tâm cô làm xét nghiệm“.
Ngoài trường hợp tìm thấy nhau từ cách xa hơn nửa vòng trái đất, cô Nga cũng từng gặp nhiều trường hợp xúc động khác. Có nhiều người mắc bệnh vô sinh thứ cấp, trước khi lấy vợ, họ từng có quan hệ với bạn gái và có con mà không hề hay biết.
“Cô đã từng gặp tình huống như thế và người đàn ông khi hỏi thăm tin tức từ bạn bè, biết được người con đang đi tìm mình. Lúc đó, đứa trẻ ở trại trẻ mồ côi cũng đang đi tìm cha và cuối cùng, họ cũng gặp lại nhau“.
Cuộc gặp mặt nào sau nhiều năm xa cách cũng đều xúc động đầy nước mắt. Tuy nhiên chặng đường để hòa hợp và xây đắp tình cảm giữa người thân thì bao giờ cũng cần thời gian. Ở trung tâm phân tích ADN, những câu chuyện buồn vui diễn ra từng ngày và những người như cô Nga giống như cầu nối giúp mọi người tìm lại sự thật bị chôn vùi sau nhiều năm.
“Làm công việc này vui buồn nhiều, căng thẳng, áp lực cũng có… nhưng thực sự mỗi khi nghĩ đến những cuộc đoàn tụ của người thân ruột thịt cô lại thấy những gì mình đang làm rất ý nghĩa. Trước đây, cô từng tài trợ xét nghiệm ADN miễn phí cho chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly” và bây giờ vẫn sẵn lòng giúp đỡ những trường hợp khó khăn...”, cô Nga vừa nói vừa chăm chú nhìn vào những tờ kết quả xét nghiệm.
Tiếng cô Nga vừa ngừng, không gian xung quanh bỗng im bặt, ai nấy đều chuyên tâm với công việc bởi có hàng trăm ca xét nghiệm vẫn đang chờ họ giải quyết. Mỗi trường hợp lại là một câu chuyện vui buồn rất riêng mà chắc chắn, một người thiếu kiên nhẫn sẽ chẳng thể đủ sức nghe và giải quyết trọn vẹn suốt 14 năm như cô Nga.