Ngày 17/5, TAND TP.Hòa Bình tiếp tục phiên tòa xét xử bị cáo Hoàng Công Lương (32 tuổi, bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện (BV) đa khoa tỉnh Hòa Bình) và 2 bị cáo khác trong vụ án thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng và vô ý làm chết người xảy ra tại BV đa khoa tỉnh Hòa Bình.
Đề xuất thay 4 nhưng chỉ thay 2 màng lọc
Tại tòa bị cáo Bùi Mạnh Quốc (nguyên giám đốc công ty Trâm Anh) khai, lâu nay chỉ làm việc với công ty Thiên Sơn, do đó báo lại cho công ty này, còn việc Thiên Sơn bàn giao cho ai trong bệnh viện thì không biết.
Quốc cho biết, nếu chạm đến màng lọc, sau sửa chữa sẽ cần có chứng nhận AAMI, khi đảm bảo mới bàn giao lại cho Thiên Sơn.
Quốc cũng xác nhận lại lời khai trước đó 1 ngày rằng ông Đỗ Anh Tuấn, Giám đốc công ty Thiên Sơn nói có thể lấy xét nghiệm sau vì cần 10-15 ngày mới có kết quả trong khi bệnh nhân nhiều, không thể chờ.
Bị cáo Quốc cũng cho biết, khi báo cáo xem xét, bị cáo đề xuất thay cả 4 màng lọc RO. Nếu thay cả 4 màng lọc thì không cần dùng axit để sục rửa 2 màng cũ.
Công ty Trâm Anh báo giá cho Thiên Sơn hơn 49 triệu đồng là giá thay 2 màng lọc, nếu thay cả 4 màng lọc thì mất thêm khoảng 10-12 triệu đồng nữa. Như vậy, nếu thêm 12 triệu nữa là cứu được 8 mạng người.
Bị cáo Quốc cũng thừa nhận, không biết việc công ty Thiên Sơn bán lại 100% gói thầu cho mình là vi phạm luật Đấu thầu (theo đúng quy định, không được bán cho nhà thầu phụ quá 10% gói thầu).
Đồng hồ kiểm tra của BV bị hỏng mà không biết
Trong suốt 3 ngày thẩm vấn, bị cáo Bùi Mạnh Quốc nhiều lần khai nhận bản thân không có chuyên môn về y tế mà chỉ làm theo kinh nghiệm. Bị cáo đã có 12 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực này. Bị cáo khai, đã từng lắp đặt, bảo dưỡng nhiều hệ thống lọc thận của nhiều bệnh viện trên cả nước.
Quốc cũng khai nhận, trong suốt 12 năm làm việc, đều sử dụng axit HCL và HF để sục rửa màng lọc RO bám nhiều cặn trong khi đây là 2 hoá chất không được phép dùng trong y tế, dùng nước Javel để tiệt trùng đường nước.
Sau tiệt trùng, xử lý, bị cáo sẽ căn cứ theo chỉ số trên đồng hồ đo độ kiểm soát dẫn điện, nếu trong ngưỡng cho phép là an toàn.
Trước đó bị cáo Trần Văn Sơn, cán bộ phòng Vật tư của BV khai, sáng 29/5 có cùng Quốc đến đơn nguyên thận nhân tạo kiểm tra đồng hồ 1 lần nữa và thấy đồng hồ hiển thị chỉ số trong ngưỡng cho phép. Lâu nay, ngoài dựa vào đồng hồ đo độ dẫn điện, không có công cụ nào khác để kiểm tra.
Trả lời luật sư bào chữa cho mình, bị cáo Quốc khai, hoá chất sử dụng tại BV đa khoa tỉnh Hoà Bình trong sự cố ngày 29/5 từng được dùng nhiều, đã làm đủ các bước như những lần trước đó tại nhiều bệnh viện và chưa từng có sai sót, nguyên nhân khiến bệnh nhân chết là vì còn tồn dư hoá chất nhưng vì đồng hồ đo độ dẫn điện báo sai nên bị cáo không biết.
Sau này, khi Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an lên giám định mới biết đồng hồ có chỉ số sai lệch rất cao.
Bị cáo Quốc khẳng định, đồng hồ bị hỏng hóc, sai chỉ số thì thuộc trách nhiệm của bệnh viện. Đồng hồ là trang thiết bị của BV. Tất cả vật tư, trang thiết bị của BV thì đều thuộc kiểm soát của BV.
LS Nguyễn Danh Huế, đại diện cho ông Đỗ Đình Vận, Phó giám đốc BV đa khoa tỉnh Hoà Bình cho biết về trách nhiệm quản lý đồng hồ nói trên thuộc trách nhiệm của phòng Vật tư. Tất cả những trang thiết bị y tế của bệnh viện giao cho phòng Vật tư quản lý nên trách nhiệm cao nhất thuộc về ông Thắng- trưởng phòng. Tuy nhiên ông Thắng đã có đơn xin xử vắng mặt.