17 tuổi nhận tin mình chỉ còn sống được 4 tháng
Cậu thiếu niên 17 tuổi được gia đình đưa vào viện khám vì ngày càng nhiều vết bầm tím, da nhợt nhạt chưa rõ lý do.“Chắc là do hay chơi thể thao nên bầm tím nhiều, nhợt nhạt do thiếu máu”, cậu thiếu niên bảnh bao tự nhủ.
Từ phòng xét nghiệm, bác sĩ đi ra vẻ mặt nghiêm trọng: “Tiểu cầu còn ở mức 11, thông thường mức 20 là phải nhập viện cấp cứu khẩn”.
Gia đình cuống cuồng đưa cậu đến Viện Huyết học tryền máu Trung Ương cấp cứu, xét nghiệm tủy. “Ung thư thể M3, chỉ số tiểu cầu thấp, tình trạng rất xấu. Thời gian chỉ còn 4 tháng”, người mẹ bật khóc nức nở sau câu nói của bác sĩ tại một góc phòng bệnh.
Nghe tin từ mẹ, cậu thiếu niên có chút hụt hẫng, có buồn nhưng chẳng khóc, động viên gia đình cố gắng vượt qua.
Hơn 1 tuần sau, người ta xét nghiệm chuyên sâu. Kết quả xác định trong số gần 20 thể bệnh ung thư máu, cậu thiếu niên vẫn may mắn khi rơi vào thể duy nhất có thuốc điều trị.
3 năm sau, chúng tôi liên hệ với Khôi Nguyên (SN 2003), cậu thiếu niên 17 tuổi ngày nào đã chững chạc, thậm chí “dễ hạnh phúc” hơn nhiều.
Chống chọi kiên cường với bạo bệnh
Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, Khôi Nguyên là con cả trong gia đình có 2 anh em. Cuộc sống êm đềm, hạnh phúc kéo dài cho đến khi phát hiện ra bệnh vào đầu năm 2020.
Sau khi làm các thủ tục xét nghiệm, Khôi Nguyên được chuyển đến Khoa Hóa trị - Viện Huyết học Truyền máu Trung Ương và bắt đầu chuỗi ngày hóa trị kéo dài 4 tháng.
Do gia đình, họ hàng đều ở Hà Nội nên mọi người thay phiên nhau vào chăm sóc. Đau đớn, mệt mỏi vì bệnh tật nhưng Khôi Nguyên vẫn lạc quan, cậu cũng không tâm sự gì nhiều với mọi người để tránh người thân phải lo lắng thêm.
Sau 4 tháng, Khôi Nguyên được ra viện điều trị ngoại trú, uống thuốc để duy trì và đi khám định kỳ hàng tháng.
“Thời gian ấy đang là đợt dịch bệnh Covid-19 nên mình vẫn học online, do vậy mình vẫn duy trì việc học, ra trường đúng hạn và ôn thi đại học vào đúng năm”, Khôi Nguyên tâm sự.
Khi ấy, còn 4 tháng để Khôi Nguyên ôn thi căn bản: “Đến khi đó mình mới học lại toàn bộ vì trong thời gian điều trị mình không học được gì.
Mình tự học lại mọi thứ từ đầu. Khi ấy, điểm học bạ của mình cũng khá cao, gửi học bạ vào Trường Đại học Phenikaa, số điểm của mình cũng đạt mức học bổng của trường. Điểm thi đại học đạt 25 điểm, mình khá tự hào về điều đó".
Sau cùng, Khôi Nguyên theo học Ngành Quản Trị nhân lực tại Trường Đại học Phenikaa.
Ra viện được 2 năm, đến cuối năm 2022, Khôi Nguyên đi khám phát hiện bệnh lại tái phát.
“Khi ấy mình cũng chuẩn bị tâm lý để điều trị đợt tiếp theo nhưng khi ấy thuốc ở viện cũng không còn đầy đủ để cung ứng điều trị. Bệnh này không chờ thuốc được lâu và nếu thuốc có về thì cũng không được đầy đủ nên bác sĩ điều trị tư vấn gia đình nên đưa đến Singapore để điều trị”, Khôi Nguyên nói.
Tìm hiểu được biết chi phí điều trị bên nước ngoài rất cao, trọn gói 6 tháng điều trị là gần 5 tỷ đồng. Chi phí ăn ở riêng bên ngoài khoảng 40 – 50 triệu đồng/tháng.
Lúc đầu, Khôi Nguyên không muốn đi bởi lo nghĩ và muốn tiết kiệm tiền vì gia đình không quá dư dả. Thế nhưng bố Khôi Nguyên nhất quyết yêu cầu con trai phải tập trung điều trị bệnh, sau cùng được bạn bè họ hàng, người thân cùng giúp đỡ nên Khôi Nguyên yên tâm hơn.
Từ tháng 12/2022, gia đình bắt đầu đưa Khôi Nguyên đến Singapore điều trị. Tại đây, một tuần sẽ có 2 buổi đến bệnh viện điều trị, mỗi buổi kéo dài 3 tiếng. Sau đó sẽ về nhà thuê ở bên Singapore để nghỉ ngơi.
“Bình thường, mình không chia sẻ câu chuyện của bản thân đến với quá nhiều người. Những nỗi buồn mình cũng không hay chia sẻ mà tự suy nghĩ, trò chuyện với bản thân.
Dần dần, mình cũng cảm thấy thoải mái nhẹ nhõm hơn, mình luôn nhìn mọi thứ theo chiều hướng tích cực. Mình không quan trọng sẽ sống được bao lâu nữa, quan trọng rằng trong khoảng thời gian còn lại, mình sẽ làm những gì, mình tạo ra được những giá trị gì”, Khôi Nguyên tâm sự.
Cuộc sống của mình đơn giản và dễ hạnh phúc hơn
“Lúc bác sĩ thông báo bệnh, mình cũng buồn chứ. Khi ấy cảm thấy tiếc, tiếc vì mình còn nhiều dự định, nhiều hoài bão chưa thực hiện được.
Sau đấy nghĩ lại cũng chấp nhận, tự nhủ rằng số phận đã như vậy rồi, giờ bác sĩ nói thế cũng khó thay đổi được nên sẽ cố gắng sống lạc quan vui vẻ nốt thời gian còn lại. Mình đã động viên bố mẹ rất nhiều”, chàng sinh viên tâm sự.
Với Khôi Nguyên, căn bệnh đã lấy đi rất nhiều thứ nhưng nam sinh viên luôn nhìn ở mặt tích cực và thấy rằng căn bệnh cũng mang lại nhiều điều. Từng đối diện với “cửa sinh tử”, Khôi Nguyên nhận ra cuộc sống này ngắn ngủi, từ đó biết trân quý mọi thứ hơn.
“Mình cảm nhận được suy nghĩ của mình trưởng thành hơn nhiều. Cách nhìn nhận cuộc sống và trân trọng những giá trị cốt lõi. Giờ mình nhìn cuộc sống đơn giản hơn, dễ cảm thấy hạnh phúc từ những điều đơn giản.
Khi đối diện với cửa sinh tử, mình thấy cuộc sống này ngắn lắm. Mình cảm thấy nên trân trọng từng phút giây vì không biết lúc nào quãng thời gian của mình không còn nữa.
Hãy yêu thương bản thân mình hơn, trân trọng những điều nhỏ xung quanh những khoảnh khắc vui vẻ, trân trọng bạn bè, người thân, gia đình của mình, trân trọng những gì mình đang có”, nam sinh viên chia sẻ.
Nam sinh viên cho rằng, đối với những người không may mắn mắc bạo bệnh như mình, nếu cứ chìm đắm vào những cảm xúc tiêu cực, không khác gì mình tự chôn vùi bản thân mình.
"Khi mình tiêu cực quá thì phần tinh thần của mình nó đã chết trước rồi. Mình thường tự nhắn nhủ, dù cho khoảng thời gian còn lại không còn được nhiều nhưng tội gì mình không vui vẻ lạc quan, gửi những lời yêu thương, tình yêu thương của mình đến với những người xung quanh.
Khoảng thời gian còn lại ấy nó sẽ hết sức ý nghĩa và vô cùng xứng đáng, sẽ hơn là cứ ủ rũ, buồn bã thì bệnh tình cũng sẽ tệ hơn”, Khôi Nguyên tâm sự.
Đặt mục tiêu ngắn, tiếp tục theo đuổi đam mê
Khôi Nguyên yêu thích công việc sáng tạo nội dung trên mạng xã hội từ khi còn nhỏ. Thế nhưng, nam sinh viên chưa từng dám thực hiện vì nhiều rào cản tâm lý và thời gian.
“Đến khi sang Singapore điều trị bệnh, có nhiều thời gian rảnh, ngoài đi điều trị, mình còn học và làm những điều mình thích. Sau khi mình làm mấy video lên Tiktok, mọi người tương tác nhiều.
Mình bắt đầu nghiêm túc hơn với công việc làm Tiktok. Nhiều người bảo bệnh ung thư có gì tự hào đâu mà lôi lên kể, nhưng mình nghĩ khác. Mình làm bởi vì mình muốn lan tỏa sự tích cực của bản thân.
Mình chấp nhận nó như một phần cuộc sống của mình và mình thấy việc đó không có gì phải xấu hổ mà không đưa lên, cũng cảm thấy mình rất tự hào khi mình chiến đấu được với nó.
'Chân dài' 28 tuổi cầm đầu đường dây đánh bạc 2.600 tỉ đồng, gần 4.000 người tham gia
Do vậy, mình muốn lan tỏa năng lượng tích cực đến với mọi người đặc biệt là những người như mình để mọi người có thêm động lực chiến đấu tiếp với bạo bệnh", Khôi Nguyên nói.
Từ lúc mắc bạo bệnh, Khôi Nguyên đặt ra những mục tiêu ngắn cho bản thân vì sợ rằng thời gian không có nhiều. Mục tiêu đầu tiên là chữa khỏi bệnh để về Việt Nam tiếp tục chương trình học tập. Sau đó, Khôi Nguyên sẽ tiếp tục sáng tạo nội dung trên mạng xã hội để những video của anh chàng sẽ lan tỏa năng lượng tích cực đến với nhiều người hơn.
Mời đọc giả xem thêm: Cuộc sống hậu nghỉ chơi của bộ ba: Khoa Pug, Vương Phạm, Johnny Đặng