Những ngày gần đây, ở Hà Nội, dường như chủ đề được quan tâm nhiều nhất chính là hương hoa sữa. Trên mạng, người ta thi nhau gào thét, than thở về nỗi bức xúc, mệt mỏi do mùi thơm quá đậm đặc của nó gây ra. Thậm chí, có người còn kiến nghị thành phố nên chặt hoặc tỉa bớt hoa sữa để họ đỡ phải chịu khổ.
Khi mà dân tình đang sục sôi vì cùng chung nỗi bức xúc, không ít người lại cho rằng, hoa sữa không phải là thủ phạm khiến người Hà Nội “điên đầu” lên như thế. Có một góc nhìn khác của nhà báo Trương Anh Ngọc (báo Thể thao Văn hóa - Thông tấn xã Việt Nam) rất đáng để mọi người suy ngẫm.
Đừng đổ lỗi cho hoa sữa khi nó không phải là tác nhân khiến chúng ta đau đầu
Tôi nhớ có lần bị một ông em phàn nàn là “nước hoa của anh thơm quá, nhức hết cả mũi”. Tôi phì cười vì một chi tiết: ông em bị hôi nách nặng, hắn ngửi mùi nách của chính hắn quá quen rồi, nên không chịu nổi nước hoa.
Hà Nội là một đô thị ngày càng quá tải và ô nhiễm bậc nhất. Ô nhiễm ở đây là ô nhiễm về tiếng động, về không khí, ô nhiễm cả về văn hóa sống. Khi mà không gian sống thực tế của chúng ta đang ngày càng co lại, khi mà người dân ngày càng trở nên bức xúc hơn vì vô vàn những điều bất cập khác liên quan đến tổ chức giao thông, vệ sinh an toàn thực phẩm đang ở mức báo động thì hoa sữa, có lẽ chỉ là một tác nhân nhỏ gây nên nỗi bức xúc.
Một đô thị lớn như thế là một tổ hợp của không biết bao nhiêu là thứ mùi khiến người ta khó chịu: mùi khói từ các phương tiện giao thông; mùi của cống rãnh và rác thải vứt đầy đường; mùi của những quán ăn, nhà hàng; mùi của chính những con người đang sống trong đó, hàng triệu người như thế.
Là người sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, có lẽ hoa sữa chính là sợi dây duy nhất còn lại kết nối giữa tôi với Hà Nội của những ngày trước, khi nó không ồn ào, hỗn độn, huyên náo và ô nhiễm trầm trọng như bây giờ. Nó là thứ Hà Nội nhất trong số những gì tôi đang thấy ở thành phố vào lúc này, và chính là thứ mà tôi nhớ nhất về Hà Nội trong nhiều năm ở nước ngoài.
Tôi không bảo vệ hoa sữa và nói cần phải gìn giữ nó như là một kỷ vật của Hà Nội, mà chỉ nói, hãy biết cách trân trọng nó. Nếu quá nhiều mùi hoa sữa có thể gây ra phiền toái cho mọi người thì cần phải nhìn lại tại sao người ta lại trồng quá nhiều cây hoa sữa trong một không gian, một con phố như thế?
Ngày xưa, các cụ rất thông minh và rất nhã khi chỉ trồng một số lượng nhất định trên những tuyến phố đã từng đi vào thơ và nhạc, chứ không trồng theo kiểu đại trà và thiếu hiểu biết như ở một số khu phố mới như bây giờ.
Chúng ta đang chết chìm vì quá nhiều sự ô nhiễm, quá nhiều mùi khó ngửi nhưng vì sao lại chỉ lên án mình hoa sữa?
Cây hoa sữa không có lỗi. Nếu có lỗi, thì trách nhiệm ấy đang thuộc về chúng ta. Tại sao một cây hoa có mùi thơm thoang thoảng và từng được coi là nét đẹp riêng của Hà Nội lại đang trở thành nỗi ám ảnh, bị nhiều người kỳ thị? Rắc rối này do ai, là do con người hay bởi vì hoa sữa?
Ở TP này, chúng ta đang bị quá tải vì vô vàn thứ ô nhiễm, từ môi trường cho đến văn hóa sống. Chẳng hạn đi ngược chiều và vượt đèn đỏ hình như đang trở thành một môn thể thao đại chúng; chuyện xả rác ra đường, hè phố hoặc các ngõ phố là chuyện cơm bữa; chuyện đối xử với nhau ngày càng tệ đi và làm ô nhiễm văn hóa sống. Những vấn đề ấy thậm chí còn nghiêm trọng hơn và tình trạng ô nhiễm tứ phía mà ta đang đối mặt còn kinh khủng hơn nhiều so với mùi hoa sữa.
Thế nhưng, chúng ta lại không tập trung vào việc giải quyết những nỗi bức xúc kể trên hoặc thậm chí, còn đang làm cho trở nên tồi tệ hơn. Tôi không thấy mấy người ca cẩm hoặc đề xuất việc phải làm thế nào đó để mọi chuyện đáng ra phải tốt đẹp trở nên tốt đẹp hơn. Tôi chỉ đang thấy mọi người dành quá nhiều thời gian than vãn vì hương hoa sữa.
Đúng là hoa sữa có thể gây đau đầu. Quá nhiều hoa sữa có thể dẫn đến nhiều rắc rối với những người có vấn đề về hô hấp. Nhưng dù sao mùi đó còn dễ chịu hơn nhiều lần mùi cống rãnh và rác thải. Vấn đề của nhiều người ở Hà Nội là bây giờ, cái mũi của họ đang quá tải vì ô nhiễm môi trường sống. Một không gian lớn rộng hơn, với mật độ dân số ít hơn, thiên nhiên hài hòa và được tôn trọng hơn, chắc chắn tốt hơn nhiều so với hiện tại.
Ở Châu Âu, cứ đến mùa xuân, nhiều người kêu trời vì dị ứng phấn hoa. Đấy là thời điểm mà hoa thụ phấn. Nhiều khi có thể nhìn thấy phấn hoa bay đầy trời, trong không khí. Nhưng tôi chưa thấy ai nói là vì dị ứng phấn hoa mà phải chặt hết cây đi cả. Và nếu ngày nào đó Hà Nội cũng được như thế, chắc chẳng ai nêu quan điểm phải chặt hết hoa sữa?
Các thủ đô ở Châu Âu có rất nhiều cây xanh, có rất nhiều công viên, những cánh rừng. Khi tôi sống ở Ý, ngay đằng sau nhà tôi là một công viên khổng lồ, rộng lắm, nơi mà mọi người chạy nhảy, đi dạo, tập thể thao hàng ngày. Môt không gian sống tốt phải là những không gian như vậy, khi con người và thiên nhiên hài hòa với nhau. Hà Nội không phải là nơi như vậy.
Mỗi năm hoa sữa chỉ nồng lên một thời gian ngắn rồi sẽ tàn, nhưng những thứ mùi, các loại bụi bẩn, những thứ gây ô nhiễm khác và cuộc sống tùy tiện, thiếu ý thức của người dân thì quanh năm, và có lẽ đang ngày càng trầm trọng hơn.