Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sắc màu cuộc sống

Thầy giáo phanh phui gian lận thi ở Hà Giang: Tôi nhận nhiều đe dọa

Theo Tiền Phong Theo dõi Saostar trên google news

“Tôi giờ vẫn còn rất nhiều lo lắng... Có rất nhiều đe dọa, có thể đó không phải đe dọa từ những người trong cuộc mà cả những người không liên quan nhưng họ cứ đe dọa”- Thầy giáo Vũ Khắc Ngọc chia sẻ.

Gian lận thi cử ở Hà Giang và giờ là Sơn La, Lạng Sơn đang khiến dư luận xôn xao vì tính chất nghiêm trọng của nó. PV Tiền Phong đã có cuộc phỏng vấn với thầy giáo Vũ Khắc Ngọc, một trong những người đầu tiên đưa gian lận ở Hà Giang ra “ánh sáng”.

Không ngờ phức tạp thế

PV: Sao Thầy lại chọn Hà Giang là tỉnh để tố cáo tiêu cực đầu tiên?

Học sinh phản ánh rất nhiều với tôi. Tuy nhiên, từ câu chuyện thí sinh phản ánh cho đến việc chứng tỏ có gian lận hay không thì lại là con đường rất dài. Chúng tôi chọn Hà Giang vì trên dữ liệu điểm thi của tỉnh này nó thể hiện rõ rệt những nghi ngờ gian lận.

Thầy Vũ Khắc Ngọc.

Tôi nghĩ đến thời điểm này, việc tỉnh nào có sai phạm hay không thì chịu sự giám sát của toàn xã hội chứ không là một vài cá nhân nữa. Trách nhiệm làm rõ do Bộ GD&ĐT, Bộ công an và sự xem xét toàn xã hội rồi.

PV: Thầy có thể chia sẻ một chút về việc phát hiện và tố cáo về điểm thi bất thường ở Hà Giang?

Thực ra, sai phạm ở Hà Giang có nhiều học sinh tố giác, tố cáo và không hẳn họ tố cáo với chúng tôi vì các bạn đó còn chia sẻ nhiều thầy cô khác, thậm chí các thầy cô đó còn công khai trên mạng xã hội. Khi đó, có nhiều comment còn nói là sự việc này sẽ “chìm xuồng”. Chúng tôi có khác họ là có tập hợp, phân tích dữ liệu sau đó đưa ra những nghi vấn về gian lận điểm thi.

PV: Lúc đầu tố cáo tiêu cực ở Hà Giang, anh có nghĩ tiêu cực, gian lận trong thi cử ở các địa phương sẽ phức tạp như hiện nay?

Chắc chắn là tôi không nghĩ đến.

PV: Các Thầy có nhận được những tin nhắn đe dọa không?

Có rất nhiều đe dọa, có thể đó không phải đe dọa của những người trong cuộc mà những người không liên quan, nhưng họ cứ đe dọa thế thôi.

PV: Hiện tại, khi sự việc đã đúng là có gian lận trong điểm thi THPT quốc gia. Thầy có thể chia sẻ, cảm xúc của Thầy lúc này như thế nào?

Trước khi tố cáo chúng tôi cũng lo lắng và thời điểm này vẫn hết sức lo lắng khi vụ việc đang còn “nóng” hơn. Lo lắng ở chỗ, vụ việc ở Hà Giang, Sơn La mình là người cung cấp nhân chứng cũng như cung cấp số điện thoại của những phụ huynh, học sinh lên tiếng tố cáo, những người địa phương dẫn đường để phanh phui tiêu cực.

Thầy Ngọc cùng 2 thầy phát giác tiêu cực thi cử ở Hà Giang. Ảnh: Nguồn Internet

Có nên chấm lại bài trắc nghiệm ở Sơn La

PV: Thầy có thể cho ý kiến về gian lận ở Sơn La vừa được kết luận trong trưa nay?

Ở Sơn La đã dùng những biện pháp tinh vi nhất mà trước khi tố cáo chúng tôi đã từng tính tới. Thực ra, trước khi Hà Giang xảy ra chúng tôi đã nghĩ những khả năng người ta có thể can thiệp vào bài thi như thế này nhưng chúng tôi đã không muốn đưa thông tin ấy lên vào thời điểm đó vì như thế là sẽ “vẽ đường cho hươu chạy”.

PV: Dư luận cho rằng, Bộ GD&ĐT là sẽ phải chấm lại toàn bộ bài thi trắc nghiệm. Ý kiến của Thầy về vấn đề này như thế nào?

Theo tôi, với cả nước thì việc này là rất khó và đương tối phức tạp. Bây giờ chấm lại toàn bộ bài trắc nghiệm thì ai là người chấm vì nhân sự của Bộ thì không đủ để đảm bảo còn nếu địa phương chấm thì sẽ không khác gì cả.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cũng đã ra thông báo là các tỉnh tự rà soát để báo cáo nhưng để các tỉnh tự rà soát sẽ rất khó để đạt được kết quả. Tôi nghĩ, kể cả trường hợp Sơn La thì ông Mai Văn Trinh trong trường hợp này đã phải cố hết sức mình, rất quyết liệt thì mới hoàn thành nhiệm vụ. Sai phạm rất tinh vi thì phải là người rất có trách nhiệm, quyết liệt mới chỉ ra được những sai phạm như thế.

PV: Còn riêng với Sơn La, theo Thầy có nên chấm lại bài thi trắc nghiệm hết không?

Riêng Sơn La để xác định được đúng phạm vi và tính chất nghiêm trọng của sự cố này thì vẫn nên chấm lại. Tất nhiên, chúng ta có thể khoanh vùng bài thi từ 7 điểm trở lên thì nên chấm lại. Có như vậy mới đủ khả năng vì chấm lại còn khó hơn nhiều với Hà Giang vì dữ liệu gốc của bài thi trước khi scan và bài sau này đã khớp rồi thì rất khó phát hiện ra.

Thậm chí, theo tôi, việc xác định bài thi nào có can thiệp thực sự thì phải có trưng cầu giám định của viện khoa học hình sự, Bộ công an.

Muốn sự việc đi đến tận cùng

PV: Thầy có mong muốn Bộ GD&ĐT sẽ làm đến cùng để tìm ra sự thật?

Tôi có. Tôi mong muốn làm đến cùng. Vì chỉ khi làm đến cùng là cách tốt nhất để trả lại niềm tin cho dư luận xã hội. Tôi cho rằng, nếu mình thực sự công tâm, nghiêm túc thì nên chân thành chia sẻ với báo chí cho dù đó là những câu hỏi khó. Có như vậy mới thực sự bản lĩnh, lấy lòng tin được của dư luận chứ bây giờ nhiều thứ còn né tránh quá.

Ví dụ, vụ việc Sơn La hôm qua chẳng hạn. Dư luận đang được hào hứng đón nhận thông tin rồi lại bị báo là hoãn cuộc họp báo ; rồi để đến phút chót lại thay đổi. Nếu không có diễn biến sau đó thì vụ việc này sẽ còn căng thẳng hơn nữa.

PV: Cá nhân Thầy có thất vọng về kết luận vụ việc ở tỉnh Lạng Sơn không?

Vụ việc ở Lạng Sơn rất khó nói vì việc kết luận đúng đến đâu, kết luận có sai phạm hay không là của cơ quan điều tra, Bộ GD&ĐT mới có thể kết luận được. Tiêu cực là tình trạng chung chứ không phải riêng tỉnh nào của Hà Giang, Điện Biên, Lai Châu, Lạng Sơn hay Sơn La nữa.

Dư luận có quyền nghi ngờ Bộ GD&ĐT?

PV: Gần đây, dư luận có lên tiếng về việc phổ điểm ở Kon Tum, Điện Biên, Lai Châu đều có những bất thường? Theo Thầy, Bộ GD&ĐT có nên xác minh ở những tỉnh này để có câu trả lời chính xác?

Thực sự hiện nay rất nhiều người đã chỉ ra những bất thường ở Điện Biên, Lai Châu, Hòa Bình,..là tương đối rõ rệt. Tôi nghĩ, ngay từ khi có kết quả của tỉnh Hà Giang thì lòng tin vào một kỳ thi nghiêm túc rất thấp rồi cho nên ít nhất Bộ Giáo dục phải giải quyết những nơi mà có dư luận phản ánh có nghi vấn đã. Và nghi vấn tại các tỉnh này là những con số khá lớn, trên diện rộng thì phải tập trung vào nó thay vì đi các tỉnh Lâm Đồng, Bạc Liêu. Việc Bộ GD&ĐT chấm thẩm định ở những địa phương này khiến người ta khó hiểu.

Những địa phương không có phản ánh về tình trạng gian lận, vì thế, khiến người ta nghi ngờ động cơ khi đến các địa phương đó. Có những người còn cho rằng, Bộ GD&ĐT cố tình làm như vậy để chỉ ra trên cả nước vẫn có những địa phương trong sạch, không dính đến gian lận.

Xin cảm ơn thầy!

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Theo Tiền Phong

Được quan tâm

Tin mới nhất
HLV Kim Sang Sik chưa an tâm