23 giờ, 22/3. Thằng Kiệt vẫn còn gọi face-time cho nội. Thằng bé lon ton xếp lại bộ đồ, con rô-bôt vô túi xách, nhõng nhẽo: Ngày mai con đi Vũng Tàu rồi, đêm nay con hổng nói chuyện với nội nhiều đâu.
Đó là cuộc nói chuyện ngắn ngủi của bà Ly với đứa cháu trai, mỗi đêm. Qua chiếc điện thoại nhỏ xíu xiu, bà vẫn hay cười cười nhìn thằng bé ăn, ngủ, lăng xăng chơi, giỡn với ba mẹ và có lúc gọi “bà… bà”, giọng ngọng nghịu. Đêm nay, nội nó phải vờ giận lẫy để thằng bé chịu nán lại thêm xíu.
Trong phòng, chị Hà và anh Nhân đang sắp xếp lại đồ đạc. Chỉ 10 tiếng nữa, sáng sớm mai hai vợ chồng trẻ sẽ đưa con đi chơi biển. Từ hôm Tết, thằng bé vẫn vòi vì thích mê trò đó.
Nhưng rồi. Không ai ngờ. Đó cũng là đêm cuối bà Ly được nghe giọng cháu trai.
0h, lửa bắt lên từ tầng hầm chung cư Carina (Q.8, TP. HCM). Không đèn báo cháy, còi hú, than bụi, và lửa rợp trời đã nuốt chửng mọi thứ. Ba trong bốn người ở gia đình bé Kiệt mất trong tai nạn ấy.
Bà khóc: “Dù có chết ở cái tuổi 61 này, cũng chẳng thể nào quên được. Hà nó đã xuống tới tầng 2, gần mặt đất vậy tại sao lại chết, tại sao lại chết…”. Bà Ly ngồi thẫn thờ, nước mắt rơi lã chã xuống chiếc bàn inox được sắp ngăn nắp trong nhà tang lễ, nhắc đi nhắc lại như đay nghiến, như một nỗi đau mà người lạ đã ngấm ngầm đâm vào tim đến nỗi phải kêu la, bẽ bàng.
Đêm 22/3, mãi trở thành một ký ức kinh hoàng. Bởi lẽ, người tóc bạc như bà Ly lại phải tiễn tận 3 người đầu xanh.
1h sáng, điện thoại bà Ly réo liên tục: Nhà thằng Nhân đang cháy dữ… rồi tắt ngúm. Đó là giọng thất thanh của một người quen cùng chung cư với hai vợ chồng Nhân. Bà Ly hốt hoảng, gọi chồng dậy, giữa đêm chạy qua đến tận nơi. Vụ cháy vừa mới phực lửa đấy thôi nhưng bà đã thấy ngọn lửa ngùn ngụt nuốt chửng cả khu nhà nơi con bà sinh sống.
Bà thẫn thờ ngồi dưới đất, miệng lẩm nhẩm, không ngừng chắp tay cầu cho Nhân, Hà, em vợ và đứa cháu hay chọc nội mỗi đêm được bình an vô sự. Từng tốp người lần lượt được cứu ra khỏi miệng lửa, bà vội vã nhìn theo khuôn mặt còn hắt mùi khói ám ấy. Con bà vẫn nằm lại đâu đó, bặt vô âm tín trong lửa.
Lính cứu hỏa đi vào, bà Ly cố gắng nói với theo: Con tui ở tầng 5 căn nhà số 1 nghen chú…, lời nói run run, nghẹn bứng nước mắt. Người ta nghe một lần rồi quên.
“5h sáng là lúc chỉ còn xác chết ra ngoài, cô đã nghĩ là gần như hết hy vọng rồi. Nhưng cô vẫn ráng tìm cho bằng được. Đi hết chung cư, tìm trong đống đổ nát và tới chỗ người ta ngồi, gọi rõ tên thằng Nhân: Nhân ơi… Nhân ơi… Nhưng nó không trả lời má. Làm sao cô nghĩ tới điềm xấu cơ chứ. Vợ chồng nó sống tốt, còn mới mở thêm quán cơm từ thiện cho người nghèo thì trời nỡ lòng nào đưa nguyên gia đình nó đi”.
Bà Ly vẫn cứ nuôi cái hy vọng nhỏ nhoi ấy cho đến khi vào Chợ Rẫy. Nạn nhân trung niên nằm trên giường bệnh co giật liên hồi, mặt mày ám khói, đen như tro. Bà suýt không nhận ra được thằng con trai nếu không vì bàn tay Nhân vẫn còn đeo 3 chiếc nhẫn cóng kiếng.
Hôm đó, bà không nhớ bằng cách nào, và vì sao mình tìm được con?
Gia đình anh Nhân là gia đình chịu tổn thất khủng khiếp nhất trong trận hỏa hoạn Carina. Anh Nhân (30 tuổi) được kết luận chết não, còn 3 người: chị Hà (24 tuổi), cu Kiệt (3 tuổi) và Lộc (17 tuổi, em trai chị Hà) đều bị hỏa hoạn nuốt chửng.
Trận cháy chỉ diễn ra 120 phút, nhưng gần như nó thiêu rụi mọi thứ. Kể từ cách đây 16 năm, vụ hỏa hoạn ITC cướp đi 60 người, người ta mới chứng kiến cảnh tan tác, người thân lạc nhau và cái chết trong bão lửa đau đến như vậy.
Hỏa hoạn ở bất kỳ đâu, và bất cứ lúc nào!!!
Mọi thứ gục ngã. 120 phút sinh-tử ấy, vô số người đã nằm lại trong đống đổ nát. Họ chưa kịp tìm nhau, đã giẫm đạp, gào thét trong vô vọng. 13 người thiệt mạng, 28 người bị thương và 2 trong số các hộ gia đình có tận 3 người tử vong.
Tờ giấy báo tử từ công an đưa xuống, những đoàn viện trợ tới lui trong ngày nhưng nỗi đau thì không tài nào nguôi ngoai. Ở đó, chỉ mới cách đó vài tiếng đồng hồ thôi, nhiều gia đình như anh Nhân, chị Hà vẫn mơ về tổ ấm hạnh phúc, có con-có mẹ-có ba. Giờ nó là nỗi ám ảnh. Họ chết vì không chuông báo cháy, không hệ thống nước phun, vì tháo chạy, vì ngạt khói, và vì mẹ không thể bỏ con lại một mình.
Chị Hà được tìm thấy trên nền nhà, lửa đã tóm gọn tóc tai, mặt mày, chân tay,… cháy sém. Lúc tôi gặp, cơ thể Hà chỉ còn phủ một màu đen, đen như tro. Chị chết trên đường tháo chạy.
Nhưng, trong thời khắc hoảng loạn nhất ấy, Hà vẫn là một người mẹ quả cảm. Chị đã ôm Kiệt vào lòng để bảo vệ con. Người ta tìm thấy xác chị khi cánh tay đã bị thiêu rụi vẫn đang đan thành hình vòm cung ôm siết. Mọi thứ đều đen ngun ngút, trừ lồng ngực Hà và Kiệt. Ở đó, làn da vẫn trong trẻo ghé sát vào nhau là minh chứng cho nỗ lực cứu con của Hà đã tuyệt vọng như thế nào.
“Lúc nhận xác, người ta còn thấy con dâu ôm thằng Kiệt vào lòng mãi không chịu buông, lồng ngực thằng bé lửa không dám táp tới. Nó đã cố gắng tới thế, sao lại cướp con của nó đi được…” - bà Ly khóc tức tưởi.
“Cô đã dặn vợ chồng nó là đổi nhà đi. Mấy lần chập điện, con Hà vẫn phải ôm con bỏ chạy. Nó cứ ậm ừ để thêm tiền rồi tính. Vậy mà…” - cô Liễu (48 tuổi), người đã tận tay chăm sóc thằng Kiệt từ năm nó 3 tháng tuổi, nhắc. Giờ đây, cô không ngừng rơi nước mắt cho rằng tội lỗi này là của chính mình, vì đã không cảnh báo chị Hà nhiều hơn thế nữa.
Anh Nhân mua căn hộ A5 cách đây 14 tháng, từ số tiền chắt chiu dành dụm của cả hai vợ chồng. Ngày đòi mua, má nói: Ở mặt đất, một mình một nhà cho thoải mái đi con. Anh Nhân khăng khăng: Má nói sao! Ở chung cư có bảo vệ, có trường học, hệ thống báo cháy… an ninh đầy đủ nên tốt hơn cho Kiệt đi học.
Giờ, cũng chính nó (nơi mà bà Ly chẳng buồn miệng nhắc tên), đã cướp đi từ gia đình anh Nhân, và từ bà Ly gần như là… tất cả mọi thứ.
Chị Hương (40 tuổi) đã thôi chồng trên 10 năm. Một mình chị sống ở Sài Gòn, làm ăn để nuôi cái Nhi (16 tuổi). Bản lĩnh - mọi người thường nhắc về chị như thế. Không chồng, sự nghiệp tốt, có thể tự tay mua một căn chung cư cao cấp giữa lòng thành phố. Chị đã từng ước mơ sống một cuộc đời như thế.
Và mọi thứ đã trở thành hiện thực.
5h sáng, 23/3. Cô Hoa (60 tuổi) nhận được cuộc gọi từ con trai. Quái, sớm vậy đã gọi, linh tính mách cho cô chuyện chẳng lành. Từ bên đầu dây, thằng con trai vội vã, nói: Má… má… hình như chung cư của Hương cháy???
Cô ở tận Quảng Ngãi. Là nhà quê, và quanh năm chỉ làm mấy sào ruộng, đi biển đánh cá nên làm sao biết cháy ở thành phố như thế nào? - Nó có bự như cháy chái nhà ở quê, hết giếng nước là dập được?
Cô tức tốc gọi điện cho con gái, không nghe máy. Gọi cho cái Nhi, không nghe máy. “Rồi lúc lâu, người ta gọi lại bảo: Bên này có vụ cháy, nhặt được chiếc điện thoại đánh rơi.” - giọng một cậu trai làm bà chết điếng người.
Cả nhà ngồi chờ tin tức từ tivi, anh con trai đứt ruột đứt gan: Má… má, con lên phố kiếm Hương. Hôm đó, gia đình cô Hoa đã lục tung đống đổ nát hỏa hoạn, trong dòng người lần lượt đi ra khỏi miệng cái chết với hy vọng duy nhất: Tìm lại được một thứ gì đó.
Chung cư không có, bệnh viện không. Họ mới dám vào nhà xác, nếu nhận dạng 13 nạn nhân đều không phải thì đồng nghĩa là dù chị Hương có lạc đâu, miễn chị còn sống là được. “Người nó teo rúm lại, bình thường Nhi nó cao lắm. Sao mà có thể nhận ra được cháu mình cơ chứ…” - cô Hoa òa khóc.
Nguyễn Thị Thùy Hương (40 tuổi) cùng con gái Đỗ Nguyễn Phương Nhi (16 tuổi) tại phòng A601, cùng mất trong vụ hỏa hoạn ấy. Vì cháy và ngạt khói.
Người chồng cũ lâu lắm không gặp con, giờ chỉ biết đứng nhìn bên di ảnh, ánh mắt mơ hồ lắm! Khi đoàn báo chí đến, anh ngừng khóc, con mắt đỏ ong ong. Anh tránh mặt, không nói thêm gì. Như một nỗi đau, dù người ta có nói gấp trăm, gấp ngàn lần đi nữa thì vẫn không thể nào xóa đi được. Vậy nên họ lặng im.
“Con Nhi nó hiền lắm, nó ăn nói lễ phép nhất nhà, học giỏi nữa”. Bà Loan (65 tuổi, bà nội Nhi) vẫn cố bấu từng ngón chỉ vào di ảnh. “Con nhìn xem, giống ba giống má đẹp thế kia, sao được chứ? Nhìn xem cười thế kia, sao được chứ? Hổng có bị gì hết trơn, hổng gì cả, nó còn trắng trẻo mịn màng lắm, sao được chứ? Năm trước Nhi nó còn tự đón xe về quê thăm nội, sao được chứ? Nhi mới biết đi xe, sao được chứ? Mai mốt cô nhớ, ai gọi tiếng Nội, sao được chứ?” - bà Loan nhắc đi nhắc lại điệp khúc “sao được chứ”, bấu víu vào tay phóng viên, hỏi. Nhưng không ai có thể tự trả lời được.
Bà lại tìm trong tấm di ảnh, thứ duy nhất còn sót lại sau vụ hỏa hoạn mà gia đình chị Hương tìm lại được. Tấm ảnh màu xanh ngăn ngắt vị thời gian. Trong hình, Nhi mặc chiếc áo màu hồng cánh sen, đang ngồi cạnh mẹ, miệng cười tươi roi rói.
“Mấy năm liền có về quê đâu. Tự nhiên Tết nay Hương dẫn cháu về thăm ngoại. Hương bảo má: Mai mốt có mất thì mong Nhi hỏa táng con ở Sài Gòn”. Hôm đó, giọng chị Hương nửa-thật-nửa-đùa. Cô Hoa nghe một lần, ậm ừ: “Nghĩ đâu cho xa làm gì, còn lâu lắm.”
Vậy mà, cái Tết qua được giáp tháng, chị Hương mất. Giờ, cô mới tin đó là sự thật, là một điềm báo sao con Hương nó buột miệng nói nhanh làm cô đau nát lòng.
Cô Hoa không đưa con, cháu về quê. Cô để cả hai lại ở nghĩa trang Q.9, TP. HCM. Vì như lời, cô thực hiện đúng ý nguyện của chị Hương. Là cho chị Hương được sống ở Sài Gòn, nơi chị đã từng bỏ cả thanh xuân để gầy dựng sự nghiệp và nuôi con một mình.
Đó là điều cuối cùng mà người mẹ nghèo, đã ở tuổi gần đất xa trời ấy còn có thể làm cho con gái.
17 giờ, Sài Gòn mùa nắng tháng 3 nực và bức. Chiều đó, người ra vào nhà tang lễ Nguyễn Tri Phương đông ngợp. Ai cũng ướt sũng mồ hôi trong những bộ sơ-mi đen tuyền và nồng mùi khói nhang nghi ngút.
Mọi người thay phiên nhau ngắm nhìn mặt Hà, Lộc và nhóc Kiệt lần cuối qua lớp cửa kiếng phòng tử thi. Nhiều người trong số đó chưa kịp tới trước cửa, đã khóc nấc. Rồi thêm hai ba tiếng khóc theo, thành một tràng dài, điệu buồn oan thương lan rộng khắp căn phòng màu xám tro.
Mẹ ruột Hà vừa tỉnh lại sau khi hồi sức, bà loạng choạng ngồi xuống cái bàn inox được sắp sẵn sàng trong nhà tang lễ. Lấy ra từ trong bìa giấy màu nâu đất 3 tấm ảnh: đứa con gái, thằng con trai và cháu ngoại, dòm đi ngó lại.
Cả ba tấm ảnh vẫn còn tươi màu, và cả ba đều còn rất rất trẻ, được gia đình cắt ra từ khung chụp chung. Họ chẳng chuẩn bị gì trước cho chuyện này, và cũng chẳng còn thứ gì sót lại sau vụ cháy. Đành chịu.
Mẹ Hà ngắm nhìn con, miệng cười. Méo xẹo và nước mắt thì đã lưng tròng, rơi lã chã:
- Nhìn xem nó đẹp vậy mà, nó đẹp vậy mà. Nó con em đấy chị ạ… Những người ngồi cạnh gần như chết lặng khi nghe một sự vô hồn nào đó thoáng qua tai, khi họ chỉ kịp ôm mẹ Hà vào lòng, vỗ vai hệt như một đứa con nít.
Dòng người ra vào tấp nập để… chuẩn bị lễ tang.
18h. Xác chị Hà, Kiệt và Lộc được đưa ra khỏi nhà tử thi, thân hình bọc kín kỹ càng. Người ta mau chóng đặt những bộ đồ tím, hồng, đỏ in hình chuột micky, món đồ chơi khủng long, rô-bôt… thứ Kiệt vẫn hay cầm chơi mỗi ngày, giờ theo nó đi xa. Sau đó, rải đều lên một lớp lá chè khô quắc, và ướp rượu.
Nước mắt của người nhà to dần thành tiếng. Họ nhoái nhoài người gục vào nhau, nhìn vào ba khuôn mặt im lặng. Gọi: Con ơi, con hỡi.
Họ hàng xếp quanh hòm, đi thành vòng tròn theo một chu kỳ theo lời hướng dẫn để nhìn mặt lần cuối. Nhưng chỉ trong chốc lát, mọi thứ vỡ òa. Người khóc, người ngồi đã phá vỡ cái chu kỳ quy định của nhà tang lễ ấy để gần gũi lại bên cạnh ba chiếc quan tài sắp sẵn, còn thoảng mùi gỗ mới.
Căn phòng lạnh toát với bốn bức tường ám khói xám tro như xị ra một màu buồn khó tả. Mùi nhang đèn, giấy vàng bạc,… đốt vội vã tỏa lên bức bối. Chốc chốc khói bay lơ lửng, xộc vào tận mũi, cay xè mắt tất cả. Ai cũng khóc.
Ít phút sau, buổi truy điệu kết thúc, tiếng ai oán vãn dần ra theo nhịp mõ. Ở thành phố, không có quá nhiều thời gian cho một đám tang, đó là một cái chết theo băng chuyền và được tổ chức một cách nhanh-gọn-lẹ. Có lẽ vì người thành phố ngại khóc, ngại nán lại với người thân của mình quá lâu sẽ làm nỗi đau ngấm ngầm và người chết thì khó lòng dứt được tiếng khóc ấy để bay đi được. Vậy nên phải nhanh.
Người chủ liệm lên tiếng đóng hòm. Trong tiếng thút thít, bà Ly vẫn gượng gọi: Con ơi! Con ơi! Cháu ơi… Hệt như giây phút bà cố níu tay lính cứu hỏa nào đó giúp giùm gia đình bà đêm qua. Nhưng nhiều quá, tận ba quan tài nên bà loay hoay mãi chẳng biết phải gọi ai trước. Chồng bà, giờ đây đã hết sức đứng không vững đành nghiêng mặt vào vợ, khóc như một đứa trẻ. Khóc lấy khóc để.
Mới chiều, hai vợ chồng bà Ly còn tranh nhau:
- Em đi vào thăm thằng Nhân lỡ nó xúc động, lại lên cơn… Em sợ lắm. Đàn bà chịu đau không giỏi.
- Không. Em mới nên vào thăm con, vì em là mẹ, thân với con hơn. Anh chỉ sợ là nó ở một mình lâu quá, không thấy có người vào lui chắc đang tủi lắm!
Anh Nhân chết não. Bác sĩ đã thông báo sự hồi phục của anh chỉ là một kỳ tích nhỏ nhoi. Nhưng hai vợ chồng bà Ly thì không ngừng hy vọng vào kỳ tích đó. Vì với họ, ngoài hy vọng ra, không còn gì khác để bám xíu vào, nên họ sợ. Sợ sẽ thả tay trôi tuột lúc này thì anh Nhân, người vẫn nằm trong căn phòng với nhịp ô-xy đều đều kia, sẽ phải làm sao?
Nhưng hy vọng là gì? Khi phóng viên hỏi, cả hai vợ chồng đều không trả lời được. Vì nó là vô định.
Và vì chính bà Ly, sau này, khi anh Nhân mở mắt trở lại, nếu anh hỏi:
- Con tỉnh dậy rồi. Nhưng vợ con con đâu?
Bà biết phải trả lời làm sao? Chẳng ai rõ nữa…