Nhắc đến “gia đình đông con nhất Hà Nội” của anh Ngô Doãn Năm và chị Đặng Thị Hải, nhiều người không còn lạ lẫm gì bởi họ đã quá “nổi tiếng” trong vài năm gần đây. Hai vợ chồng không nghề nghiệp lại sinh đến 14 đứa trẻ nheo nhóc khiến nhiều người không khỏi chê trách, nhưng vẫn thương xót.
Chê trách là bởi giữa Thủ đô này lại có đôi vợ chồng đẻ nhiều khiến cuộc sống càng lún sâu vào nghèo túng, bi đát.
Chẳng còn ai gói giò
Gia đình chị Hải ở xóm Cổ Bản, phường Đồng Mai, quận Hà Đông. Căn nhà 30 mét vuông, tuềnh toàng, luộm thuộm và không có mấy đồ đạc đáng giá, là nơi sum họp của hơn chục con người.
Năm 1988, hai vợ chồng chị nên duyên rồi “đàn con” lần lượt chào đời. Do không đất, không nhà nên đã từng có một thời gian họ phải sống lang thang. Rồi họ dựng một căn lều tạm giữa đồng, ngày ngày mò cua, bắt ốc kiếm ăn từng bữa. Cuộc sống khốn khổ khiến đàn con đứa được đến trường, đứa thì không, nhưng điều lạ là chị cứ đẻ liên tục.
Rồi họ cũng dựng được một căn nhà 30 mét vuông nhưng cuộc sống chủ yếu vẫn vất vưởng ngoài túp lều. Trong những năm qua, niềm vui Tết của người đàn bà có 14 đứa con này là gì? Chị tần ngần không muốn nhắc đến, bởi gần 30 năm từ khi lấy chồng, chị chưa bao giờ có một cái Tết vui.
Không bận bịu với việc chuẩn bị Tết như nhiều gia đình khác, Tết với gia đình chị Hải chỉ là mua thêm mấy cân gạo nếp để gói bánh chưng, vài cân thịt và sắm sửa ít bánh kẹo bình dân.
Đầu năm 2016, anh Năm - chồng chị qua đời sau nhiều năm bệnh tật không đủ tiền chữa trị, vậy nên năm nay chỉ có mình chị cùng các con lo liệu cho xong cái Tết. Như hằng năm, giờ này khi đã cận Tết nhưng chị vẫn chưa chuẩn bị được thứ gì.
Chị bảo: “Năm nay ông ấy không còn nên có lẽ không có ai gói giò nữa cả. Chứ mọi năm thì ông ấy hay gói chút ít cho các con. Giờ cũng chưa có gì, gạo nếp thì may ra có người bảo sẽ cho một ít thì mình cũng sẽ gói được độ chục cái bánh chưng.
Xưa nay, ông ấy cũng không đỡ đần được nhiều. Từ khi về với nhau chưa bao giờ có được cái Tết vui cả vì cứ lo từng bữa. Thậm chí, thiếu ăn thiếu mặc nên vợ chồng hay to tiếng, nhiều lúc ông ấy không kiềm chế được thì lại trút giận lên người tôi, kể cả bị đánh thâm tím cánh tay thì Tết vẫn phải cố lặn lội ra đồng kéo vó. Nếu không thì nhà hết gạo lại chẳng có cái mà đổi”.
Những đứa trẻ “đói” Tết
Giờ đây, chị cũng hối hận vì mình đẻ nhiều, trách mình đã sai nên khiến các con phải cùng chịu khổ. Bao trùm căn nhà là sự tuềnh toàng và giăng đầy quần áo, mũ, tất của con trẻ. Tết đang đến gần từng ngày nhưng ngoảnh đi ngoảnh lại trong căn nhà chị vẫn chưa có gì…
14 đứa con nhưng giờ còn lại 13 người vì con gái út của chị đã mất cách đây 2 năm do bệnh nặng. Nỗi buồn mất con càng khiến chị không muốn nghĩ đến Tết, cũng bởi đứa con ấy đã ra đi trong những ngày giáp Tết Nguyên đán 2014.
“Mọi năm thì còn được con cá, con cua nhưng năm nay thực sự là túng, vì chăm chồng ốm, cá thì mất hết. Sang năm còn khó khăn hơn nữa vì cánh đồng sẽ bị lấp đi. Nhưng dù ít thì cũng đong vài cân gạo nếp. Dù nghèo cũng phải cố gắng mua quần áo mới cho các con để ra ngoài ít nhất nếu không bằng bạn bè thì chúng cũng cảm thấy vui vẻ. Nhưng đến giờ thì còn 4 đứa chưa có”.
Năm nay, kế sinh nhai của gia đình chị chỉ trông vào việc bắt ốc, bắt trai. Con trai, con dâu lớn thì đã đi làm thuê và chuyển ra ở riêng. Tết đến, xuân về là dịp để mọi nhà được quây quần bên nhau nhưng đối với chị Hải thì đó là điều ước xa vời. Bởi trong những ngày Tết của mấy chục năm qua, chị luôn phải đôn đáo lo từng bữa cơm.
Năm nay chồng không còn nên một phần điểm tựa tinh thần lớn của chị đã mất, nhưng chị lại chia sẻ rằng có lẽ đêm giao thừa này cũng không thể ở bên các con.
“Có lẽ là nấu cơm xong rồi lại ra lều, gần giao thừa về thắp hương xong lại ra chứ mẹ cũng không ở cùng các con được, nếu không thì gà, vịt và con bò ngoài đồng sẽ bị người ta trộm mất. Nhỡ xảy ra cơ sự gì thì mấy mẹ con biết làm sao? Mọi năm còn chồng, có bóng đàn ông ngoài đồng thì còn đỡ, mình đàn bà con gái thì cũng sợ nhưng còn làm gì khác được…”.
Những đứa trẻ sàn tuổi nhau, đứa nào cũng mảnh khảnh, có lẽ do không được ăn uống đầy đủ. Trong khi nhiều đứa trẻ khác được sắm sửa quần áo đẹp để mặc Tết thì các con của chị Hải thường xuyên phải phụ mẹ mò cua, bắt ốc để trang trải cuộc sống.
Khi được hỏi “Tết con thích cái gì?” thì một cô bé bén lẽn: “Con thích bánh kẹo. Nhưng tiền đâu mà có bánh kẹo đâu…”; một đứa khác thì vô tư: “Không có quần áo mới, tiền đâu mà mua”.
Có lẽ, những bộ quần áo mới, những món quà Tết là thứ vô cùng xa xỉ với những đứa trẻ này. Từ gia cảnh nghèo túng nên chúng cũng mất đi bản năng đòi hỏi, chưa một lần được xúng xính áo quần du Xuân cùng bố mẹ, chưa từng được hưởng một cái Tết đủ đầy.
Có lẽ chỉ là những khát khao khuất lấp sau những tiếng nô đùa hồn nhiên, lọt thỏm giữa xung quanh là hàng xóm láng giềng “nhà cao cửa rộng”, “mâm cao cỗ đầy”.
Trong gian nhà chật kín người, những đứa trẻ vây quanh người đàn bà gần 50 tuổi. Nói về điều ước trong năm mới, người mẹ này chỉ dám mong mình sẽ có sức khỏe và các con sẽ ngoan ngoãn: “Không dám mơ tiền bạc giàu sang gì nữa bởi mình thế này thì không sao thay đổi được gì rồi, chỉ mong có sức khỏe thôi thì mọi điều sẽ cố gắng được”.