Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sắc màu cuộc sống

Mùa Vu Lan: Tập nói 'con yêu mẹ'

Mẹ tôi có chiều cao của siêu mẫu Xuân Lan, khuôn mặt sắc nét hơn cả Bùi Bích Phương (Hoa hậu Việt Nam đầu tiên đăng quang năm 1988). Nhưng mà mẹ đã chọn bố, chứ không phải vương miện.

Mẹ tôi có thể đã là hoa hậu

Đó là điều tôi hay kể với bạn bè mình khi nói về mẹ, và tất nhiên mẹ tôi không biết điều đó.

Thực ra, mẹ tôi chỉ là một cô gái quê, sống ở nơi quanh năm chỉ biết tới ruộng đồng và làm quặng. Mẹ là con út trong gia đình 7 anh chị em nghèo. Tưởng chừng sẽ được cưng chiều hơn cả, nhưng hoá ra vì miếng ăn không đủ mà ngay từ nhỏ mẹ đã phải làm lụng vất vả hơn nhiều. Mò cua bắt ốc, gánh củi, đào khoai,… mẹ làm đủ việc để phụ giúp gia đình. Và nó khiến mẹ trở thành người đàn bà mạnh mẽ.

Lớn lên, khác biệt với anh em trong nhà, mẹ tôi quyết định vào thành phố, tiếp tục học hành thay vì bán mặt cho đất bán lưng cho trời. Một mình giữa phố thị, mẹ đã trải qua những cơ hàn, cái đói, cô đơn,… Nhưng cuối cùng mẹ đã trở thành một giáo viên.

Mẹ mãi mãi là hoa hậu trong lòng tôi.

Nhìn hình ảnh mẹ lúc trẻ quả thật mẹ là một người phụ nữ xinh đẹp. Nếu lúc đó có một cuộc thi hoa hậu, tôi nghĩ mẹ đã trở thành người đăng quang.

Mẹ tôi có chiều cao của siêu mẫu Xuân Lan, khuôn mặt sắc nét hơn cả Bùi Bích Phương (Hoa hậu Việt Nam đầu tiên đăng quang năm 1988). Nhưng mà mẹ đã chọn bố, chứ không phải vương miện.

Và tôi giờ ở đây… Bà ấy không chọn làm hoa hậu, bà ấy chọn làm mẹ của những đứa con. Nhưng đặc biệt hơn, mẹ luôn là hoa hậu trong lòng tôi.

Đứa trẻ khó nuôi

Mẹ mang thai tôi khi đang học đại học. Người ta nói nếu được nghe giáo sư, tiến sĩ giảng nhiều chắc hẳn sau này sẽ thông minh lắm. Tôi không chắc điều đó có đúng không nhưng qua lời kể của bạn bè mẹ, tôi biết rằng mẹ tôi đã rất vất vả trong thai kì.

Nôn ói suốt kỳ ốm nghén đến mật xanh mật vàng rồi lại kệ nệ vác cái bụng bầu vượt mặt lên giảng đường. Nhưng mẹ tôi không hề nghỉ một buổi học nào. Tôi cảm thấy thật sự ông trời đã mang tôi đến thử thách người phụ nữ mạnh mẽ vô cùng này.

Suốt những năm đầu đời của tôi gắn liền với nôn trớ. Ăn gì cũng nôn, chỉ cần là đồ lạ là lập tức hệ thống tiêu hóa của tôi bắt đầu réo tên. Mẹ đã rất vất vả với việc cho tôi ăn, đi đâu tôi cũng phải kè kè mẹ. Phải là mẹ nấu, mẹ đút. Tôi như một cỗ máy có thể nhận ra đâu là đồ mẹ nấu đâu không phải. Tôi trở thành cái bóng của mẹ trong mỗi mâm cơm. Điều đó khiến mẹ thêm vất vả với mỗi bữa ăn sau những giờ lên lớp.

Với mọi người, tôi là đứa trẻ không bình thường. Với mẹ, tôi là một thiên thần.

Thời gian trôi đi, tôi lớn dần dần và đã học tiểu học. Nhưng không như lời người ta nói lúc mang thai được ngồi ở giảng đường nghe giảng sau này sẽ thông minh hơn người. Học hết lớp 1 tôi vẫn chưa thuộc bảng chữ cái. Sang lớp 3 vừa ê a đánh vần được vài tiếng, biết 1 + 1 = 2. Nhiều người lớn lắc đầu cho tôi là đầu óc không được bình thường. Nhưng mẹ không cho là vậy.

Bà tin rằng một ngày, đứa trẻ non nớt ấy sẽ lớn lên khỏe mạnh, bình thường như những đứa trẻ khác. Miệt mài dạy tôi học, đến lúc tôi đi ngủ mẹ mới bắt đầu soạn giáo án cho ngày mới. Bóng mẹ nhỏ xíu dưới ánh đèn bàn, chăm chú vùi đầu vào từng trang vở.

Những đêm ấy, tôi hay giật mình trở giấc, bất giác thấy mẹ đã gục đầu trên bàn, thiếp đi hẳn. Tôi còn quá bé để hiểu được sự vất vả của mẹ. Nhưng tôi đã biết và chỉ biết ôm mẹ từ phía sau. Cứ thế, hai mẹ con trôi dần trong dáng ngủ ngồi bên chiếc bàn con cho đến khi trời tảng sáng.

Mẹ đi mấy hôm mẹ lại về

Với sự kiên nhẫn và tin tưởng của mẹ, tôi cuối cùng cũng vượt được giai đoạn mà bị người ta đánh giá là không có khả năng về mặt tiếp thu. Tôi càng học càng thích thú. Vèo một cái tôi đã trở thành cậu thiếu niên rồi. Mấy đứa trong xóm lúc này xem tôi như thần tượng cái gì cũng biết, trên thông thiên văn, dưới tường địa lý. Riêng bố mẹ dù luôn tự hào về tôi nhưng vẫn chưa xem tôi như người lớn, nhiều chuyện còn đem giấu nhẹm.

Buổi trưa hôm ấy, tôi đi học về lượn qua giường bố mẹ thì thấy quần áo mẹ xếp sẵn. Bố mẹ xì xào nhỏ to gì đó dưới bếp. Bằng sự nhạy cảm của mình, tôi đã linh cảm nhận được điều gì đó không lành.

“Ủa bố mẹ tính đi đâu vậy?” - tôi hỏi

“Mẹ đi đây mấy hôm, ở nhà 2 bố con nấu cơm ăn nhé” - mẹ cười nhàn nhạt đáp.

Lúc nào mẹ cũng vậy, mẹ là người phụ nữ độc đoán, luôn làm những gì điều mình cho là đúng. Bà giấu diếm mọi thứ, vì cho rằng nó chỉ khiến tôi thêm phần lo lắng, chẳng giúp ích được gì. Mẹ giấu buổi cơm nghèo để chắt chiu tiền mua cho tôi bộ quần áo Tết. Mẹ tiết kiệm tiền chi tiêu cá nhân chỉ để con có bộ sách giáo khoa mới… Và ngay cả bị bệnh, người phụ nữ ấy cũng chỉ muốn gắng chịu một mình.

Mẹ luôn có những lời nói dối ngọt ngào.

Mẹ đi đã trễ 2 hôm so với lời hẹn trở về. Chiều hôm sau, tôi nằng nặc đòi bố phải đưa vào viện. Hai bố con lục đục nấu những món ăn mẹ thích. Một ngày mưa tầm tã. Lòng tôi ngập trong lo lắng. Mẹ có sao không? Căn bệnh thế nào? Tôi sẽ nói gì khi mẹ mắc căn bệnh khó chữa? Những suy nghĩ nối dài làm tôi bật khóc khi thấy mẹ mệt nhoài trên phòng bệnh trắng.

Tôi vẫn phải đến trường ngày mà mẹ làm phẫu thuật. Nhưng tôi nhận ra là đống giấy khen kia chẳng bằng những buổi nói dối hết bài để đi bộ cùng mẹ. Tôi ngồi trong lớp mà lòng như lửa đốt, mong có thể sớm về tự vào viện.

Tối hôm đó, mẹ vừa mổ xong. Lần đầu tôi thấy người phụ nữ mạnh mẽ ấy xanh xao, nhợt nhạt và yếu đuối đến kỳ lạ. Tôi không khóc, tôi sợ đến mức không khóc được nữa. Tôi chỉ biết nhìn mẹ, ánh mắt trong veo đã ướt sũng trong nước mắt, mờ như lớp sương mù, mẹ thiếp đi hẳn.

Bữa cơm hôm đó bố nói về một khối u. Mẹ đang có một khối u. Nhưng may mắn nó chỉ là u lành thôi. Không phải lo. Lòng tôi an tâm được phần nào.

Ngủ một giấc dài rồi dậy để tập nói

5 ngày sau phẫu thuật, cả nhà tôi nhẹ nhõm hẳn ra khi đã vứt bỏ được nỗi sợ cái chết ra khỏi người mẹ.

Mẹ lại lành bệnh, lại gắn bó với lớp học, lại nấu những bữa cơm ngon cho bố con tôi.

Một năm nữa trôi qua, tôi đã bước qua kỳ thi đại học, và một chuyến hành trình mới dài và xa nhớ hơn đã bắt đầu. Năm đó, tôi may mắn đậu vào ĐH Y Dược TP. HCM. Tôi là người duy nhất trong nhà có thể hoàn thành ước mơ trở thành bác sĩ của cả bố mẹ mà thuở trẻ họ chưa làm được.

Ngày đầu tôi đặt chân đến Sài Gòn, mẹ khóc mướt qua điện thoại. Mẹ lo lắng tôi sẽ sống như thế nào, ăn gì nếu ở một mình, một đứa con trai Bắc như tôi có chịu được khí hậu sớm nắng chiều mưa… Mẹ dặn: “Đừng thức khuya quá, học bài mà mệt mỏi…”.

Tôi mang sự lo lắng của mẹ vào trong Xì phố hoa lệ, cố gắng thích nghi sống mà không có gia đình. Vậy mà bao phiền toái ở đất khách quê người cứ xảy đến.

Năm đầu tiên, tôi bị lừa gần cả triệu bạc khi đi đăng ký làm thêm. Hôm đó, ngồi dưới ban công nhà, tôi khóc nấc vì thấy mình vô dụng.

Rồi chuyện xung đột với bạn trọ, chuyện học hành căng não như dây đàn, cả mối tình đầu của tôi và cô bạn chung đại học tan vỡ…

Đến năm cuối, công việc, thực tập, đồ án, giảng đường và những ca trực bệnh viện khiến tôi đuối sức dần. Có những ngày tôi thấy mình lạc lõng giữa thành phố, chỉ muốn được trở về làm thằng cu Tí của mẹ, được sà vào lòng mẹ bất kỳ khi nào mình muốn.

“Con yêu mẹ!” - câu nói sau 20 năm tôi mới bắt đầu nói ra.

Mỗi lần như thế, y như rằng có một linh tính kỳ lạ, mẹ lại gọi điện. Giọng mẹ ngọt dịu phía bên kia đầu dây như liều thuốc an thần khiến tôi quay trở lại guồng sống. “Hôm nay con ăn gì?”, “Cuộc sống ổn không?”, “Nếu khó quá về nhà với mẹ…”. Chỉ có mẹ… Chỉ có mẹ mới luôn bao dung và sẵn sàng yêu thương hết lòng vậy thôi.

Tôi bật khóc nức nở. Giọng mẹ phía bên kia cũng bắt đầu run run: “Lớn rồi còn khóc nhè nè”. Mẹ khóc.

Những ngày tháng đó, tôi phát hiện ra rằng, dù con đường tối thế nào thì mẹ vẫn sẽ ở đó, không bao giờ bỏ cuộc, đứng lặng lẽ phía sau và soi sáng cho tất cả đứa con bằng niềm tin và tình yêu thương vô bờ bến.

Vào năm 5 đại học, tôi bất ngờ gặp tai nạn. Chiếc xe tải đi lao nhanh kéo lê tôi 100 mét, tôi ngã ra đường, nền bê-tông đỏ thẫm. Người người hoảng loạn, khóc thét. Tôi không còn nghe gì nữa.

Đến khi tỉnh dậy, cả người không nhúc nhích. Tôi nhận ra là mình đang trong bệnh viện, chi chít vết thương, và đang thở dốc bằng một nhịp máy đều đều. Tôi nhận ra rằng, tôi rồi cũng có ngày ngồi trên những chiếc giường, hàng ghế mình từng quen, không phải là một bác sĩ. Tôi là một bệnh nhân.

Liếc đôi mắt sang bên cạnh mẹ đang ngồi với đôi mắt đỏ hoe, sưng húp. Chắc hẳn bà đã khóc nhiều lắm. Nhưng bà vẫn tin rằng tôi sẽ tỉnh lại và bà muốn bà là người đầu tiên tôi thấy khi thức giấc. Giống như những ngày thơ mẹ mỗi lần tôi mở mắt là mẹ đang bên cạnh, ôm tôi vào lòng và nở một nụ cười hiền dịu “Đến giờ dậy rồi!”.

Tôi vừa nằm ngủ trong một cơn ác mộng dài, nhưng thức dậy bằng một hơi ấm dịu dàng của mẹ. Hơi ấm gọi tôi: “Về nhà đi con, mẹ nấu cơm xong rồi”. Tôi thoáng thấy nắng vàng giòn trên khung cửa gỗ, mùi hoa sữa ngào ngạt rơi trước hiên nhà của những ngày tháng 10. Trong bếp, mẹ giờ này đang tất bật nấu ăn. Và chỉ vài phút nữa thôi, bố sẽ trở về. Gia đình tôi lại quây quần bên nhau trong những giờ phút ấm cúng của riêng gia đình.

Tôi bật khóc. Vượt qua cơn đau, tôi ôm chầm lấy mẹ, nức nở: “Con yêu mẹ!”.

Đó là câu đầu tiên tôi nói lại sau tai nạn suýt cướp đi mạng sống của mình. Là trong những đau khổ, mất mát, tôi mới nhận ra rằng suýt nữa mình sẽ mãi hối hận vì sẽ không thể nói với mẹ những điều tuyệt vời ấy.

Nhưng đó không phải là câu cuối cùng. Vì sau này, tôi biết rằng, mỗi ngày khi thức dậy, tôi đều sẽ nói với người phụ nữ già nua đã dành cả thanh xuân để yêu thương một đứa trẻ bất thường như tôi những lời yêu mẹ.

“Con yêu mẹ!” - câu nói đó có lẽ bạn sẽ dễ dàng học, một đứa trẻ lớp 1 cũng có thể nói ra, nhưng tôi đã dành cả 20, cả cái lần chết hụt chỉ để nói ra với người phụ nữ vĩ đại của cuộc đời tôi.

Người phụ nữ vĩ đại với câu hỏi: “Sau này lớn lên Tún có nuôi mẹ không ?”

“Sau này lớn lên Tún nhất định sẽ nuôi mẹ… Mẹ nhé!”

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Bá Giang

Được quan tâm

Tin mới nhất