Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sắc màu cuộc sống

Tận cùng nỗi đau của một gia đình có nhiều người tâm thần, 3 đời không biết đến Tết

Định Nguyễn Theo dõi Saostar trên google news

Vợ chồng bà Đỗ Thị Xúi (70 tuổi, ở xã Văn Võ, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) sinh được 8 người con thì 3 người bị nhiễm chất độc màu da cam. Không những thế một người con trai của bà sinh 5 con thì mất 3 đứa ngờ ngệch.

Nhiều năm nay, gia đình bà Đỗ Thị Xúi được người dân địa phương ví là “gia đình nghèo bền vững” và có nhiều người “không bình thường” nhất xã. Cái nghèo cứ đeo bám vào gia đình bà, lên những đứa con, đứa cháu ngờ nghệch khiến người phụ nữ ở tuổi thất thập vẫn chưa một ngày yên lòng.

Trò chuyện với chúng tôi, đôi mắt bà trũng xuống, rồi bảo rằng dường như cái tên Xúi khiến sự xui xẻo, vận hạn cứ bám lấy mình và những đứa con, cháu.

Ngôi nhà không vật dụng gì đáng giá, thi thoảng bốc lên mùi nồng nặc, bao năm qua là nơi ăn chốn ở của gia đình.

Ngôi nhà bà Xúi cùng các con đang sinh sống.

Bà Xúi buồn rầu kể về cuộc sống gia đình

Vừa đan nón để kiếm thêm vài chục nghìn đồng, bà Xúi kể, ông Nguyễn Văn Tưng (76 tuổi) từng là thanh niên khỏe mạnh nhất làng. Năm 22 tuổi, ông tham gia chiến trường Bình - Trị - Thiên rồi trở về quê hương sau 7 năm chiến đấu, sau đó nên duyên với bà.

Ông Tưng sớm có những triệu chứng bất thường do ảnh hưởng của chất độc màu da cam. Hai vợ chồng có 8 người con, 3 trai và 5 gái nhưng có tới 3 người bị ảnh hưởng chất độc da cam.

“Đời tôi khổ lắm! Có được 8 đứa con thì 3 đứa mắc bệnh. Thằng cả mất cách đây chưa lâu, con gái út bị bệnh tâm thần mấy năm nay, còn con trai thứ 3 là Nguyễn Văn Thêm cũng không được khôn như người bình thường”, bà Xúi buồn rầu.

Anh Thêm và đứa con trai ngây dại.

Dù có tuổi nhưng anh Thêm trái tính trái nết.

Chị Phượng, vợ anh Thêm cũng không được khôn ngoan.

Hiện bà Xúi cũng bị bại liệt, đi lại khó khăn. Vợ chồng bà và người con gái tâm thần đang ở cùng vợ chồng anh Thêm. Nói về người con trai này, bà cho biết, anh là người ngờ nghệch, không được khôn ngoan, trái tính, trái nết nên khó dạy bảo.

Đến tuổi dựng vợ, nhờ mai mối nên anh Thêm kết duyên cùng chị Đỗ Thị Phượng. Hai vợ chồng đều không biết chữ, có với nhau 5 con (4 trai, 1 gái). Con lớn nhất sinh năm 2000, đứa con gái út thì năm nay 8 tuổi. Thế nhưng, từ khi sinh ra, chúng đều không được đến trường.

Con trai thứ 4 của vợ chồng anh Thêm đã 12 tuổi nhưng như đứa trẻ lên 2, 3.

Còn con trai thứ 3 thì chỉ biết lầm lũi đan nón.

Trước đây, do không có tiền, anh Thêm lại “ra lệnh cấm” các con đi học nên những đứa trẻ này dù muốn cũng không được đến lớp. Nhờ chính quyền địa phương vận động giúp đỡ học phụ đạo nên giờ có đứa biết mặt chữ, phép cộng trừ đơn giản.

Cuộc sống khốn khó nên mấy chục năm nay họ không có cái Tết trọn vẹn.

Chỉ vào đứa cháu đang đứng, người đen nhẻm, bà Xúi cho biết, không được bố mẹ đặt tên nên gọi là Tư. Em bị câm điếc, không tự chủ được hành động của mình.

Bé Tư đến nay vẫn chưa tự biết lo cho bản thân.

Căn nhà không vật dụng gì đáng giá.

“Tư rất hiếu động, rất thích gặm bất cứ thứ gì có thể cầm nắm được. Thậm chí, ngay cả việc đi vệ sinh cũng không tự chủ được”, bà Xúi cho biết. Theo bà, người con đầu của vợ chồng anh Thêm lành lặn hơn các em nên đã đi làm. Còn đứa con thứ 3 thì nghỉ học ở nhà đan nón, con gái thứ 5 cũng khờ dại.

Hằng ngày bà Xúi đan nón kiếm thêm thu nhập.

Từ việc đan nón mỗi ngày chỉ kiếm thêm 10.000 - 20.000 đồng.

Công việc đan nón thuê mang lại thu nhập cho gia đình bà từ 10.000 - 20.000 đồng/ngày. Cuộc sống của những người trong ngôi nhà cứ thế trôi qua lặng lẽ. Thi thoảng làng xóm thương tình mang qua lon gạo, quả trứng, miếng bánh cho tụi trẻ khiến chúng như bắt được vàng. Và dường như họ cũng đã quen với việc tiếng cười nói khanh khách rồi khóc nỉ non giữa xóm làng yên ả.

Về phần bà Xúi, quãng đời làm mẹ của mình quả là một chuỗi âu sầu. Mỗi khi nhìn vào chị Đượm, con gái út thì bà càng đau lòng. Chị Đượm vốn là người bình thường, trắng trẻo, đã lập gia đình ở trong Nam và có con. Nhưng không hiểu sao, Đượm bỗng trở nên không bình thường, gia đình chồng trả con lại cho bà. Từ đó đến nay, người mẹ đã đưa con đi khắp nơi chạy chữa nhưng không khỏi.

Trao đổi về hoàn cảnh gia đình bà Xúi, ông Nguyễn Văn Hưng, Chủ tịch UBND xã Văn Võ cho biết, gia đình này thuộc diện hộ nghèo của xã. Anh Thêm hiện tại đang hưởng trợ cấp dành cho người bị tâm thần.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Định Nguyễn

Được quan tâm

Tin mới nhất