Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sắc màu cuộc sống

Tâm sự xót xa của thầy giáo 30 năm cắm bản gieo chữ ở nơi mà học trò phải chui túi nilon vượt suối dữ tới trường

“Ở bản Huổi Hạ, mùa mưa thì phải cuốc bộ gần 20km mất hàng ngày trời để đến được điểm trường. Giáo viên cũng từng phải chui túi nilon, nhờ người dân khênh xe máy qua suối. Nhưng với các em còn nhỏ, tôi vô cùng xót xa, thương các em mà không biết phải làm sao để thay đổi nghịch cảnh”, thầy Quý nói.

Những ngày đầu năm học mới 2018-2019, con đường độc đạo dẫn vào bản Huổi Hạ, xã Na Sang, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên đầy rẫy những chông gai, khó khăn vô cùng. Mấy ngày trước thời tiết ở Điện Biên mưa lớn khiến tuyến đường ngày thường đã khó đi, nay càng thêm gian nan bội phần. Để có thể di chuyển trên đoạn đường lầy lội, trơn trượt, người dân bản địa phải gắn xích vào lốp xe máy.

Đường dẫn vào bản Huổi Hạ đầy rẫy những gian khó.

Để di chuyển được qua những đoạn đường trơn trượt người dân nơi đây phải gắn xích vào lốp xe máy.

Anh Vừ A Giống, Trưởng bản Huổi Hạ, xã Na Sang cho biết, đây là một trong những bản biên giới, khó khăn nhất của Điện Biên. Cả bản có 75 hộ với khoảng 500 nhân khẩu. Hiện tại ở đây có hai điểm trường Mầm non và Tiều học. Tuy nhiên, các cháu từ lớp 4 trở lên đều phải ra trường ở trung tâm xã cách bản 20km đường rừng để học.

“Cả bản có khoảng 60 học sinh phải vượt suối Nậm Chim đến trường. Mùa khô, người dân làm cầu tạm đi qua suối. Mưa đến, nước lũ về, phương tiện qua suối là những bè nổi. Những ngày nước lớn, không thể di chuyển bằng bè, phụ huynh tại bản buộc phải đưa con em họ vào túi nilon bơi qua suối dữ đến trường”, anh Giống nói.

Học sinh phải di chuyển qua những đoạn đường vô cùng khó khăn.

Sau đó chui vào túi nilon để qua con suối dữ.

Anh Giống đưa con qua sông đến điểm trường.

Xem những hình ảnh này mới thấy mạng sống con người nơi đây quá mong manh.

Cảnh tượng này diễn ra trong nhiều năm nay. Biết là nguy hiểm, nhưng người dân nơi đây đành đánh cược mạng sống để con em của họ biết mặt chữ. Anh Giống chia sẻ, mấy năm trước không những học sinh mà giáo viên cũng phải chui túi nilon vượt suối tới trường. “Không còn cách nào khác, chúng tôi biết là rất nguy hiểm, nhưng đành chịu đựng”, anh nói.

Là người bám bản, bám trường suốt 30 năm qua, thầy Nguyễn Minh Quý, Giáo viên trường Tiểu học số 1 Na Sang khi nhắc đến học sinh chui túi nilon đi học đã rớm nước mắt.

Thầy Quý rớm nước mắt khi kể về cuộc sống của thầy trò nơi đây.

Chúng tôi đã trải qua không biết bao nhiêu khó khăn gian khổ, nhưng không đâu như đi dạy trong bản Huổi Hạ. Mùa khô đến trường còn có thể đi lại bằng xe máy, còn mùa mưa thì hoàn toàn phải cuốc bộ gần 20km mất hàng ngày trời để đến được điểm trường. Thầy cô cắm chốt tại đây thường thì cuối tuần hoặc nửa tháng mới về với gia đình. Nếu vào cuối tuần trời mưa thì phải ở lại trường không thể về được.

Giáo viên cũng từng phải chui túi nilon, nhờ người dân khênh xe máy qua suối. Nhưng với các em còn nhỏ, tôi vô cùng xót xa, thương các em mà không biết phải làm sao để thay đổi nghịch cảnh”, thầy Quý chia sẻ.

Thầy Quý thương các em khi phải chui vào túi nilon qua con suối.

Theo thầy Quý, giáo viên gặp khó khăn thì ít còn học trò để kiếm được con chữ thì muôn vàn khổ cực bởi đa số các em học sinh đều ở xa đến trường không những phải đánh cược mạng sống của mình mà sau đó còn phải cuốc bộ trên những đoạn đường đèo quanh co trơn trượt mới đến được trường học.

“Đã vậy cuộc sống của các em bữa đói bữa no việc ăn không đủ thì khó nghĩ đến việc học nên có nhiều e bỏ học giữa chừng, các thầy cô lại phải đến tìm hiểu động viên an ủi để các em trở lại trường học. Vất vả, khó khăn, nhưng chúng tôi được bà con trong bản thương yêu, quý mến.

Đó là động lực để chúng tôi quên đi mọi khó khăn cố gắng bám bản dạy con trẻ. Mong sao được các cơ quan chức năng, cộng đồng chung tay làm cho bản con đường, cây cầu để thầy trò có thể đến trường bớt cực nhọc và nguy hiểm”, thầy Quý tâm sự.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Khải Phong

Được quan tâm

Tin mới nhất