Liên quan đến vụ tài xế xe ôm hành hung cụ ông dã man tại Hà Nội, tối 12/11, một lãnh đạo Công an phường Cống Vị, quận Ba Đình, TP.Hà Nội cho biết đơn vị đang củng cố hồ sơ, xử lý Phạm Ngọc Lân (SN 1974, trú phường Liễu Giai, quận Ba Đình) về hành vi hành hung cụ ông Dương Đức Lâm (SN 1940, cùng trú phường Liễu Giai).
“Chúng tôi đang củng cố hồ sơ, xác minh việc Phạm Ngọc Lân là đối tượng thần kinh có vấn đề, có giấy chứng nhận thương điên của bệnh viện hay không”, vị lãnh đạo này thông tin.
Cũng theo vị lãnh đạo Công an phường Cống Vị, bước đầu tại cơ quan công an, Phạm Ngọc Lân khai nhận đánh cụ ông gần 80 tuổi Dương Đức Lâm vì… khó chịu.
Chiều 12/11, ông Dương Đức Lâm (80 tuổi, ở phường Liễu Giai, quận Ba Đình, Hà Nội) đang nằm điều trị, theo dõi chấn thương tại Bệnh viện 354.
Trước đó, vào sáng cùng ngày ông Lâm mang xe máy ra khu vực ngã tư Đội Cấn - Liễu Giai (quận Ba Đình) ngồi tại đây thì bị Phạm Ngọc Lân (SN 1974, phường Liễu Giai) chạy xe ôm hành hung chấn thương phải nhập viện điều trị.
Ngay sau khi nhận được thông tin, chỉ huy Công an phường Cống Vị thông tin, hiện cụ ông 80 tuổi đã được đưa vào bệnh viện cấp cứu và người nhà của người đàn ông xe ôm này cũng đã có mặt để chăm sóc cụ. Theo xác định ban đầu, cụ ông bị người đàn ông dùng súng cao su bắn vào mặt, ngực. Sau đó, người đàn ông còn lao vào đấm đá khi cụ ông đã bị ngã xuống. Qua chẩn đoán ban đầu ông Lâm bị rạn xương sườn và bị đa chấn thương trên người.
Ông Lâm cho biết từng 12 năm tham gia kháng chiến chống Mỹ. Ông cũng là hội viên Hội cựu chiến binh phường Liễu Giai. Gia cảnh ông Lâm cũng gặp nhiều khó khăn khi người con trai duy nhất bị sát hại khi làm ăn ở Thái Nguyên cách đây vài năm.
Liên quan đến vụ việc này, dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Anh Thơm, Trưởng VP luật sư Nguyễn Anh (Đoàn luật sư TP Hà Nội) nêu rõ, hành vi phạm tội của tài xế xe ôm đã xâm phạm đến sức khỏe của công dân được pháp luật bảo vệ.
“Theo thông tin được biết, ông cụ tuổi cao, sức yếu, từng là cựu chiến binh tham gia kháng chiến nhưng do hoàn cảnh quá khó khăn phải ra đường mưu sinh bằng nghề xe ôm. Vậy mà đối tượng chỉ vì sự ích kỷ bản thân đã bất chấp tất cả luân thường đạo lý, đánh đuổi ông cụ rất dã man tàn bạo là điều không thể chấp nhận được.
Xét hành vi phạm tội của đối tượng đã có dấu hiệu phạm tội Cố ý gây thương tích theo điểm c, i Khoản 1 Điều 134 BLHS : phạm tội với người già yếu, không có khả năng tự vệ và có tính chất côn đồ”, luật sư Thơm nhận định.
Luật sư cũng cho rằng, kết quả giám định tỷ lệ thương tích sẽ là căn cứ xử lý đối tượng tương ứng theo Điều 134 BLHS. Trường hợp hợp, tỷ lệ thương tật dưới 11% thì đối tượng vẫn có thể phải chịu trách nhiệm hình sự theo điểm c, n Khoản 1 Điều 134 BLHS là có căn cứ, đúng quy định của pháp luật.
Hành vi phạm tội của đối tượng không những gây thiệt hại đến sức khỏe của người khác mà còn gây mất an ninh trật tự và gây bất bình trong dư luận xã hội nên cần thiết phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Điều 134 BLHS. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác:
1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Dùng vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn có khả năng gây nguy hại cho nhiều người;
b) Dùng a-xít nguy hiểm hoặc hóa chất nguy hiểm;
c) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;
d) Đối với ông, bà, cha, mẹ, thầy giáo, cô giáo của mình, người nuôi dưỡng, chữa bệnh cho mình;
đ) Có tổ chức;
e) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
g) Trong thời gian đang bị giữ, tạm giữ, tạm giam, đang chấp hành án phạt tù, đang chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng hoặc đang chấp hành biện pháp xử lý vi phạm hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng hoặc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc;
h) Thuê gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do được thuê;
i) Có tính chất côn đồ;
k) Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 06 năm:
a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 11% đến 30%;
c) Phạm tội 02 lần trở lên;
d) Tái phạm nguy hiểm;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên, nếu không thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 4 Điều này;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 11% đến 30% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này.