Không cầm lòng nổi trước những vụ tai nạn giao thông dồn dập những ngày gần đây do các tài xế say xỉn gây ra, ông Phan Bá Mạnh, trú tại Long Biên, Hà Nội, cũng là một tài xế, đã gửi tâm thư đến Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể đề nghị cần nhanh chóng có biện pháp mạnh đối với tài xế say xỉn.
Tuối Trẻ Online xin trích những nội dung chính bức tâm thư của ông Phan Bá Mạnh.
Kính thưa các ngài!
Trước khi viết thư này, tôi đã suy nghĩ rất nhiều. Bản thân tôi cũng là một tài xế, tôi cũng như nhiều tài xế khác, ngày ngày vẫn cầm lái ôtô đi làm và chiều chiều, tối tối lại về với gia đình.
Tôi may mắn hơn hàng chục, hàng trăm bác tài khác sáng sớm đi xe ra khỏi nhà nhưng đã không quay về vợ con, gia đình, người thân.
Ngày ngày tôi đọc báo, những vụ tai nạn giao thông chết người khiến tôi bị ám ảnh. Tôi thấy ghê sợ những bác tài uống bia rượu say vẫn cầm lái phăng phăng trên phố.
Họ không ai khác chính là những thần chết đi động đang di chuyển trên phố. Họ có thể lấy đi bất cứ tính mạng của ai trên đường.
Tôi, cũng như nhiều thanh niên khác, vẫn luôn tự nhủ bản thân rằng trước khi đi nhậu sẽ không uống say, sẽ không cầm lái để gây nguy hiểm cho người khác.
Nhưng không, không thể các ngài ạ! Tôi cũng không ít lần cầm lái trong tình trạng bản thân không kiểm soát được vì ma men.
Đến giờ này, ngồi được bên phòng làm việc, vui đùa với vợ con, bên gia đình và viết được lá thư này gửi đến các ngài, tôi chỉ dám nghĩ đến việc ông bà tổ tiên còn phù hộ để tôi vượt qua được những cơn say và không gây họa cho bao gia đình khác.
Tôi không phủ nhận bản thân mình từng say khi lái xe. Tôi may mắn hơn những người khác là có bạn bè, có nhân viên đến đưa về, lái xe đón đưa mình trong những lúc không tỉnh táo.
Nhưng không phải ai cũng vậy, hằng ngày vẫn có hàng trăm, hàng nghìn người chìm trong men say và leo lên xe mà không biết mình đang đi đâu, làm gì.
Nguy hiểm lắm!
Chỉ trong vòng chưa đầy 3 tuần lễ gần đây, ngay giữa thủ đô Hà Nội, cách trụ sở của các bộ ngành và văn phòng của các ngài không xa là những tiếng khóc thét, gào lên như điên dại của những đứa con mất mẹ, của những người chồng mất vợ, của những người em mất chị hay của những người mẹ già mất con.
Đau đớn lắm thay, tất cả những nỗi đau đó đến từ những thần chết di động trong cơn say.
Người dân thủ đô vẫn hay gọi họ - những con ma men ngồi trên những chiếc ôtô - như những thần chết cầm trên tay thanh đao sắc bén đó là những chiếc “xe điên”.
Nhưng với tôi đó chỉ là một cách gọi ngụy biện, bởi xe có bao giờ điên nếu những người ngồi trên điều khiển những chiếc vôlăng phóng bạt mạng không chìm trong những cơn say.
Mức phạt quá nhẹ
Để tránh những điều đáng tiếc có thể xảy đến cho bất cứ ai, tôi kính đề xuất các ngài tăng cường mức xử phạt áp dụng cho các trường hợp tài xế sử dụng rượu bia vượt quá mức quy định.
Theo tôi, mức xử phạt như hiện nay đang áp dụng theo nghị định xử phạt của chính phủ ban hành trong lĩnh vực xử phạt người lái xe vi phạm nồng độ cồn là quá nhẹ, không đủ mức răn đe.
Cụ thể: Mức phạt nồng độ cồn xe máy theo quy định mới
* Phạt nồng độ cồn được tính khi bạn điều khiển xe máy trên đường mà trong máu hoặc trong hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50-80 miligam/100 ml máu hoặc vượt quá 0,25-0,4 miligam/lít khí thở.
Mức xử phạt được áp dụng là phạt tiền từ 500.000-1.000.000 đồng. Đặc biệt khi gây tai nạn, người điều khiển phương tiện sẽ bị tạm giữ xe 7 ngày và tước giấy phép lái xe 2 tháng.
* Nặng hơn khi nồng độ cồn đo được vượt quá 80 miligam/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở thì bị phạt tiền từ 2.000.000-3.000.000 đồng. Cùng với đó là tước giấy phép lái xe 2 tháng và tạm giữ xe 7 ngày dù không gây ra tai nạn giao thông.
Phạt nồng độ cồn đối với ôtô theo quy định mới:
Mức phạt nồng độ cồn đối với ôtô được cho là nặng hơn, mức phạt được dẫn chiếu theo Nghị định 46/2016/NĐ-CP như sau:
* Mức phạt tiền từ 2.000.000-3.000.000 đồng được áp đối với tài xế ôtô có nồng độ cồn không vượt quá 50 miligam/100ml máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/lít khí thở. Cùng với đó là bị tước bằng lái ôtô từ 1-3 tháng.
* Mức phạt tiền từ 7.000.000 8.000.000 đồng được áp đối với tài xế lái ôtô trên có nồng độ cồn vượt quá 50-80 miligam/100ml máu hoặc vượt quá 0,25-0,4 miligam/lít khí thở. Giấy phép lái xe sẽ bị giam từ 3-5 tháng trong trường hợp này.
* Mức phạt tiền nặng nhất từ 16.000.000 đồng - 18.000.000 đồng được áp đối với tài xế ôtô có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở; bằng lái xe ô tô sẽ bị giam từ 4 đến 6 tháng.
Đây là mức phạt cao nhất cho tới thời điểm hiện tại, theo tôi, là còn quá nhẹ.
Tôi không có ý so sánh nước mình với các quốc gia khác trên thế giới về quy định xử phạt các ma men, nhưng thực tế nếu chúng ta cứ dung dưỡng cho những điều trên thì bản thân mỗi người sẽ luôn có tính ỷ lại và đó chính là nguyên nhân dẫn đến những cái chết thương tâm.
Nước ngoài phạt tù tới 3 năm khi nồng độ cồn 0,15 mg/lít khí thở
Tại Nhật Bản, với nồng độ cồn từ 0,15 mg/lít khí thở (tương đương 1 ly bia), người điều khiển xe bị quy vào lỗi “lái xe trong điều kiện không tỉnh táo”, bị phạt tù lên tới 3 năm và 500.000 yen (khoảng 4.500 USD hay 104 triệu đồng).
Khi cảnh sát giao thông phát hiện tài xế “lái xe trong tình trạng say rượu”, người vi phạm có thể bị phạt tới 5 năm tù và 1 triệu yen (khoảng 200 triệu đồng). Đặc biệt, nếu phương tiện của lái xe say rượu hoặc không tỉnh táo chở theo hành khách, hành khách cũng bị xử phạt tiền hoặc thậm chí ngồi tù.
Rõ ràng chính việc đánh vào kinh tế và “cưỡng chế” theo luật và quy vào các tội danh và xử phạt, ra tòa, ngồi tù là biện pháp cần áp dụng đối với những ma men bất chấp tất cả để lao đi trên phố.
Tại Singapore, phạt tù từ 6 đến 12 tháng và phạt tiền từ 3.000-10.000 SGD (từ 50-130 triệu đồng) đối với tài xế tái phạm lần thứ 2 và phạt 30.000 SGD (510 triệu đồng) và 3 năm tù, tước bằng lái vĩnh viễn đối với tài xế phạm lỗi lần thứ 3.
Nếu bị phát hiện có nồng độ cồn trên 0,35 mg/lít khí thở, người điều khiển phương tiện sẽ bị phạt tiền lên đến 5.000 SGD (tương đương 3.600 USD hay 85 triệu đồng) và đối diện với 6 tháng tù giam.
Tại Hàn Quốc, chỉ uống 3 ly rượu này và ngồi lên xe, người lái xe lập tức đối diện với 3 năm tù giam.
Với nồng độ cồn vượt mức 0,05 mg/lít khí thở, người lái xe sẽ bị quy vào tội hình sự và có thể ngồi tù 3 năm và phạt 10 triệu won (khoảng 8.800 USD hay 206 triệu đồng) và bằng lái sẽ bị thu hồi hoặc đình chỉ tùy thuộc vào mức độ.
Với nguyện vọng của một công dân, tôi kính mong các ngài sớm áp dụng các hình thức tăng nặng đủ sức răn đe để đủ ngăn chặn và đánh thức những con ma men trong mỗi người.
Với một niềm tin mãnh liệt vào một chính phủ hành động, tôi sớm mong nhận được tin vui và những chỉ đạo quyết liệt của những người đứng đầu bộ máy chính phủ để góp phần ngăn chặn, đẩy lùi được những vụ tai nạn giao thông không đáng có, góp phần thúc đẩy kinh tế và đưa đất nước ngày một tiến bước sánh vai với các cường quốc năm châu.
PHAN BÁ MẠNH (CÔNG TY ACF)