Sư thầy giành học bổng toàn phần ở Harvard: 'Chúng ta cần xác định rõ công danh, tiền bạc… có chắc mang đến hạnh phúc thực sự'

Sư thầy giành học bổng toàn phần ở Harvard: 'Chúng ta cần xác định rõ công danh, tiền bạc… có chắc mang đến hạnh phúc thực sự'

Logo Saostar - Special special

Sư thầy giành học bổng toàn phần ở Harvard: 'Chúng ta cần xác định rõ công danh, tiền bạc… có chắc mang đến hạnh phúc thực sự'

Copy Link
Chia sẻ

Hồi cuối năm 2018, nhiều người xôn xao vì chuyện sư thầy Thích Tâm Tiến giành học bổng Ths toàn phần tại ĐH Harvard danh giá hàng đầu thế giới. Không ít người nghĩ, người tu hành tức là đã đoạn tuyệt hồng trần, không màng công danh, sự nghiệp… Thế nên, chuyện một nhà sư đi du học, apply học bổng bỗng nhiên lại trở thành trường hợp hiếm gặp, lạ kỳ.

Trải lòng về điều này, thầy Thích Tâm Tiến từng nói, đối với ông, tu không có nghĩa là xa lánh cuộc đời. “Đây là con đường mà tôi chọn đi để tìm nguồn an lạc và mang niềm an lành đó đến với mọi người”.

Tu đạo Phật từ năm 15 tuổi, thầy Thích Tâm Tiến là người có cái nhìn rất sâu sắc, thực tế về nhiều vấn đề trong cuộc sống. Dưới đây, Saostar xin trích lại một số chia sẻ của thầy về vấn đề cầu may, cầu tình duyên, CÔNG DANH, SỰ NGHIỆP và những chiêm nghiệm về 2 chữ HẠNH PHÚC.

Sư thầy giành học bổng toàn phần ở Harvard: 'Chúng ta cần xác định rõ công danh, tiền bạc… có chắc mang đến hạnh phúc thực sự'

Dịp đầu xuân, tôi thấy rất nhiều người thường đổ xô đi lễ chùa dâng sao giải hạn cầu may mắn, cầu tình duyên, công danh, tiền tài phát đạt. Cũng có nhiều người lại hỏi tôi, thật ra thì dâng sao có giải được hạn và đi lễ chùa cầu duyên có thật sự xin được duyên?

Tôi nghĩ việc “dâng sao” và “giải hạn” có trong kinh Phật hay không thì rất nhiều vị Thầy đã trả lời. Tôi không muốn mang lịch sử kinh điển để bàn thêm. Chúng ta sống trong một thế giới đa chiều và cuộc sống bị chi phối dưới nhiều mối nhân duyên. Nếu một người chỉ chuyên làm việc trái pháp luật và sống một cuộc đời tội lỗi thì họ có thể “giải” được hạn khi mang tiền bạc đến một ngôi đền nào đó “cúng sao” được không? Chắc chúng ta đều đã biết câu trả lời.

Nếu một người cả đời chỉ sống lương thiện, giúp đỡ, yêu thương mọi người và cứ mỗi năm Tết đến, họ cũng như bao người lương thiện khác, theo một “truyền thống lâu năm” sắm sửa lễ vật để dâng lên cúng sao (tôi nghĩ những người lương thiện này thực sự cũng chẳng cần cúng sao làm gì, vì họ cũng đâu có gì sai trái đâu mà lo!).

Sư thầy giành học bổng toàn phần ở Harvard: 'Chúng ta cần xác định rõ công danh, tiền bạc… có chắc mang đến hạnh phúc thực sự'

Thử hỏi một người mà chỉ biết cau có, khó chịu với đồng nghiệp thì dù họ có cúng cả nghìn ông sao họ cũng sẽ không bao giờ được thương. Mình muốn được người khác thương thì mình phải dễ thương chứ! Đúng không?
Sư thầy Thích Tâm Tiến

Nhiều người cũng đi lễ chùa để cầu công danh phát đạt nhưng tôi nghĩ, nếu muốn được thế thì hãy “làm việc mình thích và thích việc mình làm”. Khi làm việc gì đó nên làm một cách “có tâm”. Xem việc đó là việc của mình và mình được làm nó thay vì là bị làm. Nếu một người không thực sự thích công việc của anh ta thì anh ta sẽ không bao giờ có hạnh phúc khi làm việc đó. Nếu đã không hạnh phúc thì cũng khó đưa đến thành công.

Tuy nhiên không phải ai cũng đủ phước để được làm việc mình thích. Có những người “phải” làm việc mình không thích chỉ vì đó là “kế sinh nhai”. Với tôi, có một công việc ổn định, được thức dậy mỗi sớm mai, và có một gia đình để trở về là một điều may mắn lớn mà chúng ta đang có. May mắn hơn nữa là chúng ta còn có sức khoẻ tốt để đi làm (dù làm việc mình thích hay không), có cuộc sống vừa đủ, có một mái ấm gia đình, vậy còn may mắn nào hơn nữa đây? Còn cầu gì nữa? Đúng không?

Nói đến chuyện đi lễ chùa để cầu may mắn, công danh, tình duyên mà thành thì tôi nghĩ mấy thầy ở chùa đã làm chức to lắm rồi! Thực tế, người ta đến chùa cầu chỉ là một hình thức trấn an tâm lý. Tôi thấy thường việc trấn an tâm lý góp phần quan trọng trong sự thành công của mỗi người.

Khi một em học sinh bước vào kì thi đại học, em đó đến chùa cầu nguyện mong sao sẽ thi được điểm cao. Điều này không sai. Nhưng em có được Phật giúp trong kì thi không thì chắc chỉ có Phật mới biết. Điều quan trọng là em đó có ôn bài kĩ hay không, có nghỉ ngơi đủ hay không, có ăn uống đủ hay không? Nếu những yếu tố này đều tốt thì việc đến chùa cầu nguyện sẽ hỗ trợ em đó thêm một phần nữa trong việc thi cử.

Nếu em đó đến chùa mà gặp tôi thì tôi sẽ khuyên rằng “khi em cảm thấy căng thẳng với bài thi, em hãy dừng 1 phút để hít thở thật sâu và tiếp tục làm”. Đây là những điều rất thực tế và tâm linh.

Chùa, đền không phải là nơi mua danh bán chức. Cho nên nếu ai đó mà cầu công danh ở chùa thì nên xem lại.

Sư thầy giành học bổng toàn phần ở Harvard: 'Chúng ta cần xác định rõ công danh, tiền bạc… có chắc mang đến hạnh phúc thực sự'

Khi tôi đi học, nhiều người hỏi tôi sao đi tu rồi còn phải đi học. Tôi là một người “xuất gia” tức là ra khỏi nhà. Thế giới này là một cái nhà lớn. Nhưng cái nhà mà tôi muốn ra khỏi là nhà khổ đau chứ không phải cả thế giới này. Ai cũng có những nỗi khổ riêng và khi nghĩ được như thế thì tôi muốn trở lại ngôi nhà này để giúp đỡ mọi người.

Tuy nhiên, không phải ai cũng có khả năng giúp đỡ người khác nếu như bản thân không biết gì. Vì vậy tôi mới đi học, học để biết cách giúp như thế nào cho nó hiệu quả.

Giới trẻ là tầng lớp mà tôi hướng tới nhiều nhất. Bản thân tôi cũng là một người trẻ cho nên tôi hiểu được phần nào sự mất phương hướng và khát vọng cống hiến trong giới trẻ. Điều đó thúc dục tôi phải học thật giỏi, tu thật tốt để hướng dẫn các bạn trẻ cùng tìm con đường cho mình.

Sư thầy giành học bổng toàn phần ở Harvard: 'Chúng ta cần xác định rõ công danh, tiền bạc… có chắc mang đến hạnh phúc thực sự'

Sự nghiệp của người tu là trí tuệ. Luôn luôn hướng đến sự học và sự tu để từ chuyển kiến thức thành trí tuệ. Trí tuệ là khả năng chuyển hoá những khó khăn, thử thách và khổ đau trong đời sống. Trí tuệ là khả năng mang năng lượng tích cực đến cho bản thân và cho cộng đồng. Cho nên sự nghiệp của người tu như chúng tôi có vẻ khác rất nhiều so với sự nghiệp mà người đời theo đuổi.

Nhưng trên hết, tôi không có bất kì nhận xét gì về việc người ở đời đi tìm kiếm công danh sự nghiệp. Miễn là họ làm việc đúng lương tâm đạo đức của mình. Tôi chỉ có một lời khuyên nhỏ đó là mỗi người nên tự hỏi “Mục đích của cuộc đời mình là gì?” Có phải kiếm thật nhiều tiền, có phải đi kiếm công danh, có phải xây căn nhà thật lớn? Và hỏi thêm “Để làm gì?” Để hạnh phúc, để bình an, để sung sướng? Tôi nghĩ mỗi người sẽ có từng câu trả lời riêng, nhưng tất cả những thứ vật chất và tiện nghi chỉ là phương tiện cho ta có một cuộc sống tốt, còn nếu muốn có một cuộc sống an lành và hạnh phúc thực sự thì lại là một vấn đề khác.

Tôi không dám nói các bạn trẻ “nên” suy nghĩ theo một cách nào cả. Tôi luôn nghĩ rằng chúng ta cần phải xác định rõ ràng việc tìm kiếm những “điều kiện” như công danh, sự nghiệp, tiền bạc có chắc mang lại hạnh phúc thực sự?
Sư thầy Thích Tâm Tiến

Có thể khi có được nhiều của cải chúng ta sẽ không lo lắng về sự thiếu thốn, nhưng có chắc rằng sống giàu sang thì luôn hạnh phúc! Trong tình yêu cũng thế thôi! Nếu yêu nhau chỉ vì vật chất và những thứ “nhãn mác” bên ngoài của một người nào đó thì tình yêu đó khó mà tồn tại lâu dài.

Tôi nghĩ giới trẻ là những người cần một đời sống tâm linh nhất. Đời sống vật chất chỉ mang lại sự thoả mãn nhất thời, còn đời sống tâm linh chính là nền tảng quan trọng cho cuộc sống cân bằng và vững vàng.

Đơn giản một việc đó là khi chúng ta ngồi thiền, chúng ta sẽ làm lắng dịu lại những lo toan, phiền não. Chúng ta sẽ nhận ra được điều gì là quan trọng, đâu là ranh giới của đạo đức,… Chính những điều này sẽ giúp chúng ta có những quyết định sáng suốt trong những việc mình làm. Cho nên, ngoài khả năng sáng tạo, dám nghĩ dám làm của giới trẻ, tôi tin rằng nếu có thêm một đời sống tâm linh thì giới trẻ còn tiến xa hơn nữa trong cuộc sống của bản thân và trong sự cống hiến cho xã hội.

Bài viết

Vương Phi

Thiết kế

Tú Nguyễn

Copy Link
Chia sẻ
Cuộn xuống để đọc tiếp Đọc
tiếp