Gần đây, mạng xã hội lan truyền hình ảnh người đàn ông dầm mình trong nước lũ, cố gắng giữ chiếc chậu nhựa có vợ và con ngồi trong, còn người vợ mặt mếu máo vì hoảng sợ, địu con nhỏ trước ngực.
Kèm theo đó đã thông tin: "Nghẹn lòng hình ảnh sơ tán của một gia đình ở xã Ngọc Linh, Vị Xuyên, Hà Giang... Bão số 3, mưa lũ và những đau thương mất mát không bao giờ nguôi ngoai…".
Ngay sau khi được đăng tải, bức hình đã thu hút hàng trăm nghìn lượt chia sẻ và bình luận. Ai cũng xót xa trước cảnh tượng gia đình đùm nhau qua mưa lũ, đồng thời hi vọng lũ lụt sẽ sớm trôi qua để người dân ở phía Bắc ổn định cuộc sống.
Tuy nhiên, một số người lại tinh ý nhận ra đây không phải bức ảnh chụp trong đợt bão lũ lần này. Bởi giữa mưa lũ lớn, ít ai có thể chụp được bức ảnh sắc nét và nghệ thuật như vậy.
Uỷ ban nhân dân xã Ngọc Linh (Vị Xuyên, Hà Giang) đã lên tiếng đính chính về bức ảnh trên thông qua fanpage trên Facebook. Theo đó, thông tin được lan truyền là sai sự thật.
Trong bức hình là vợ chồng anh Phạm Xuân Dư, có hộ khẩu thường trú tại thôn Tân Lập, xã Ngọc Linh. Thời gian qua, vợ chồng anh làm công việc là YouTuber tại địa phương. Hình ảnh trên là một trong những nội dung của anh được thực hiện vào thời điểm mưa lũ.
Ủy ban nhân dân xã Ngọc Linh cũng đề nghị người dân tỉnh táo trước các thông tin lan truyền trên mạng xã hội, cần theo dõi thông tin chính thức tại các website, báo chí chính thống và không chia sẻ những thông tin trên mạng khi chưa được kiểm chứng chính xác.
Phía dưới bài đăng, anh Phạm Xuân Dư cũng xác nhận thông tin đính chính của Ủy ban nhân dân xã Ngọc Linh.
"Rất may có bài viết của UBND xã Ngọc Linh giúp mọi người hiểu rõ hơn. Vì nước lũ lên nhanh và không kịp di tản sớm. May mắn không có thiệt hại về người. Tài sản cũng kịp được các anh ở xã giúp chuyển đến nơi an toàn", anh viết.
Trước đó do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 3, từ sáng ngày 9/9 trên địa bàn xã Ngọc Linh có nhiều điểm đã bị ngập úng cục bộ: Thôn Ngọc Hà, Đội 5, Nậm Dầu, Tân Lập, Lũng Loét, Khuổi Vài...
Ngay sau khi xảy ra mưa lũ ngập úng, xã đã huy động các lực lượng tích cực khắc phục hậu quả và đảm bảo an toàn cho các phương tiện di chuyển tại các thôn xảy ra ngập úng với phương châm 'bốn tại chỗ' (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ) để hỗ trợ, sơ tán người và tài sản của nhân dân đến nơi an toàn.