LTS: Nói đến Dubai, các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), trong suy nghĩ của mọi người là sự giàu sang, hào nhoáng, đẳng cấp ở khắp mọi nơi, là những chiếc siêu xe nhan nhản trên phố như xe máy ở Việt Nam, các toà nhà chọc trời đi trước thời đại, ATM rút vàng… và Hội con nhà giàu Dubai đình đám khắp thế giới…
Song, gần đây, sự hào nhoáng ấy đang dần được bóc tách từng phần, cho thấy nhiều mặt trái cuộc sống tại Dubai, cũng như trong UAE. Đó là những phòng “mát xa đa quốc gia” với các cô gái đến từ mọi vùng miền lãnh thổ, khu ổ chuột của dân lao động nghèo, công trường nắng nóng 40 - 50 độ đầy mồ hôi bụi bặm… khiến ai nấy đều vỡ mộng về một cuộc sống nhung lụa, vốn chỉ tồn tại trong lời đồn đại và đúng với dân bản địa mà thôi. Qua trải nghiệm thực tại Dubai, một vài người Việt đã đem đến góc nhìn khác về đời sống dân nhập cư, cùng những góc khuất u buồn của biết bao mảnh đời xa xứ.
Việt Nam đã bước sang tháng giao mùa, còn bên Dubai, cái nắng gay gắt thiêu đốt da người vẫn đang tiếp diễn.
Mọi người thường gọi tôi là H.Nguyễn. May mắn được làm trong salon, nhàn nhã, mát mẻ với mức lương đủ sống, tôi là một trong số những phụ nữ Việt Nam tìm đường sang quốc gia Trung Đông giàu có này để kiếm tiền, ước mong đổi đời. Năm nay cũng 27 tuổi, chẳng son sắc như hoa hậu mà ham lấy chồng Dubai. Tôi là single mom, con trai còn rất nhỏ phải gửi ông bà ở quê hương.
Làm việc trong môi trường có điều kiện tiếp xúc với tầng lớp thượng lưu bản địa thường xuyên, tôi thấy phụ nữ Dubai đều rất đẹp, họ giàu có thực sự, lối sống hưởng thụ và đi làm đẹp suốt ngày. Con gái bên này rất có giá, đàn ông Dubai muốn cưới vợ phải bỏ ra một số tiền, vàng cực lớn, tổ chức linh đình. Kể ra cũng ghen tị. Tôi thích tìm hiểu về cuộc sống của phụ nữ bên này, đôi khi ngắm họ xong nhìn lại mình, thấy tủi thân, phong tục mỗi nơi mỗi khác, số mình không sướng bằng thì chấp nhận vậy, ổn như bây giờ cũng chẳng mong gì hơn.
Mấy tháng trước, tôi còn ở bên này với em gái, nhưng con bé về nước một thời gian rồi. Ở gần thì cãi nhau tối ngày đủ thứ, giờ còn mỗi mình, đôi lúc tôi thấy tủi thân, nhớ nó vô cùng. Nhớ nhà, nhớ con trai nữa…
Sống và làm việc ở đây cũng được vài năm, tôi chứng kiến nhiều chuyện khá thú vị ở đất nước xinh đẹp giàu có này. Thành phố tôi ở khiến người ta choáng ngợp vì lộng lẫy xa hoa. Tôi ít khi đi lang thang thăm thú một mình, nhưng thỉnh thoảng vẫn rủ vài cô gái nước ngoài (có cả phụ nữ Việt) cùng nhau đi ăn, đi chơi, mua sắm. Thế là tôi có dịp biết thêm vài điều ngạc nhiên. Bạn của cô em gái có một số người phải hành nghề buôn phấn bán hương để kiếm thêm thu nhập. Đấy là sự thật, chẳng ai bịa ra, bởi chính những cô gái nước ngoài sang Dubai bán thân còn chẳng hề ngại ngần giấu giếm, miễn kiếm được nhiều tiền.
Người nước ngoài, nhất là phụ nữ sang đây thì làm nhiều nghề khác nhau: giúp việc, salon, lao động tay chân, nấu ăn… và có cả bán “vốn tự có” nữa.
Nói về chuyện làm gái thì nhạy cảm, tôi cũng chẳng muốn kể ra nhiều làm gì, gần đây cảnh sát khắt khe hơn thì họ làm chui. Chính vì thế nên ở Việt Nam nghe phong thanh cũng nhiều, bố mẹ tôi hồi đầu suốt ngày bắt 2 chị em gọi video về cho yên tâm.
Gái bán hoa ở Dubai làm hình thức gì cũng có, nhưng đa phần là trong shop matxa. Bên này có nơi gọi tên như thế, matxa thì ít dịch vụ thì nhiều. Hoặc phổ biến là chào mời trong sàn, hotel… Những cô gái trẻ đó thường nghĩ là xinh như họ làm salon thôi thì phí, lương salon chỉ hơn 10 triệu, không đủ cho họ ăn chơi, rồi gửi về nhà nữa. Nên họ kinh doanh vốn tự có làm nghề tay trái luôn.
Tôi sang làm hợp đồng 2 năm mới được tăng lên 18 triệu. Với mức lương đó, tôi đủ tiêu xài nhu cầu cá nhân và sở thích shopping, ăn uống như nhiều cô gái khác. Sinh hoạt phí ở Dubai với tầng lớp nghèo và bình dân cũng không khác Việt Nam là mấy, chỉ có dân bản địa thực sự giàu mới có lối sống xa xỉ. Nhưng lương của tôi hoá ra chỉ bằng… 1/5 so với thu nhập của những cô nàng “lan quế phường”, tầm 100 triệu/ tháng. Cả khách lẫn “hàng” đều có gốc gác thập cẩm khắp nơi, thậm chí nhiều phụ nữ U40 vẫn cố hành nghề, đơn giản vì lười lao động, muốn kiếm vốn nhanh. Mà tầm như họ, có già xấu thế nào, vẫn kiếm được 40 - 50 triệu/ tháng, gấp mấy lần công chức ở nhà nai lưng ra cày (!).
Đã có lần tôi được tận mắt tận tai gặp và nghe họ buôn chuyện với nhau ở sân bay, trong một lần gửi đồ về Việt Nam. Đó là những người bị trục xuất về nước sau khi bị cảnh sát bắt quả tang bán dâm. Về quê rồi, họ lại tìm cách sang, theo visa du lịch, cứ thế, thành ra cảnh sát Dubai ngày càng chú ý, gắt gao hơn trong việc quản lý phụ nữ nhập cư, xuất khẩu lao động. Điều này cũng ảnh hưởng ít nhiều đến những phụ nữ sang làm công việc chân chính gửi tiền về quê hương, như tôi. Chẳng phải tự khen đâu, nhưng sống ở một nơi cách nhà gần nửa vòng Trái Đất, tôi chỉ luôn nghĩ sẽ tích cóp chút vốn rồi trở về với con, tôi chẳng muốn sa vào những cái phù phiếm, để rồi phải trả giá đắt.
Ngoài những cô gái tự nguyện sang Dubai đổi đời bằng cách buôn phấn bán hương, thì cũng có nhiều phụ nữ trẻ bị lừa bán làm gái mại dâm, phải chịu nhiều cay đắng nếu không được cảnh sát giải cứu. Và có cả những phụ nữ nghèo, lương thiện, chất phác, sang làm thuê bị chủ trả lương thiếu, không hiểu biết nên tự ý bỏ trốn, cực khổ, bị bắt lại… Nỗi niềm ấy, làm gì có ai chịu thay, mấy ai thấu hiểu? Thế đấy, nhắc đến Dubai, còn ai bảo sướng nữa không?
Bên cạnh những câu chuyện đời thường tôi vừa kể, thì còn nhiều cái “vỡ mộng” khác nữa cũng từng được phơi bày, đến chính bản thân tôi còn thấy kinh ngạc. Như chuyện ăn xin kiếm tiền tỷ trên đường phố Dubai làm thiên hạ xôn xao cách đây không lâu. Ăn mày là có thật, nhưng nó không phải tình trạng tràn lan, ai thích vác chiếu ra ngồi với cái lon cũng được. Cảnh sát địa phương quản lý rất chặt chẽ hình ảnh đường phố, nên thực tế rất hiếm thấy ăn xin ở thành phố hoa lệ này.
Tuấn Anh (24 tuổi), chàng trai trẻ Nghệ An sang xuất khẩu lao động ở Dubai, cùng cảnh ngộ xa xứ như tôi, trần tình về cái chuyện đời thường mọi người vẫn hay hiểu nhầm: “Mình ở đây hơn 3 năm rồi, chưa thấy ăn xin bao giờ, chỉ thấy có vài phụ nữ kiểu chồng chết, dắt theo con nhỏ đi xin đồ ở các trung tâm thương mại lớn. Đường phố rất sạch sẽ. Không có hình ảnh nào xấu xí cả”.
Từng có báo đài quay được cảnh ăn xin ở đây rồi, nhưng nó hiếm lắm. Và lộ ra rồi thì cảnh sát bắt ngay. Tôi ở đây 2 năm chưa thấy người vô gia cư bao giờ. Nếu thật sự lê lết trên phố mà kiếm được mấy tỷ một tháng thì mình cũng bỏ việc salon làm ăn xin luôn rồi (cười).
Rồi cả chuyện lao động ngoài công trường, cánh đàn ông khổ hạnh hơn phụ nữ rất nhiều. Ở các nước UAE phát triển, họ thuê nhân công khá nhiều. Giữa cái nắng nồi da nấu thịt, 2 năm không một cơn mưa, có 2 mùa thì 1 mùa nắng ít 1 mùa nắng nhiều, những người lao động nghèo đến từ khắp các quốc gia như Ấn Độ, Philippines, Việt Nam… cứ chôn vùi năm tháng tại sa mạc, làm việc quần quật mà ăn uống lại kham khổ. Tuấn Anh sang Dubai với công việc là thợ cơ khí, lúc đi trắng trẻo đẹp trai, giờ thì… không khác ngựa vằn châu Phi. Cậu ở chung với vài người Việt, cũng gọi là may mắn, đỡ buồn tủi, tiện nghi không thiếu, cũng được phân chia sống tại các camp như khu tập thể ở Việt Nam, nhưng ở xứ khô cằn xa lạ ấy, quanh năm làm bạn với nắng hạn và lũ lạc đà, thì họ chỉ thèm một miếng cà dầm, bát canh chua quê hương… 1 năm về nước 1 lần, ông nào ông nấy trước khi sang trở lại cũng mua cả chục thùng mì tôm, mắm ruốc, đồ khô. Vì Dubai ăn ngon mặc đẹp chỉ có dân bản địa, thượng lưu, còn kẻ làm thuê, họ chỉ loanh quanh cuộc đời bên phía tối tăm ảm đạm, ngay cạnh thành phố hoa lệ rực rỡ bất kể ngày đêm.
Hoa cho người giàu, và lệ cho người nghèo…
Đó là những sự thật trần trụi về cuộc sống tha hương cầu thực nơi đất khách quê người, tại cái xứ sang chảnh mà ai cũng mơ ước được đến một lần. Mấy câu chuyện phiếm nghe xong ai cũng mỉm cười vui vẻ, nhưng ẩn sau đó vẫn len lỏi một cảm giác chua xót. Phận đàn bà, còn nhiều thiệt thòi hơn…