Cơm nắm muối vừng trước đây vốn là món ăn dân dã ở nông thôn, nhưng hiện nay với sự bình dân và tiện dụng, nó đã trở thành món ăn sáng phổ biến của dân thành thị. Trên nhiều tuyến phố ở Hà Nội như Xuân Thủy, Nguyễn Phong Sắc, Chùa Bộc, Thái Hà….có thể dễ dàng bắt gặp những chiếc thúng đề biển “cơm nắm, bánh dày giò”.
Cả tháng nay, nhiều người bán cơm nắm vỉa hè được mọi người hỏi thăm rất nhiều về mức thu nhập 50 triệu/tháng như thông tin họ đọc được trên một tờ báo điện tử, vậy nhưng thực tế thì thu nhập của họ chỉ bằng 1/10 so với con số trên, chưa kể những nỗi vất vả, nhọc nhằn ít ai thấu hiểu. Thông tin sai lệch dẫn đến sự hiểu nhầm và gây phiền toái đến cuộc sống bươn chải mưu sinh vốn đã chẳng hề dễ dàng của họ.
Ngồi bán cơm nắm trước cổng một trường Đại học trên đường Nguyễn Phong Sắc (Cầu Giấy, Hà Nội), khoảng gần 9 giờ sáng, dù vừa qua giờ nghỉ giải lao sinh viên ra mua đồ ăn khá đông nhưng mâm bánh dày, cơm nắm của chị Nguyễn Thị Hồng (Hưng Yên) vẫn còn khá nhiều. Chị Hồng bật cười khi được hỏi về mức thu nhập “khủng” như lời đồn đại.
“Có hôm ế mang bánh đi bán dạo người ta cũng hỏi chuyện thu nhập 50 triệu/tháng mà chỉ biết cười. Bán được bao nhiêu đâu, hôm nào nhiều thì 3 chục cơm, bình thường thì 2 chục cơm nắm và vài cái bánh là cùng, có hôm còn ế mang về, lấy đâu mà được lắm thế?” - Chị Hồng chia sẻ.
Chị Hồng cũng cho biết, cách đây vài năm, một vắt cơm nắm muối vừng chỉ 2.000 đồng, cơm nắm ruốc giá 3.000 đồng, hiện nay tăng lên 5.000 đồng , nếu khách hàng muốn cho thêm giò thì tính thêm tiền, nhưng cũng không quá 10.000 đồng cho một suất cơm nắm.
Clip: Chị Hồng khẳng định thông tin thu nhập 50 triệu/tháng của người bán cơm nắm là sai sự thật.
Mỗi ngày chị dậy làm hàng từ 3 giờ sáng rồi bắt xe bus hơn 1 tiếng đồng hồ mới đến Hà Nội, bán hàng đến quá trưa rồi lại bắt ngược xe về Hưng Yên, có hôm về tới nhà thì đã 2-3 giờ chiều. Rong ruổi và vất vả như vậy nhưng có không ít hôm cơm và bánh ế phải đổ đi, còn nếu suôn sẻ thì cả gốc lẫn lãi chị thu được vài trăm ngàn.
Đã mười mấy năm gắn bó với nghề “cắp thúng” đi bán cơm nắm, nắng cũng như mưa, chị Trần Thị Mười (quê Hưng Yên) chủ yếu bám trụ vỉa hè khu vực phố Chùa Bộc (Đống Đa) để mưu sinh.
Trước đây, chị Mười từng làm công nhân trong khu công nghiệp nhưng vì bận con nhỏ nên chị chuyển qua nghề bán cơm nắm để linh động thời gian hơn và gắn bó tới tận bây giờ.
Chị Mười rất bức xúc trước những thông tin không đúng sự thật về thu nhập của những người bán cơm nắm như mình.
“Ngày nào căng thì được 400 -500 ngàn cả vốn lẫn lãi, toát hết cả mồ hôi chứ sung sướng gì đâu? Làm việc trí óc còn chưa được mức lương 50 triệu/tháng. Bây giờ người khôn của khó, kiếm được đồng tiền phải ngó trước ngó sau. Những người chưa xác minh rõ thông tin mà đã quy chụp, khiến những người bán hàng như tôi rất khó chịu vì bị hiểu nhầm.”
Cũng giống như chị Mười, chị Hương bán hàng trên phố Thái Hà than thở : “Tôi bán 2 ngày đắt hàng, cả gốc cả lãi cũng chưa đầy 1 triệu sáu như bài báo nói. Hỏi những người xung quanh đây, từ chị bán quần áo đến chú bảo vệ là có tin thu nhập của chúng tôi cao như thế không? Mọi người cũng không ai tin, kể cả những người mua hàng tò mò hỏi cũng để xác minh lại vì chính họ cũng nghi ngờ về con số quá viển vông này. Vậy mà không hiểu sao người ta lại viết như thế, tôi thấy thật nhảm và vô lý quá!”.
Chị Hương cho biết thêm, chị bán hàng ở đây đã lâu, khách hàng thân quen rất nhiều và đa dạng. Từ những người lao động lam lũ, sinh viên đến những người đi ô tô sang trọng, nhưng chưa bao giờ chị lấy của họ thêm một đồng nào.
Để làm ra những nắm cơm ngon lành, những người bán cơm nắm phải dậy từ 2-3 giờ sáng, mất cả tiếng đồng hồ họ mới thổi cơm xong. Bán hàng đến quá trưa, buổi chiều họ lại bắt tay vào làm muối lạc, muối vừng hết nửa buổi, muối vừng lạc chỉ sử dụng quá 2 ngày để đảm bảo độ thơm ngon, chưa kể còn phải đi mua giấy, dọc giấy và những công việc không tên khác…Công việc cứ xoay vần liên tục và vất vả chứ không hề nhẹ nhàng mà lại “lãi to” như nhiều người vẫn tưởng.
Lao động kiếm đồng tiền chân chính thì có lẽ không có nghề nào là nghề an nhàn. Cũng như bao cuộc đời khác, đằng sau những người bán cơm nắm là cả một gia đình, là những đứa con cần được nuôi nấng, học hành. Đôi gánh gồng trên những bờ vai kia vốn đã đủ nhọc nhằn, nặng trĩu, những thông tin sai lệch, làm cho sự thật trở nên khác đi so với thực tế, sẽ gây ảnh hưởng đến cuộc sống vốn dĩ đã chẳng có chút an nhàn của những người phụ nữ tảo tần kia.
Một tháng những người bán cơm nắm thu nhập 50 triệu thì tại sao họ lại phải ở nhà cấp 4, phải bon chen trên những chuyến xe bus từ sớm tinh mơ? Nếu có một công việc nào đơn giản, dễ kiếm thu nhập “khủng” như thế thì tôi tin rằng các chị đã không phải lam lũ và người ta đã đổ xô đi bán cơm nắm cả rồi!.