Gặp lại Thảo Trần (SN 1991), một tuần sau chương trình Shark Tank (Thương vụ bạc tỷ), công việc của cô nàng dường như bận rộn hơn. Uống một tách cafe, trong chiều Sài Gòn mưa phùn, Thảo vẫn không ngừng nhắc về những niềm vui mới của mình.
Ở tuổi 27, từ bỏ công việc ổn định tại Mỹ, Cathy Thảo Trần quyết định trở về Việt Nam, bắt đầu start-up bằng việc cung cấp ứng dụng tìm nhà trọ cho mọi người, mang tên Ohana. Hoạt động cộng đồng, đầy tính nhân văn của CEO 9X này sớm được quan tâm, khích lệ. Đỉnh điểm là cô nhanh chóng mang về thêm 3,5 tỷ đồng chỉ trong 15 phút vỏn vẹn trên truyền hình.
Thế nhưng, ai biết rằng, đằng sau thời khắc ngắn ngủi ấy, Cathy Thảo Trần đã có nhiều năm lăn lộn trên thương trường, kêu gọi hàng chục lần đầu tư trong nước mắt… cho đến cái gật đầu đầu tiên - Đồng ý!
Chào Cathy Thảo Trần, sau Shark Tank, cuộc sống của chị có gì thay đổi không?
Bận rộn hơn! (Cười).
Vì thực sự tôi không đoán được lượng chủ nhà và nhà đầu tư hiện giờ cứ tăng lên liên tục mỗi ngày. Điều đó khiến tôi vừa vui, cũng vừa lo vì không biết có phục vụ tốt khách hàng hay không? Nhưng, với một start-up, vậy mới đáng sống…
Trước khi về Việt Nam, cuộc sống của chị ở nước ngoài như thế nào?
Thực ra, ngày xưa, gia đình tôi nghèo lắm! Mỗi ngày, ba mẹ tôi còn phải gồng lên để chạy cho các con đủ ăn đủ mặc.
Và cái ký ức ấy, luôn nhắc nhở tôi phải biết vươn lên. Tôi đã âm thầm tự đi xin học bổng. Nhưng những ngày đầu thì hoàn toàn phải giấu, và nói dối ba mẹ rằng mình học về kinh tế. Vì ba mẹ đều làm trong ngân hàng nên họ muốn tôi theo. Tôi chỉ nghĩ rằng đã có cơ hội ra một nền văn hoá khác, dân tộc khác thì tại sao không tìm hiểu hết về nó. Đó là lý do tôi xin xét tuyển vô ngành văn học.
Khi học xong, tôi lại từ Úc sang Mỹ làm việc và nhanh chóng nhận được mức thu nhập khá cao.
Với công việc ổn định như thế tại Mỹ, sao chị lại quyết định bỏ tất cả để trở về Việt Nam?
Thực ra, quyết định đến một chỗ nào nhất định thì tôi chưa xác định. Tôi chỉ thấy ở đâu có cơ hội phát triển thì đi thôi.
Một phần, Việt Nam là nơi tôi sinh ra, ba mẹ cũng muốn tôi về sống cùng gia đình. Phần khác, lúc ở Mỹ, cuộc sống của tôi cứ êm đềm, ổn định quá, làm tôi suy nghĩ nhiều. Trong một lần vô tình về nước, tôi lại tìm được cái cái lửa đã mất.
Tôi thấy tốc độ tăng trưởng của Việt Nam còn cao hơn cả Trung Quốc nữa (6,8% so với 6,7% GDP). Và nó là chỗ mà tôi có thể phát triển, nên nếu còn trẻ, muốn làm nhiều thứ thì tại sao mình không thử. Thế nhưng, Việt Nam chỉ là điểm dừng chân bây giờ thôi. Biết đâu 5-7 năm nữa, tôi lại ở nơi nào trên thế giới nữa.
Trở về Việt Nam, chị có vấp phải những khó khăn với cuộc sống mới này?
Dân start-up thì không bao giờ có chuyện khó khăn! Chúng tôi luôn xem mọi thứ là vấn đề cần được giải quyết. Mỗi ngày, tôi luôn đề ra tất cả phương pháp có thể thử cho đến khi nào thành công thì thôi!
Thời gian đầu kêu gọi vốn, tôi đã phải đối mặt với cảm giác rằng: là nữ, lại còn non trẻ, thiếu kinh nghiệm… thì người Việt sẽ có cái nhìn nhất định. Họ chỉ cho tôi lời khuyên, như: đi lấy chồng đi cho khỏe, hoặc đặt câu hỏi: sau này lỡ tôi có chồng con thì sao?… hơn là tin tưởng và đồng hành cùng.
Đó là khoảng thời gian kinh khủng nhất. Nhưng lúc nào, tôi cũng xem đó là trải nghiệm, trải qua rồi thì sẽ trưởng thành và có tầm nhìn hơn.
Cái duyên bắt đầu với ứng dụng tìm nhà trọ cộng đồng Ohana đến với chị như thế nào?
Ban đầu tôi chỉ là tạp vụ thôi (cười!). Vì lúc đó, mọi người còn mặc định là tôi học văn thì ít có khả năng gì về IT. Tôi mới làm CEO cách đây hơn một năm thôi!
Nhưng chuyện thuê trọ này thì đã có vấn đề với tôi từ lâu rồi. Vì tôi vô gia cư hơn 10 năm, cũng chuyển trọ trên dưới 20 lần nên rất hiểu khó khăn của nó. Tôi đã đặt câu hỏi: tại sao một điều cơ bản như vậy mà chưa ai giải quyết được?
Cho đến đợt nghỉ Tết Nguyên đán, cả bọn đang chán vì không có gì làm. Ngay lúc đó, nhóm đề xuất ý tưởng thực hiện App nhà trọ. Thứ nhất, vì đây là vấn đề cơ bản hàng ngày, thứ hai cũng vì lúc đó mọi người trong nhóm đều đang ở trọ, chật vật mãi trong vấn đề này. Khi nghe xong, cả bọn đều ồ lên: “giờ phải quyết ngay”. Thế là, cho ra bản thương hiệu đầu tiên.
Chúng tôi đặt ra mục tiêu: nếu trong vòng một tháng không tới 500 User thì đóng cửa. May mắn, qua 30 ngày đã được hơn 2000 - đó là lý do đủ lớn để tôi tiếp tục.
Kế hoạch kêu gọi vốn của chị như thế nào?
Chuyện đến tình cờ lắm!
Khoảng thời gian dự án đang rơi vào bế tắc vốn đầu tư, một hôm tôi ngủ dậy, trong đầu còn không biết hôm nay phải làm gì nên mới đi đâu đó chơi. Vô tình tôi vô trúng một event dành cho start-up. Tôi chỉ nghĩ không còn để mất gì nên đăng ký đại, ai ngờ được chọn. Mọi thứ xảy ra chỉ trong tích tắc buổi sáng như thế.
Rồi tôi nhanh chóng sắp xếp sang Singapore kêu gọi vốn. Tất cả chỉ vỏn vẹn 2 ngày, tôi không hề ngủ luôn, cứ gặp hàng chục nhà đầu tư, mỗi người ngồi xuống 5 phút, hỏi trả lời, hỏi trả lời… Nhưng mọi người đều lắc đầu. Khoảng thời gian ấy, tôi cực kỳ bấn loạn luôn. Dù đã tự động viên là khi bắt đầu luôn không dễ dàng, nhưng cảm giác thất vọng, buồn bã, mệt mỏi… vẫn lớn lên mỗi ngày.
Lúc đó, tôi nghĩ giờ đã bơi đến giữa dòng rồi, quay lại cũng không được nữa nên chỉ bơi tiếp thôi. Thế là tôi cắm đầu đi tiếp. May mắn ở cơ hội thứ 64, tôi nhận được cái gật đầu đầu tiên với vốn hỗ trợ 50.000 USD.
Chị nghĩ sao khi có người gọi chị là hot-girl mặt dày, vì 64 lần đi gọi vốn và liên tục bị từ chối vẫn không bỏ cuộc?
Thực ra cuộc sống muôn hình vạn trạng lắm! Đâu ai biết lúc nào sẽ có gì nó quăng vô người mình, nếu mình không dày đủ thì chỉ có quỵ ngã.
Shark Phú nhận xét: “Nhìn em là anh thích đầu tư rồi, nhưng mà nhìn mô hình kinh doanh anh lại không thích đầu tư. Về mô hình kinh doanh này anh khẳng định luôn là em sẽ thất bại”. Chị nghĩ gì khi nghe câu nói này?
Có thể hiện tại tôi chưa thành công nhưng người nói ra câu đó chắc chắn sai. Vì chúng ta không ai có thể chắc được điều gì trong tương lai cả, đúng không? Câu nói của Shark Phú có thể đi ra từ kinh nghiệm trong lần làm việc của Shark cùng những nữ doanh nhân khác. Nhưng biết đâu tôi là người khác biệt so với họ thì sao?
Lúc đó, tôi đã hơi hụt hẫng chút xíu. Vì tôi biết ngay từ lúc bắt đầu lập nghiệp, Shark Phú cũng từng bị gia đình cấm cản, mọi người không tin tưởng. Bác ấy từng trải qua cảm giác như thế, mà lại lần nữa đặt nó vào tôi, nên cảm giác của mình chỉ là: Really???
Tôi không khẳng định là sẽ chứng minh câu nói của Shark Phú là sai. Nhưng nếu 10 năm nữa, tôi và bác ấy còn gặp nhau trên thương trường thì tôi rất muốn mời bác một buổi cafe để xem thử thế nào? (Cười).
Có người nói vẻ ngoài ngây thơ, xinh đẹp là yếu tố quan trọng giúp chị kêu gọi vốn thành công?
Chúng ta phải hiểu rằng: có cả thiên thời địa lợi nhân hòa thì mới thành công được. Có thể vẻ xinh đẹp hay ngây thơ là một phần nào đó đã giúp tôi thật. Nhưng nói là toàn bộ yếu tố giúp tôi thành công thì hoàn toàn sai. Chúng ta không thể vì nhìn thấy một mảnh ghép mà phán xét toàn bộ bức tranh.
Họ nhìn bề ngoài để đánh giá vì nó là cái đập vào mắt trực tiếp. Nhưng câu nhận xét này lại chỉ phản ánh họ nhiều hơn là người bị phán xét - đó là tầm tư duy, cách nhìn thiển cận. Thay vào đó, sao họ không nhận định điều gì đó sâu sắc hơn, kiểu như: Ohana sẽ giải quyết vấn đề gì cho cuộc sống?
Tôi chai mặt mà nên tôi cũng lờ đi thôi! Hiện tại, tôi chỉ quan tâm: hôm nay có bao nhiêu người đi tìm nhà?, bao nhiêu đã tìm được như mong muốn? tôi có thể làm gì để giúp họ?… Đó là những câu hỏi tôi ngủ với nó mỗi ngày.
Chị nghĩ thế nào khi mình tay ngang bước vào lĩnh vực này, khi tốt nghiệp cử nhân văn học lại bắt đầu start-up công nghệ?
Tôi không nghĩ đây là tay ngang.
Thực ra, kinh tế và văn học đều có những mối liên hệ mật thiết với nhau. Tuy nhiên, ở Việt Nam, mọi người vẫn còn bị cái vỏ bọc bề ngoài của ngành học làm cho nhầm lẫn rằng: văn học là học về con người, nhân văn, còn kinh tế là tính toán, tư duy… Nhưng mọi người quên là cả 2 có điểm chung là sự hiểu biết về con người.
Văn học giúp chúng ta giao tiếp, thấu hiểu người khác, chia sẻ suy nghĩ, truyền đạt lại cho người ta để họ đồng điệu với mình… Những điều này khi đem qua kinh tế vẫn áp dụng rất tốt.
Hiện tại, ứng dụng Ohana của chị đã tạo ra lợi nhuận chưa?
Hiện tại chúng tôi vẫn chưa nhận được tiền từ Ohana đâu! (cười). Tôi nghĩ mình đang trong quá trình nghiên cứu, tìm hiểu về nhu cầu người dùng để xây dựng nó tốt hơn, dễ dàng hơn,… nên vẫn chưa muốn tạo ra tiền từ nó.
Mọi chi phí vận hành công ty, trả lương cho nhân viên cũng rất căn bản thôi, tất cả đều từ gói tiền của các nhà đầu tư.
Trong tương lai, chị còn dự định nào hơn nữa cho ứng dụng tìm trọ cộng đồng Ohana này nữa không nhỉ?
Có chứ!
Tôi đang ấp ủ rằng Ohana sẽ không chỉ giải quyết nhu cầu nhà ở, mà còn cả nhu cầu tiện ích như tạp hoá, tiệm cắt tóc,… không chỉ ở Việt Nam mà còn mở rộng ra cả nước ngoài, với nhiều phân khúc khách hàng khác nhau… Cứ nơi nào có cơ hội thì tôi lại lao đầu vào thôi! (Cười).
Cám ơn Cathy Thảo Trần vì cuộc trò chuyện này. Chúc chị thành công!