Võ Thị Mỹ Linh, hay còn được biết đến với nick name Va Li, sinh năm 1989 là một phóng viên, blogger, tác giả trẻ. Nhưng phải đến sự kiện “cô gái Việt duy nhất sống sót sau trận bão tuyết tại Nepal” vào giữa tháng 10 năm ngoái, Mỹ Linh mới trở thành tâm điểm của giới truyền thông.
Từ một cô gái trẻ vô danh, Mỹ Linh bỗng chốc trở thành “nữ anh hùng”, “người truyền cảm hứng sống cho giới trẻ”… Cô cũng thường xuyên được mời chia sẻ về kinh nghiệm du lịch và leo núi, kỹ năng sống sót trong thiên tai…
Tuy nhiên, nhiều tình tiết được Mỹ Linh kể lại về chuyến đi trên các phương tiện truyền thông đã khiến nhiều người, dù không am hiểu về leo núi hay dân leo núi mạo hiểm chuyên nghiệp đều cảm thấy hoang mang, lo lắng về cái gọi là “kinh nghiệm leo núi” và “kỹ năng sống sót” của cô gái này.
Điển hình như các chi tiết được trích từ bài trả lời phỏng vấn báo Thế Giới Văn Hóa mà Mỹ Linh gửi về Việt Nam ngay khi cô vẫn còn kẹt lại tại Nepal như sau:
“5h sáng, tôi bắt đầu men theo đoàn người leo núi. Tôi đi rất chậm lại có thói quen chụp ảnh nên đi sớm nhưng bị bỏ lại khá xa”.
“Đến 8h trở đi tuyết bắt đầu rơi mạnh kèm theo gió bão. Tôi cố gắng bám theo đoàn người đi trước nhưng không kịp do găng tay và giày tôi không phải loại chống nước nên dễ dàng bị ướt khiến cả tay và chân tôi gần như bị đóng băng”.
“Đoạn đường về không còn nguy hiểm nữa nhưng vì quên mang kính chống nắng nên mắt tôi gặp vấn đề. May mắn thay, mắt tôi chỉ hết thấy đường khi tôi đến được làng Muktinath, tắm rửa và gặp lại cậu bạn Tom”.
Nhưng đáng chú ý hơn cả có lẽ là diễn biến câu chuyện tại thời điểm bão tuyết nổi lên, Mỹ Linh quyết định ra khỏi lều Tea House, đi theo những người leo núi khác dưới sự chỉ dẫn của một người đàn ông địa phương để di chuyển xuyên qua cơn bão, về làng Muktinath.
“Khoảng 3h, một người đàn ông từ làng Muktinath lên đến ngôi nhà. Nếu mọi người đi theo ông ta có thể đến được làng Muktinath và sống sót còn nếu ở lại thì có thể sẽ chết vì sức chứa không đủ và thời tiết ngày càng xấu. Khi vừa mang balo ra ngoài, nhìn thấy bão tuyết, tôi thấy tình hình mình không theo nổi nên đã vội vàng quay lại căn nhà và quyết định không đi”, cô kể lại.
Nhà leo núi mạo hiểm chuyên nghiệp Phan Thanh Nhiên - người Việt Nam đầu tiên và trẻ nhất chinh phục thành công đỉnh Everest thẳng thắn nhận định việc Mỹ Linh sống sót trong cơn bão tuyết tại Nepal vào tháng 10/2014 là do ăn may. Theo anh, cô gái này thiếu kiến thức leo núi và không tuân thủ luật leo núi nên không xứng đáng để được mọi người tung hô như một anh hùng. Thậm chí, việc này còn gây nguy hiểm với các bạn trẻ thiếu kiến thức đang có ý định chinh phục những vùng thiên nhiên khắc nghiệt.
Anh Nhiên giải thích cho nhận định của mình: “Leo núi mạo hiểm cần phải có kỷ luật. Điều kiện leo núi càng khắc nghiệt thì càng phải ý thức tuân thủ kỷ luật. Cô gái sống sót trong bão tuyết ở Nepal là một trường hợp điển hình không tuân theo luật leo núi.
Điều cơ bản nhất cũng không biết mà lại đòi đi leo núi là trời bão không bao giờ được ra bên ngoài. Thứ nhất, tuyết ngập lên đến hông. Thứ hai, thân nhiệt hạ xuống rất thấp. Thứ ba, thiếu oxy và không có thức ăn, nước uống. Cơ hội sống sót gần như bằng không. Con người không thể nào chống chọi lại với thiên nhiên.
Tôi không sợ đụng chạm khi nói đến chuyện này nhưng leo núi là phải trang bị đầy đủ kiến thức. Khi leo núi cũng không được nghe theo ai mà phải dựa trên phán đoán của bản thân từ những gì đã học được. Nếu cô gái sống sót trong bão tuyết ở Nepal không phải nhờ may mắn mà là do kiến thức leo núi thì tôi mới nể”.
Từ sau khi nổi lên như một hiện tượng nhờ may mắn sống sót trong bão tuyết ở Nepal, Mỹ Linh còn có nhiều hoạt động gây chú ý và tranh cãi trong cộng đồng. Ví dụ như bức thư gửi Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về phương pháp học tiếng Anh hay các bài viết “Cho tôi một lý do để từ bỏ thịt chó”, ủng hộ việc phá thai…
Một nguồn tin thân cận của Mỹ Linh cho biết việc phát ngôn những quan điểm gây sốc, gây tranh cãi trong dư luận trên nằm trong kế hoạch giúp Mỹ Linh đạt đến mục tiêu giành một suất học bổng của trường Đại học Havard danh tiếng.
Chưa dừng lại ở đó, vào trung tuần tháng 10 vừa qua, tròn 1 năm kể từ chuyến đi tử thần, cô bất ngờ thông báo rộng rãi về việc hợp tác cùng một nhóm bạn sở hữu khách sạn và công ty leo núi riêng tại Nepal “cung cấp dịch vụ leo núi giá rẻ dành riêng cho người Việt muốn sang Nepal chinh phục môn thể thao mạo hiểm”, kèm theo lời hứa hẹn hấp dẫn - cực đơn giản: “tất cả những gì bạn cần là book một tấm vé và nhấc mông ra khỏi Việt Nam”.
Được xem là tour leo núi Nepal giá rẻ đầu tiên được vận hành bởi một người Việt, đặc biệt là “cô gái Việt duy nhất sống sót trong bão tuyết ở Nepal” nên dự án của Mỹ Linh đã nhanh chóng thu hút sự quan tâm và ủng hộ từ nhiều người. Không ít người đã đăng ký mua tour của Mỹ Linh ngay sau thông báo mở tour của cô. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng không thiếu những ý kiến tỏ ra quan ngại và thiếu tin tưởng đối với tour du lịch được vận hành bởi một cô gái tay ngang trong lĩnh vực leo núi mạo hiểm này.
Dường như lường trước được những lo lắng của khách hàng, Mỹ Linh đã kịp trấn an mọi người: “Hãy nhớ rằng, trước khi trekking mình hoàn tàn không biết tí kiến thức gì về leo núi cả. Đó chính là lý do khiến mắt tôi bị mù tạm thời, mặt bị bỏng vì nóng và tay, chân tôi bỏng vì lạnh. Nhưng sau khi sống sót qua cơn bão tuyết, tôi biết được lý do vì sao tôi sống sót”.
Nhưng ngay sau đó, trong cùng bài viết, cô lại khẳng định chắc nịch: “Kỹ năng leo núi gần như là phần quan trọng nhất vì nó lý giải vì sao tôi sống sót trong khi rất nhiều người khác lại chết”.
“Cuối cùng, không phủ nhận rằng tôi là cô gái may mắn vì tự đi leo núi với số 0 tròn trĩnh về kinh nghiệm. Và bây giờ, tôi biết sự may mắn không phải là lý do duy nhất mà vì có những kinh nghiệm tiềm ẩn trong bản thân mà tôi không nhận ra”, Mỹ Linh chốt lại cuối bài viết.
Không thể phủ nhận ý tưởng mở tour leo núi mạo hiểm tại Nepal dành cho người Việt của Mỹ Linh là một ý tưởng không tồi. Bởi nhu cầu du lịch, khám phá Nepal của người Việt là có thật và môn leo núi mạo hiểm đầy hấp dẫn cũng còn mới mẻ với nhiều người Việt. Những tour giá rẻ như vậy sẽ là cơ hội tốt để người Việt được trải nghiệm, thử thách và hoàn thiện bản thân.
Tuy nhiên, yếu tố an toàn vẫn phải được đặt lên hàng đầu. Không phải cá nhân Mỹ Linh mà câu chuyện về chuyến đi tử thần của cô với hàng chục người đã bỏ mạng trên núi chính là một bài học đắt giá cho những ai chưa nhìn nhận đầy đủ và chính xác về sự khắc nghiệt của môn leo núi mạo hiểm, điều kiện thời tiết tại Nepal cũng như tầm quan trọng của việc trang bị các kiến thức, kỹ năng cần thiết cho chuyến hành trình.
Nên nhớ rằng trong những tình huống sống còn vô cùng khắc nghiệt, chính bạn phải là người đưa ra quyết định dựa trên nền tảng hiểu biết của bản thân để sống sót, chứ không phải nghe theo số đông, phụ thuộc vào sự hướng dẫn hay giúp đỡ từ những người khác hoặc chờ đợi sự may mắn của số phận - như Mỹ Linh đã từng.