Chiều 20/4, trong căn nhà nhỏ của vợ chồng ông Nguyễn Duy Trinh (50 tuổi) và bà Phạm Thị Thời (42 tuổi; ngụ thôn 2, xã Lộc Thành, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng) chật kín người đến thăm. Những tiếng cười rộn rã như chúc mừng 2 người trở về từ cõi chết.
Không nghĩ sẽ sống
Trước đó, chiều 19-4, trên địa bàn xã Lộc Thành có mưa rất lớn. Đống đất mà người hàng xóm đổ trước đó bị nước mưa trôi lấp mương thoát nước nên vợ chồng ông Trinh đội mưa ra khai mương.
Khi công việc vừa tạm ổn, vợ chồng ông Trinh leo lên mương để về nhà thì bất ngờ một khối đất đá hàng chục tấn từ quả đồi phía sau bị sạt lở, đổ xuống vùi lấp hai người. “Tôi chỉ nghe cái ầm. Chồng tôi cố đẩy tôi lên nhưng không kịp. Tôi không còn thấy gì nữa. Lúc sau, tôi nghe phía trên có người kêu cứu. Trong lòng tôi vô cùng sợ hãi. Tôi nghĩ là không thể sống sót được, rồi lo đến 5 đứa con đang trong tuổi ăn tuổi học, nhất là đứa con trai út 10 tuổi bị bệnh thận. Một lúc sau, tôi cảm thấy khó thở rồi thiếp đi lúc nào không biết” - bà Thời nhớ lại. Chỉ tay vào một vệt hằn đỏ trên cổ, bà Thời cho biết lúc xảy ra sự cố, bà đang đội nón, đất đá đổ ập lên đầu làm quai nón siết vào cổ.
Ông Nguyễn Duy Trinh bàng hoàng kể: “Tôi bị đất đá đè lên lưng, mỗi lúc một khó thở. Nghĩ bị ngộp thở thế này thì chỉ chịu đựng được 5 phút thôi, mà 5 phút thì làm sao bà con cứu kịp. Rồi tôi bị ngất lúc nào không hay”.
Thời gian từ khi đất sập cho đến lúc mọi người cứu được bà Thời lên đưa đi cấp cứu là 45 phút, đến khi đưa ông Trinh lên khỏi mặt đất là gần 1 giờ. “Chỉ có phép mầu và sự giúp sức của bà con, chúng tôi mới thoát chết khi bị hàng chục tấn đất đá chôn sâu hơn 2 m trong gần 1 giờ” - ông Trinh chia sẻ.
Gia đình ông Trinh quê gốc Nam Định, vào xã Lộc Thành làm kinh tế mới gần 30 năm nay. Gia đình không có nhiều đất để sản xuất nên chủ yếu làm nghề nuôi heo. 2 năm nay, giá heo bấp bênh khiến cuộc sống gia đình ông càng thêm khó khăn.
Tình làng nghĩa xóm
Ông Phạm Văn Thắng (anh rể bà Thời) nhớ lại thời điểm sinh tử ấy, hàng xóm, bà con vừa nghe hô hoán là tập trung rất nhanh. Có cái gì trong nhà là họ mang ra để tìm cách bươi, móc, cố cứu cho kịp nạn nhân. Ông Thắng xúc động: “Có người dùng cả tay trần để bới đất tìm em tôi. Đến khi cứu được em tôi thì họ mới biết các đầu ngón tay mình bị toét, chảy máu. Nhìn thấy họ mà tôi muốn khóc”.
Nhấp ngụm nước trà đầy sảng khoái, ông Cường, hàng xóm của ông Trinh, vui ra mặt: “Tôi vừa lấy xẻng xúc đất lia lịa vừa la làng để mọi người nghe đến cứu. Trong tâm trí tôi chỉ biết làm sao nhanh nhất moi đất lên để cứu người. Khi thấy bà Thời còn thở, chúng tôi mừng đến rơi nước mắt”.
Ông Lộc, người lái xe múc gần hiện trường vụ sạt lở, khi sự cố xảy ra đã bỏ dở công việc, đưa máy múc đến cùng bà con cứu nạn. “Trong đời lái máy múc của tôi chưa từng gặp trường hợp như thế này bao giờ, bởi lâu nay chỉ múc đất trồng cây chứ đâu có múc đất cứu người. Công việc này đòi hỏi phải hết sức chính xác, làm sao cho nhanh mà không múc trúng nạn nhân. Lúc đầu, tôi run tay lái lắm nhưng nghĩ nếu mình chậm 1 giây là tính mạng của họ càng nguy hiểm nên cũng liều. Rất nhiều người cầm cuốc, xẻng, chờ khi tôi múc đất gần tới nạn nhân là họ đào bới ngay. Đến lúc đưa vợ chồng ông Trinh lên rồi tôi cũng không nghĩ mình làm được như vậy” - ông Lộc bộc bạch.
Một số người dân tham gia cứu nạn cho rằng có thể do trong lúc đất đá sập xuống, ông Trinh cố đẩy bà Thời lên đã tạo ra một khoảng trống, nhờ vậy mới không bị ngạt trong một quãng thời gian. Đó là một sự may mắn nhưng với bà Vũ Thị Xuân, Chủ tịch UBND xã Lộc Thành, chính sự kịp thời của bàn con mới giúp vợ chồng ông Trinh sống sót. “Đây là một kỳ tích của tình làng nghĩa xóm” - bà Xuân xúc động.
Điều kỳ diệu nữa là theo bác sĩ Huỳnh Ngọc Thành, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa II Bảo Lộc, 2 nạn nhân khi đưa đến bệnh viện chỉ bị chấn thương nhẹ ở cột sống cổ và thắt lưng.
Ông Nguyễn Trung Kiên, Chủ tịch UBND huyện Bảo Lâm, cho biết huyện đang có hướng đề xuất khen thưởng đội cứu hộ không chuyên là những người dân địa phương hết lòng cứu các nạn nhân.