Sống chậm ở Nepal: 'Những ngày khiến tôi định nghĩa lại về hạnh phúc'

Sống chậm ở Nepal: 'Những ngày khiến tôi định nghĩa lại về hạnh phúc'

Logo Saostar - Special special

Sống chậm ở Nepal: 'Những ngày khiến tôi định nghĩa lại về hạnh phúc'

Copy Link
Chia sẻ

Đi và Yêu

Bạn sẽ làm gì khi đặt chân đến vùng đất mới? Ngày 1, bạn sẽ chụp ảnh check-in? Ngày 2, bạn sẽ trò chuyện với người dân? Ngày 3 bạn sẽ len lỏi vào một khu chợ địa phương, thử một món ăn mình chưa từng thử... 

Cứ như thế, những trải nghiệm của bạn sẽ dày lên, trái tim bạn sẽ bổi hổi trước một cánh rừng, dòng sông, quả đồi, con suối... Và cuối cùng, điều nằm lại trong bạn là kí ức đẹp đẽ nhất về vùng đất xa lạ.

Đi và Yêu là tuyến bài gồm những câu chuyện du lịch trong hành trình bốn phương của người trẻ. Qua đó, bạn sẽ tìm được nguồn cảm hứng xê dịch, tips du lịch hữu ích hay lắng nghe câu chuyện "đi và yêu" quanh mình.

Sống chậm ở Nepal: 'Những ngày khiến tôi định nghĩa lại về hạnh phúc' Ảnh 1

- Này! Thật đấy hả?

Người bạn thân lặp lại câu hỏi 2 lần khi biết tôi đặt xong chiếc vé máy bay đến Nepal. Chúng tôi có những "gạch đầu dòng" rất cơ bản về Nepal: một quốc gia giáp ranh Ấn Độ, sở hữu 8/10 ngọn núi cao nhất thế giới. Trong đó, có đỉnh Everest huyền thoại đã đi vào phim ảnh, những trang sách, biểu tượng cho khát vọng chinh phục của con người. 

Năm 2015, cơn động đất mạnh 7,9 độ Richter có tâm chấn nằm giữa thủ đô Kathmandu và thành phố Pokhara đã khiến nhiều ngôi nhà sụp đổ, 9.000 người thiệt mạng, san phẳng nhiều ngôi đền có tuổi đời hàng thế kỷ. Vậy Nepal của hiện tại thế nào? 

Tôi quyết định dành trọn vẹn 10 ngày nghỉ phép của mình cho Nepal. 

Sau 6 tiếng quá cảnh ở Ấn Độ, chúng tôi đáp xuống thủ đô Kathmandu. Chào đón chúng tôi là những nụ cười thân thiện của người Nepal. 

Tôi cầm máy ảnh trên tay, rảo bước các con đường và ghi lại những khoảnh khắc mang hơi thở của cuộc sống thủ đô. Đó là bóng dáng thấp thoáng của những phụ nữ mặc sari hồng, cam, đỏ, xanh... bước ra từ những ngôi đền trăm năm, các loại trái cây nhiệt đới đủ màu sắc được bán tại các khu chợ. Phố đi bộ Thamel có những cửa hàng rực rỡ sắc màu của những món đồ mỹ nghệ, thoang thoảng thơm mùi hồi, quế, các loại gia vị đặc biệt. 

Santosh, một hướng dẫn viên địa phương, cho biết người Nepal đã thực sự vực dậy mọi thứ từ tro tàn, để tìm lại cuộc sống yên bình vốn có.

Sống chậm ở Nepal: 'Những ngày khiến tôi định nghĩa lại về hạnh phúc' Ảnh 2

Sau trận động đất năm 2015, có rất nhiều công trình trong quảng trường Durbar thuộc thủ đô Kathmandu đã sụp đổ. Người ta đã kiến tạo lại mọi thứ, từ viên gạch nhỏ nhất.

Đến với Kathmandu, bạn hãy đi thật chậm rãi để lắng nghe và cảm nhận. Bồ câu luôn tung cánh bay ở các ngôi đền mà không có bất kì sự sợ hãi nào, những chú chó có thể nằm cuộn mình trong vạt nắng mới. Con người ôn hòa, khí hậu trong lành, cuộc sống đầy ắp hạnh phúc tiếng cười. Đó là cách "sống chậm" ở Nepal.

Ở Kathmandu, bạn đừng nên bỏ qua ngôi đền cổ Pashupatinath. Từ phía xa, mình đã thấy một làn khói trắng, nơi những người Hindu đốt xác và rải tro cốt xuống lòng sông. 

Cũng giống như Varanasi của Ấn Độ, người Hindu mất đi sẽ được mang đến đây, họ sẽ dùng nước thiêng để rửa mặt cho người quá cố, cầu nguyện và hỏa thiêu. Con trai của chủ nhà sẽ hành lễ, cạo trọc tóc, mặc trang phục màu trắng.

Sống chậm ở Nepal: 'Những ngày khiến tôi định nghĩa lại về hạnh phúc' Ảnh 3

Chúng tôi rời khỏi Kathmandu để bắt đầu hành trình tại Pokhara, thành phố đông dân thứ hai Nepal. Santosh đưa chúng tôi đến những homestay nằm nép mình trên những triền đồi, nơi nhìn thẳng ra Himalaya hùng vĩ. 

Trong tiềm thức của người Nepal, Himalaya là niềm tự hào. Những ngọn núi trên dãy Himalaya trắng xoá, nghìn năm tuyết phủ là nơi nuôi dưỡng bao khát vọng chinh phục của con người. 

Theo thống kê của Cơ quan Du lịch Nepal (NTB), quốc gia này đón hàng triệu lượt khách du lịch mỗi năm, đa phần đều đến Himalaya. Ngành du lịch góp khoảng 8% GDP và là ngành tạo việc làm lớn thứ tư cho nền kinh tế. Ngoài đỉnh Everest, nóc nhà thế giới cao 8.848 mét, Nepal còn có Lhotse, Annapurna, Mera Peak… cũng thu hút rất nhiều khách du lịch.

Sống chậm ở Nepal: 'Những ngày khiến tôi định nghĩa lại về hạnh phúc' Ảnh 4

Cách đây 8 năm, Santosh từng là một porter, người khuân vác hành lý cho khách du lịch leo núi. Những túi đồ 10kg, 20kg trên vai, ở độ cao hàng nghìn mét so với mực nước biển, con người có thể đối mặt với những nguy cơ nhưng thiếu oxy, khó thở, chóng mặt, mệt mỏi… Chính những chuyến đi lên vùng đất khắc nghiệt đã trui rèn cho anh một ý chí kiên cường. 

Santosh chắt chiu tiền bạc, tích luỹ những kinh nghiệm, tự học tiếng Anh, bắt đầu đặt những nền móng đầu tiên cho công ty du lịch mà anh thành lập. "Himalaya là một niềm tự hào đầy thiêng liêng", Santosh nói với chúng tôi.

Sống chậm ở Nepal: 'Những ngày khiến tôi định nghĩa lại về hạnh phúc' Ảnh 5

Những buổi sáng ở Pokhara, chúng tôi thường xuyên bắt gặp một hình ảnh quen thuộc, người phụ nữ theo đạo Hindu ngửa mặt lên trời, rót nước xuống thảm cỏ xanh và cầu nguyện. Họ dùng tay để lấy thức ăn, đi chân trần trên đất để hành hương thật chậm rãi và bình yên.

Theo Santosh, người Nepal hạnh phúc vì sống vừa đủ, có tôn giáo và đức tin. Santosh dù sở hữu một công ty du lịch nhỏ nhưng anh chưa thể mua nhà ở Kathmandu. Nhà đất ở thung lũng khá đắt đỏ, cả gia đình sống cùng nhau trong căn trọ nhỏ. Tuy nhiên, hạnh phúc được anh định nghĩa gói gọn trong từ "vừa đủ". Một nơi để trở về, một gia đình để yêu thương, một công việc để anh có thể kể với du khách bốn phương về Himalaya huyền thoại.

Hạnh phúc cũng khởi nguồn từ những gì bình dị nhất. Họ ngắm nhìn khói bếp bốc lên từ những ngôi nhà nhỏ, lang thang trên những ngõ phố Thamel, uống một cốc lassi giữa trưa hè. 

Đến Nepal, hãy chậm lại một chút, để ngắm nhìn rõ hơn, để lắng nghe nhiều hơn, để thấy con tim mình rung cảm với đất trời, con người. 

Chuyện ở Everest

Tôi từng xem một bộ phim Netflix có tên Chinh phục đỉnh núi, được dựa trên câu chuyện có thật. Chàng trai người Pháp tên Samy đã một mình đến Nepal để chinh phục Everest. Trong suốt hành trình đó, cậu đã từng bị bạn bè cười chê, ngay cả cô bạn gái mà Samy yêu mến cũng không tin chàng trai chưa từng có kinh nghiệm leo núi sẽ đến được “nóc nhà thế giới”. Anh nhận lời chia sẻ về hành trình "không tưởng" của mình cho kênh radio.

Samy chinh phục từng chặng đường ở Everest nôn thốc nôn tháo ở độ cao hàng nghìn mét, chịu cái lạnh cắt da thịt, ngã nhào khi cố leo lên núi tuyết. Những người đồng hành của Samy dần bỏ cuộc ở các trại tập trung vì không chịu nổi sự khắc nghiệt. Ở phút cuối cùng, khi sắp đặt chân Everest, anh chàng Sherpa đi cùng muốn bỏ cuộc vì cạn kiệt sức lực và oxy, Samy đã bật khóc nức nở và van xin người đồng hành đừng bỏ cuộc.

Cuối cùng, chàng trai đã đặt chân lên Everest, đỉnh núi có độ cao 8.848 mét trong niềm vui và sự vỡ òa. Chàng trai người Pháp có cuộc đời rất đỗi bình thường ấy, đã viết nên những điều phi thường. 

 

Bài viết

Khải Anh

Thiết kế

Nyny Võ

Copy Link
Chia sẻ
Cuộn xuống để đọc tiếp Đọc
tiếp