Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sắc màu cuộc sống

Mê mẩn với món xôi Bắc đúng điệu 10 năm không đổi giá của chàng hot boy Sài Gòn

“Ở Sài Gòn, muốn ăn xôi đúng điệu người Tràng An thì chỉ việc tìm đến ông Xôi” - một vị khách khó tính vừa gật gù khen, vừa nhâm nhi mớ xôi lá sen sớm tinh mơ…

“Người Bắc sống ăn xôi, chết phải cúng xôi!” (PV). Từ lâu những món xôi được nấu từ gạo nếp, cốm, ngô… đã thành một nét đẹp văn hoá ẩm thực xứ Bắc. Từ cái thanh đạm của thức quà đồng quê, những gánh xôi có mặt trên khắp đường phố Hà Nội, là hình ảnh thân quen với bao thế hệ.

Xôi Bắc rất ý vị! Xôi ngon phải được nấu ngay trước giờ ăn, nguyên liệu nguyên bản đồng quê, gói xôi thường bọc trong lá bàng non, lá sen to, hoặc lá chuối cắt nhỏ,… để thêm vị đăng đắng lá cây. Và mùi vị cũng theo mùa thay đổi: hè ăn xôi bắp, thu ăn xôi cốm, đông thì xôi nếp ngọt dịu.

Cũng như chiếc bánh mỳ thân thuộc của người Nam, xôi là món ăn hàng ngày, từ đường phố đến bàn tiệc, từ đứa con nít buổi tinh mơ đến trường tới chị nhân viên văn phòng… của xứ Kinh Kỳ. Để mỗi hôm khi trời còn lưng lửng hơi sương lạnh, ngồi cạnh nhau mà làm gói xôi nóng có rưới ruốc khô, hành phi thơm,… là đúng điệu người Tràng An.

Gánh xôi không biển hiệu, 10 năm vẫn thu hút khách nườm nượp.

Xôi lá sen 3 thế hệ, 10 năm giá không đổi

Cứ vậy, cho đến khi gánh xôi vị Bắc ấy vào Sài Gòn, ông Xôi đã gói ghém tất cả cái ngọt dịu, thơm nồng, ấm áp buổi sáng ấy mang theo. Hễ người Bắc nhớ quê, người Nam muốn làm miếng xôi lạ miệng, hay người Trung biến tấu với đường mè,… họ lại tìm đến ông Xôi.

Không biển hiệu, không hô hào, không bàn ăn, và đặc biệt không bao giờ tăng giá… 10 năm nay, xôi ông Xôi (35 Ngô Thị Thu Minh, Q. Tân Bình, TP.HCM) khiến bao thực khách vẫn phải nườm nượp xếp hàng mỗi sớm với chiếc bụng đói.

“Ở Sài Gòn, muốn ăn xôi đúng điệu người Tràng An, thì chỉ việc tìm đến ông Xôi” - một vị khách khó tính vừa gật gù khen, vừa nhâm nhi mớ xôi lá sen xanh.

Xôi xéo, xôi bắp, xôi cốm, hay xôi gấc,… đều là những món ăn quen thuộc của người Hà Nội.

Khách đông đúc từ sáng sớm.

Ăn xôi ủ lá sen của ông Xôi, bạn phải là người có tính kiên nhẫn. Mâm xôi chỉ bán đúng 3 tiếng đồng hồ, từ 6 giờ rưỡi sáng đến 9 giờ hơn, song lúc nào khách cũng xếp hàng dài đặc, 20 người trên lượt.

Nào là xôi bắp, xôi xéo, xôi gấc đỏ, xôi cốm,… lại thêm bánh giầy, bánh giò, bánh chưng,… được gia đình ông Xôi bán theo những nắm tay vừa ăn, cho thêm gia vị rồi bọc lại bằng lá sen trong khi cái hơi nóng ngùn ngụt của nếp còn toả đều.

Ông Xôi sẽ bắt đầu bằng câu nói: Cứ bình tĩnh, mọi người đều có. Cứ thế, khách tuần tự xếp hàng, người nào đến trước có trước, sau có sau, không sợ mất phần. Nhưng buổi sớm, cái bụng còn đói meo cộng thêm việc ngửi hương ngào ngạt dễ say lòng ấy, vẫn khiến nhiều người thiếu kiên nhẫn phải chấp nhận bỏ qua món ngon này.

Chỉ khi gói xôi trao tay, thoang thoảng hương thơm giữa gạo nếp, ruốc, hành phi vàng ươm, xíu thịt xé, đường mè… tất cả mới xuýt xoa: “Quả là cái già chờ đáng cho gói xôi ngon”. Có người vội ăn ngay khi còn nóng để kịp giờ làm, tụi con nít thì ngồi trên xe nhâm nhi từng miếng cốm để no bụng đến trường.

Vị xôi gấc đỏ au.

Xôi cốm vàng xanh đẹp mắt.

Mỗi gói xôi đều được gói trong lá sen xanh.

Theo đó, ông Xôi năm nay 54 tuổi, là một người Hà Nội gốc. Được sinh ra trong gia đình có truyền thống ẩm thực, từ nhỏ ông Xôi đã quen thuộc với những món xôi hàng gánh như thế. Ông kể rằng: Xôi xéo, xôi bắp, xôi gấc, cùng xôi cốm,… đều là ẩm thực buổi sớm của người Hà Nội. Ông đã lớn lên từ gánh xôi mẹ gánh mỗi ngày ở Hà Nội, vì thế thân thuộc với chúng tự lâu.

Thế nên, ông Xôi rất am hiểu cái nết chín đều, nết nở bung của từng hạt gạo, hạt bắp, cốm vàng… để cho ra những mẻ xôi đặc trưng chỉ mình làm được. “Dù vào Sài Gòn lâu rồi, nhưng vì vẫn muốn giữ nguyên vẹn cái thơm ngon của xôi gốc Hà Nội nên tôi vẫn phải nhập tất cả nguyên liệu từ ngoài ấy vào cả. Ruốc, cốm, nếp thơm, hành phi,… tất cả đều được gia công tại nhà.” - ông Xôi chia sẻ.

Riêng cái nếp ủ xôi trong lá sen, ông Xôi một mực giữ nguyên bản. Vì đó là văn hoá ẩm thực cầu kỳ của xứ Kinh Kỳ. “Là sen được nhập từ Đồng Tháp, Long An… đều tươi nguyên và sạch sẽ cả. Tôi chọn lá sen thay vì bao bì ni lông vì nó sạch, tránh ô nhiễm môi trường, đồng thời lá sen ủ xôi khiến vị xôi dẻo, giữ được độ nóng, còn có cả cái đắng lá hoà quyện vào tạo mùi đặc trưng cho xôi” - ông khẳng định chắc nịch.

Cứ thế, gói xôi hơn 10 năm đã quyến rũ biết bao thực khách sành ăn. Giá 10 nghìn đồng đủ đầy cho một buổi sáng tròn vị và bình dân người Sài Gòn.

“Dù vào Sài Gòn lâu rồi, nhưng vì vẫn muốn giữ nguyên vẹn cái thơm ngon của xôi gốc Hà Nội nên tôi vẫn phải nhập tất cả nguyên liệu từ ngoài ấy vào cả.”

“Tôi chọn lá sen thay vì bao bì ni lông vì nó sạch, tránh ô nhiễm môi trường, đồng thời lá sen ủ xôi khiến vị xôi dẻo, giữ được độ nóng, còn có cả cái đắng lá hoà quyện vào tạo mùi đặc trưng cho xôi”

Chàng hot boy từ bỏ đại học để đi bán xôi lề đường

Lục Đức Huy (23 tuổi) là con trai cả trong gia đình ông Xôi. Năm 18 tuổi, thay vì thi đại học như những người bạn cùng trang lứa, Huy lựa chọn theo bố vào Sài Gòn tiếp nối gánh xôi.

Huy kể: “Ngày đó mình cũng đã ghi xong hồ sơ rồi. Nhưng rồi nghĩ gia đình cũng đã có cái nghề, bố mình thì lớn tuổi… nên mình nghĩ vẫn theo nghiệp bán xôi, vào Nam phụ bố mẹ…”. 

Nhanh chóng quyết định ấy của Huy cũng được cả gia đình đồng ý. Nhưng với một người trẻ, bị buộc chân vào công việc làm ăn gia đình hẳn là điều không dễ chịu. Huy chia sẻ: 'Suốt một năm rưỡi đầu tiên vào Nam, mọi việc hơi khó khăn, thậm chí mình từng có thời gian bị stress. Nhưng giờ mọi thứ đã ổn, mình cũng quen với guồng sống và việc bán xôi bữa sớm này rồi.”

Huy là thế hệ đời thứ 3 của gánh xôi truyền thống này.

Thay vì chọn con đường Đại học, cậu trai trẻ lại nối nghiệp gia đình.

“Nhiều người còn gọi mình là hot boy bán xôi, nhưng mỗi lần nghe mình ngại lắm! Bán xôi cũng là công chuyện gia đình thôi nên mình không dám nhận cái danh xưng ấy đâu…” - Huy cười mỉm.

Bên cạnh đó, để cân bằng cuộc sống, ban đêm Huy vẫn đi học thêm âm nhạc, làm DJ cho các quán bar. “Nhiều người còn gọi mình là hot boy bán xôi, nhưng mỗi lần nghe mình ngại lắm! Bán xôi cũng là công chuyện gia đình thôi nên mình không dám nhận cái danh xưng ấy đâu…” - Huy cười mỉm.

Cứ thế, 3h sáng mỗi ngày, nồi xôi nóng lại sôi trên bếp. 6h rưỡi đã có mặt ở góc đường, bán hàng ăn sáng cho thực khách Sài Gòn. Đối với Huy, đây không còn là việc mưu sinh hay sự đam mê tuổi trẻ, Huy chỉ tự nhận mình là thế hệ đời thứ 3 để duy trì cho gánh xôi truyền thống đầy ý vị này.

Gánh xôi mở cửa, khách đã chen đông đúc, đôi khi chau mày vì sự chờ đợi. Nhưng rồi cầm gói xôi ủ trong lá sen xanh, ai cũng mỉm cười tâm đắc. Nhiều người dường như đã quen dần với việc ấy nên vô tư chờ gói xôi trao tay. Vì với họ - những người xứ Bắc xa quê, lâu lắm mới thưởng thức lại cái vị quê hương là điều tuyệt vời hơn cả.

Với những người xứ Bắc xa quê, lâu lắm mới thưởng thức lại cái vị quê hương là điều tuyệt vời hơn cả.

Thưởng thức xôi ông Xôi cũng đòi hỏi tính kiên nhẫn và chờ đợi.

Vợ ông Xôi làm việc không ngừng tay để làm những nắm xôi vừa ăn.

Chú Nguyễn Thành (53 tuổi) chia sẻ: “Tôi ăn xôi ở đây lâu rồi. Cứ cách vài ba hôm rảnh lại ghé ngang, mua thêm cho gia đình cùng ăn. Vào Nam lâu rồi nhưng để kiếm quán xôi rẻ lại chất lượng đúng điệu người Bắc thế này thì khó thật…”

Chị Lan (37 tuổi) đợi khá lâu, song khi cầm gói xôi lại niềm nở. Chị kể: “Xôi được tự nhà làm, sạch sẽ, ngon ngọt, lại bọc trong lá sen bắt mắt nữa. Cuối tuần mình mới có dịp ghé qua, nhưng thưởng thức buổi sáng đầy tinh tuý như vậy thì quả là đáng giá…”

“Vào Nam lâu rồi nhưng để kiếm quán xôi rẻ lại chất lượng đúng điệu người Bắc thế này thì khó thật…”

Xôi vị Bắc chỉ phục vụ vào buổi sớm tinh mơ, cho những ngày Sài Gòn chưa nắng vàng ươm, vì đôi người Bắc xa quê muốn có dịp ghé thăm lại thức quà quen thuộc, và làm cái dịp hẹn cho những con người Tràng An thanh lịch chuyện trò rôm rả bên góc phố.

“Xôi xéo, gấc, đậu,… còn không ông Xôi!”

“Từ từ, bình tĩnh rồi ai cũng có phần…” - Đầy dư vị chậm rãi trong từng nếp gói sen xanh như thế!

Để rồi, mỗi chiếc lá tự ủ trong mình vị ngọt dịu nếp mới, cái ấm nồng hạt bắp, chút mặn mòi ruốc khô,… và còn ủ cả tấm lòng người Tràng An muôn đời như ông Xôi. “Sắp tới, chú còn muốn làm ra một nhà hàng ẩm thực truyền thống dành riêng cho xứ Bắc ở giữa Sài Gòn như gánh xôi này nữa cơ…” - ông Xôi nghĩ về những ước mơ.

Để rồi, mỗi chiếc lá tự ủ trong mình vị ngọt dịu nếp mới, cái ấm nồng hạt bắp, chút mặn mòi ruốc khô,… và còn ủ cả tấm lòng người Tràng An muôn đời như ông Xôi.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Huy Hậu

Được quan tâm

Tin mới nhất
Giới trẻ nghĩ gì về Yamaha Janus hoàn toàn mới, nâng cấp có xứng đáng?
Lee Hooyeon kể trải nghiệm thú vị khi cùng Wukong hẹn hò tại New World Phu Quoc