Trao đổi với báo Tuổi Trẻ Online, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai - Chánh Văn phòng Sở Y tế TP.HCM cho biết: "Hiện chúng tôi đang phối hợp Phòng An ninh chính trị nội bộ Công an TP.HCM vào cuộc xác minh các vấn đề liên quan đến nội dung thông tin đăng tải và nhân thân của bác sĩ này".
Bên cạnh đó, bức ảnh trong câu chuyện trên được cho là hình ảnh hai em bé sơ sinh của trợ lý của bác sĩ Cao Hữu Thịnh, từng công tác tại Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM). Theo trợ lý bác sĩ Thịnh, hai hình ảnh trẻ sơ sinh nêu trên được các đồng nghiệp chụp, sau ca mổ do bác sĩ Thịnh thực hiện tại Bệnh viện An Sinh thời gian gần đây.
"Đây là hành vi lừa đảo, việc sử dụng hình ảnh không xin phép vào một mục đích như trên là phạm pháp. Trong lúc dịch bệnh khó khăn, lực lượng y bác sĩ và ngành y tế đang rất vất vả chống dịch, không thể chấp nhận được hành vi lừa đảo nêu trên. Đề nghị các cơ quan chức năng xác minh xử lý nghiêm vụ việc này" - đại diện bác sĩ Thịnh nói.
Vừa qua, mạng xã hội đã lan truyền câu chuyện cảm bác sĩ tên Khoa. Theo đó, bác sĩ Khoa đã "nhường sự sống" bằng cách chuyển ống thở của bố mẹ mình sang cho sản phụ mắc COVID-19 chuẩn bị sinh đôi.
Hiện tại, tất cả các thông tin mà bác sĩ Khoa đăng tải trên Facebook cá nhân cũng đều bị xóa. Bác sĩ Nguyễn Tri Thức, giám đốc điều hành Bệnh viện hồi sức COVID-19 - cho hay thông tin nêu trên là giả. "Không có bác sĩ nào tên Khoa và không có sự việc mổ bắt con tại bệnh viện" - ông nói. Theo xác minh, bác sĩ Khoa cũng không có tên trong danh sách nhân viên Bệnh viện quốc tế Hạnh Phúc. Trao đổi với TTO, đại diện bệnh viện khẳng định trong danh sách bác sĩ chính thức tại bệnh viện không có bác sĩ Khoa.