Ngày 24-2, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh đã có công điện hoả tốc đẩy mạnh các biện pháp phòng dịch trong bối cảnh số ca mắc tăng cao.
Theo đó, Hà Nội tập trung quản lý nhóm nguy cơ (người bệnh nền có nguy cơ cao, người từ 65 tuổi trở lên, phụ nữ có thai, người trên 18 tuổi chưa tiêm đủ vắc xin) và tiếp tục rà soát trẻ 12 - 17 tuổi và trẻ em chưa được tiêm vắc xin phòng COVID-19.
Đồng thời tăng cường hiệu quả hoạt động của các trạm y tế và trạm y tế lưu động, tổ hỗ trợ chăm sóc theo dõi F0 tại nhà, nhất là địa bàn có mật độ dân cư cao (đảm bảo nhân lực, cơ số thuốc, điều kiện vật chất, lực lượng y tế…), kịp thời chuyển tuyến điều trị theo hướng dẫn phân luồng tiếp nhận, điều trị người bệnh COVID-19 của ngành y tế.
TP.HCM có số ca mắc tăng vọt trong ngày 24-2, lên 2.466 ca, tăng hơn 1.000 ca so với ngày trước đó và nằm trong nhóm 10 tỉnh thành có số mắc cao nhất. Đáng chú ý từ ngày 14 đến 21-2 số trẻ mắc COVID-19 đã tăng gấp 3 lần so với tuần trước đó.
Với số ca mắc tăng cao như vậy sẽ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, học tập của các em và cũng ảnh hưởng đến cuộc sống, gia đình có trẻ nhiễm. TP.HCM đã có kế hoạch chăm sóc trẻ em bị nhiễm, đó là thực hiện chiến dịch bảo vệ trẻ em, trong đó ưu tiên bảo vệ trẻ có nguy cơ (có bệnh nền, trẻ thừa cân béo phì...).
Chiến dịch này gồm 7 nội dung: cung cấp số điện thoại để tư vấn từ xa, giải đáp thắc mắc cho phụ huynh, thân nhân, người chăm sóc bệnh nhi; tập huấn giáo viên nhận biết các dấu hiệu trẻ nhiễm COVID-19 để xử lý; tập huấn hệ thống y tế từ trung tâm y tế, trạm y tế, trung tâm y tế lưu động, các bệnh viện nhi trên địa bàn TP; phân tầng điều trị và hướng dẫn chăm sóc trẻ tại nhà, trường học; xây dựng kịch bản khi số trẻ mắc gia tăng; tăng cường truyền thông về nguyên nhân, mức độ và các giải pháp, sẵn sàng kế hoạch triển khai tiêm vắc xin cho trẻ dưới 12 tuổi.
TP đề nghị phụ huynh hỗ trợ hướng dẫn chăm sóc tốt hơn cho trẻ em trong phòng chống dịch. Đồng thời thường xuyên trao đổi với nhà trường để cùng nhau chăm sóc sức khỏe cho trẻ và chọn hình thức học (trực tiếp hoặc trực tuyến) một cách hiệu quả nhất.
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM, hiện các bệnh viện đang điều trị 2.171 bệnh nhân COVID-19, trong đó có 144 trẻ em dưới 16 tuổi, 44 bệnh nhân nặng đang thở máy, 10 bệnh nhân can thiệp ECMO. Trong ngày 24-2 TP.HCM không ghi nhận trường hợp nào tử vong, tổng số tử vong cộng dồn từ đầu năm 2021 đến nay là 20.422 người.
Tỉnh Bắc Giang, địa phương đứng thứ 2 về số ca mắc mới ngày 24-2 cho biết hiện có trên 32.700 ca mắc đang điều trị, trong số này có gần 30.500 ca cách ly, điều trị tại nhà.
Về mức độ bệnh, có 12 ca nặng, 109 bệnh nhân mức độ vừa, 10.114 bệnh nhân mức độ nhẹ và 22.604 ca mắc không triệu chứng. Về tiêm vắc xin, tỉ lệ người Bắc Giang từ 18 tuổi trở lên đã tiêm 3 mũi đạt 88%.
Số ca mắc mới tăng cao nhưng số chuyển nặng ở mức thấp
Báo cáo của các Sở Y tế tỉnh thành cho biết số bệnh nhân nặng đang điều trị là 3.137 ca, cao hơn so với tuần trước khoảng 5%, trong khi số mắc mới tăng rất cao.
Ngày 24-2 Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế Lương Ngọc Khuê đã có văn bản gửi các Sở Y tế, Bệnh viện, đề nghị thực hiện tốt công tác thu dung, điều trị cho người bệnh COVID-19, hạn chế mức thấp nhất việc chuyển tầng điều trị, chuyển viện và giảm tối đa ca tử vong.
Ông Khuê cũng đề nghị triển khai tập huấn, hướng dẫn điều trị COVID-19 cho trẻ em, sẵn sàng thu dung, điều trị ca mắc COVID-19 mức độ trung bình và nặng.
Tình hình dịch COVID-19 ở một số tỉnh thành
- Ngày 24-2 trong 24 giờ Hà Nội cho biết ghi nhận 8.864 ca COVID-19 (tăng 1.445 ca), trong đó có 3.025 ca cộng đồng. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Đông Anh (698), Sóc Sơn (610), Nam Từ Liêm (520); Long Biên (517); Hoài Đức (514); Hoàng Mai (488); Bắc Từ Liêm (432); Mê Linh (411). Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 đến nay là 230.138 ca.
- Chỉ trong 5 ngày, tỉnh Yên Bái phát hiện hơn 7.000 ca COVID-19 mới, chủ yếu có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng. Trong ngày 24-2, trên địa bàn ghi nhận 1.666 ca COVID-19. Từ khi có dịch đến tối 24-2, địa phương này ghi nhận 13.997 ca COVID-19.
- Những ngày gần đây, tỉnh Tuyên Quang liên tục ghi nhận số ca F0 trong cộng đồng tăng đột biến và diễn biến phức tạp, nguy cơ bùng phát diện rộng dẫn đến quá tải hệ thống y tế. Sau kỳ nghỉ Tết, số ca F0 trong cộng đồng tăng đột biến; những ngày gần đây, số ca mắc mới liên tục tăng (ngày 21/-2 ghi nhận 833 ca; ngày 22-2 là 845 ca; ngày 23-2 là 1.277 ca).
- Tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố Sơn La (tỉnh Sơn La) đang diễn biến hết sức phức tạp, số lượng ca F0 ngày càng tăng cao, đặc biệt đã có trường hợp tử vong do dịch. Hiện 10/12 xã, phường thuộc thành phố dịch đang ở cấp độ 3 (vùng cam).
Từ ngày 1-1-2022 đến 7h ngày 24/2, tỉnh Sơn La đã phát hiện 16.374 ca COVID-19, là công dân trở về từ các tỉnh đang có dịch, lây nhiễm thứ phát và tại cộng đồng; trong đó, thành phố Sơn La có 3.116 ca COVID-19.
- Tính đến thời điểm ngày 24-2, đã có 5 trong tổng số 6 huyện, thị, thành phố của tỉnh Hà Nam ghi nhận trên 1.000 ca COVID-19. Trong số 9.984 ca COVID-19 đợt dịch mới ở Hà Nam, có đến 2.222 F0 được phát hiện ở khu phong tỏa và tại nhà. Ngày 24-2 vừa ghi nhận thêm 448 ca COVID-19.
Do số trẻ em mắc COVID-19 trên địa bàn tăng cao (hơn 2.500 em) nên Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Hà Nam đã nhất trí đề nghị cho tất cả trẻ mầm non tạm thời nghỉ học, học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 chuyển sang học trực tuyến.
Hiện Bệnh viện dã chiến số 1 của tỉnh Hà Nam đang điều trị cho 46 trẻ em độ tuổi từ 0 đến 15 tuổi, trong số này có bệnh nhi 17 ngày tuổi. Đến nay, chưa ghi nhận ca bệnh nào là trẻ em phải thở máy.
- Quảng Bình lần đầu số mắc COVID-19 vượt mốc 1.200 ca. Cụ thể ngày 24-2, Quảng Bình ghi nhận thêm 1.218 ca COVID-19, trong đó có 890 ca cộng đồng. Đến nay tổng số ca COVID-19 của Quảng Bình là 18.571 ca; tổng số ca khỏi là 11.961; số đang điều trị tại bệnh viện là 392 ca; 5.978 F0 đang điều trị tại nhà; có 30 người tử vong.