Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sắc màu cuộc sống

Sinh viên lừa bố tham gia đa cấp tại Sài Gòn

Dù vẫn nằm trong danh sách chưa thực hiện, chưa xong thủ tục ngừng bán hàng nhưng công ty đa cấp lại thành lập mới và có tên khác ở TP.HCM, rầm rộ lôi kéo nhiều người tham gia.

Sản phẩm của công ty Everrichs. Ảnh: Thái Nguyễn.

Sản phẩm của công ty Everrichs. Ảnh: Thái Nguyễn.

Thời gian qua, nhiều người dân đã phản ánh về hoạt động kinh doanh theo mô hình đa cấp của Công ty cổ phần Everrichs Global. Chỉ trong vòng 4 năm, doanh nghiệp này liên tục đổi tên và lập ra nhiều công ty con như công ty Phúc An Khang, công ty Everrichs Khát Vọng Việt…

Liên tục thay tên đổi họ

Theo tìm hiểu của PV, Công ty cổ phần Everrichs Global, tiền thân là Công ty Cổ phần Quốc tế Thăng Long - Hà Nội được Sở Kế hoạch Đầu tư Hà Nội cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp tháng 2/2013. Trụ sở của doanh nghiệp này nằm tại số 45 Trung Kính, Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội. Tháng 10/2013, Công ty Quốc tế Thăng Long được Sở Công Thương Hà Nội cấp giấy chứng nhận bán hàng đa cấp.

Sau một thời gian hoạt động, doanh nghiệp đổi tên thành Công ty cổ phần Everrichs Global. Vốn điều lệ là 128 tỷ đồng. Chủ tịch HĐQT là ông Lưu Văn Khánh. Sản phẩm chủ lực của công ty này là mặt nạ Seven Night’s Carboxy CO2 Gel xuất xứ Hàn Quốc, giá 660.000 đồng một miếng.

2 năm hoạt động vướng nhiều bê bối, nghi vấn lừa đảo người dùng, ngày 29/6/2015, Everrichs Global nộp đơn xin Sở Công Thương Hà Nội chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp kể từ 30/6/2015. Cơ quan chức năng đồng thời yêu cầu giải tỏa tiền ký quỹ của công ty này.

Tuy nhiên, sau đó, đơn vị này xin chuyển về TP.HCM, đổi tên thành Công ty cổ phần Everrichs, tiếp tục hoạt động theo mô hình kinh doanh đa cấp.

Đến nay, Everrichs Global (trụ sở Hà Nội) vẫn chưa hoàn tất thủ tục giải thể, liên tiếp bị Sở Công Thương Hà Nội nhắc tên. Trong đó, danh sách 16 đơn vị “bỗng dưng biến mất” được bêu tên mới đây vài ngày cũng xuất hiện cái tên Everrichs Global.

Còn công ty Everrichs (trụ sở TP.HCM) đã được Bộ Công Thương cấp giấy chứng nhận kinh doanh đa cấp từ tháng 5/2015. Trụ sở chính của doanh nghiệp này nằm tại số 402 Phạm Văn Hai, phường 5, quận Tân Bình, TP.HCM. Số vốn điều lệ của đơn vị là 35 tỷ đồng, do ông Nguyễn Thế Thanh Đoan làm Tổng giám đốc công ty, đồng thời là người diện pháp luật. Ông Nguyễn Thế Thanh Đoan cũng là một trong những cổ đông cũ tại Everrichs Global.

Trên giấy chứng nhận kinh doanh của Everrichs ghi rõ, đây là lần thay đổi đăng ký kinh doanh thứ sáu và lần đổi tên thứ ba.

Lừa bố tham gia đa cấp tại Sài Gòn

Mặc dù đổi tên, chuyển địa bàn hoạt động từ Hà Nội vào TP.HCM nhưng sản phẩm và cách thức hoạt động của Everrichs không khác gì tiền thân Everrichs Global vốn mang nhiều tai tiếng.

Theo ghi nhận của PV, Everrichs chiêu mộ sinh viên bằng cách đăng thông tin tuyển dụng việc làm lên các trang mạng xã hội. Ứng viên khai họ và tên, số chứng minh nhân dân cho nhân viên sẽ được hẹn tới một địa điểm trên đường cách mạnh tháng 8, quận Tân Bình. Sau đó, nhân viên công ty tiếp tục gọi điện thoại hẹn đến địa điểm số 402, Phạm Văn Hai, quận Tân Bình, TP.HCM để gặp mặt.

Tới đây, nhân viên sẽ hướng người tham gia về cuộc sống hạnh phúc, tương lai tươi đẹp, làm việc nhẹ nhàng lương vài chục thậm chí vài trăm triệu đồng. Sau 3 giờ nói chuyện, người tham gia sẽ mua tập tài liệu giá 160.000 đồng của công ty và sản phẩm chính là nước yến Bird’s net plus.

Theo lời kể của nhân viên đa cấp, những loại thực phẩm này đều là hàng của công ty nhập về từ nước ngoài theo đúng thể trạng của người Việt. Giá sản phẩm cao hơn vì có thể chữa được nhiều bệnh khác nhau.

Trụ sở của công ty Everrichs. Ảnh: Thái Nguyễn.

Trụ sở của công ty Everrichs. Ảnh: Thái Nguyễn.

Chị P.T sống tại TP.HCM chia sẻ chuyện cô em gái tên An tham gia mô hình đa cấp này. Chị P.T cho biết năm 2015, An từ Buôn Mê Thuột, Đắk Lắk vào TP.HCM nhập học. “Cách đây ít lâu, An mượn tiền, nhưng kiểu cách mượn khiến mình thấy nghi nghi, lời lẽ ăn nói khác lắm, nên mình từ chối“. chị T cho biết.

Không mượn được tiền từ chị, An lừa ba ruột ở quê lên Sài Gòn để “dụ” tham gia vào mô hình kinh doanh đa cấp.

An nói dối ba được chọn là sinh viên tiêu biểu, cần phụ huynh lên gặp, ai ngờ dắt tay ba vào công ty đa cấp ngồi nghe các ‘chuyên gia 9X chém gió'… Sau khi trao đổi với nhân viên, An ép ba ruột của mình ký hợp đồng 75 triệu đồng với công ty, sau 2-3 năm sẽ sinh lời khoảng 2,3 tỷ đồng. Nghi lừa đảo, ba An không đồng ý và bỏ về“, chị P.T kể.

Sau khi hỏi, chị T mới biết An đã mua 7,9 triệu đồng sản phẩm của công ty, bao gồm nước yến, thực phẩm chức năng, nhưng không có bất cứ hóa đơn hay chứng từ gì. Chị P.T đã đến trụ sở công ty tại số 402 Phạm Văn Hai, quận Tân Bình, TP.HCM để yêu cầu xuất hóa đơn đỏ, nhưng công ty đã từ chối vì sản phẩm đã bán.

Hàng hóa thì không tem, mua về với giá cao nên không bán ra được. Hiện tại, An ôm khoản nợ 7,9 triệu đồng với lô sản phẩm không ai mua. Quan trọng hơn, em gái mình vẫn mê muội nghĩ công ty làm ăn chân chính”, P.T chua chát chia sẻ.

Anh Hoàng Tính, công nhân ở quận 12, TP.HCM, cũng từng rơi vào “bẫy thu nhập cao” của Everrichs. Anh Tính kể tháng 5/2016 thấy thông tin một công ty tuyển nhân viên bán sữa, mức lương 5 triệu đồng một tháng, tương đối ổn định lại đỡ cực khổ so với nhà xưởng nóng bức, anh quyết định liên hệ người đăng thông tin để xin việc.

Nhân viên bên công ty mời anh Tính đến tòa nhà trên đường Phạm Văn Hai, quận Tân Bình để phỏng vấn, khi đi mang theo chứng minh nhân dân để làm giấy tờ. Nhưng khi hỏi về công việc bán sữa như đã đăng thông tin thì những nhân viên này “đánh trống lảng” sang câu chuyện khác và hướng anh đến câu chuyện làm giàu.

Họ còn muốn mình về thuyết phục gia đình cùng tham gia, để không chỉ riêng mình, mà người thân cũng được học cách làm giàu”, Tính chia sẻ.

Thiếu thông tin, lại bị “dụ ngọt” bởi các chiêu trò, anh Tính đã chi gần chục triệu để mua hàng của công ty, với công việc duy nhất anh biết sẽ là “tiếp thị một số sản phẩm sữa, thực phẩm chức năng”, mà chính anh cũng không biết dùng để làm gì.

“Ngày đó, tôi có chiếc xe máy là tài sản duy nhất. Để tham gia mạng lưới, tôi đành bán xe với giá 14 triệu đồng, đổ vốn vào làm ăn. Nhưng tìm hiểu rõ hoạt động của bên đó, tôi bỏ luôn vì có nhiều người mất rất nhiều tiền”, anh Tính nói.

Một trường hợp khác là anh H.H (quận Tân Bình, TP.HCM). Anh H chia sẻ anh đã vào trụ sở của công ty đa cấp này được 4 ngày, với số tiền bỏ ra 160.000 đồng cho việc mua hồ sơ, giấy tờ. Công ty hẹn đến để “training” nhưng thực chất là toàn hướng dẫn cách thức vay mượn, thay vì dạy cách tiếp thị phân phối sản phẩm.

Tôi vào đó được 4 ngày, tối ngày chỉ toàn được hướng đi mượn nợ chứ không có chỉ cách kiếm tiền nhanh chóng như ngày đầu công ty giới thiệu”, anh H.H cho biết.

Ban đầu, mình cũng nghe thử xem cách thức của công ty về hoa hồng giới thiệu sản phẩm, mô hình như thế nào nhưng bất ngờ trước số tiền giới tiệu hoa hồng trực tiếp tới 80 triệu đồng, mình thấy khá vô lý nên không tiếp tục nữa”, anh H.H chia sẻ.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Theo Zing.vn

Được quan tâm

Tin mới nhất